Rao bán chứng minh thư của người khác, phạt tù đến 7 năm

0
214

Vì lợi ích trước mắt, nhiều đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật mà thực hiện hành vi mua bán, trao đổi thông tin cá nhân trên chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của người khác. Đây là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hậu quả khi để mất giấy tờ nhân thân vào tay kẻ xấu

Trong những ngày gần đây, thông tin về việc thông tin cá nhân, giấy tờ nhân thân của hàng ngàn người Việt Nam bị đăng tải và rao bán trên một diễn đàn Internet đang gây xôn xao dư luận.

Trong đó, hậu quả khi bị đánh cắp thông tin cá nhân là rất khó để kiểm soát. Việc lộ thông tin cá nhân đã khiến nhiều người bị làm phiền bởi những tin nhắn, email quảng cáo, hay các cuộc gọi chào mời mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Thậm chí, thông tin cá nhân của người bị đánh cắp còn có thể bị sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản bằng cách đăng ký các tài khoản trực tuyến, tài khoản viễn thông, tài khoản vay vốn ở tổ chức tài chính có quy trình lỏng lẻo hoặc thậm chí là trực tiếp đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng…

Không ít người do mất thông tin cá nhân từ chứng minh thư, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… đã bị mạo danh vay nợ với số tiền lớn. Chỉ đến khi quá hạn thanh toán và bị các công ty tài chính “siết nợ” thì họ mới biết mình đã bị giả mạo thông tin và dính nợ xấu.

Lúc này việc chứng minh mình bị đánh cắp thông tin hay giả mạo để đòi lại công bằng cũng không dễ dàng, đồng nghĩa với việc người bị hại sẽ phải cắn răng trả hết số nợ mà mình bị lừa.Vì vậy, việc việc bị lộ, đánh cắp thông tin cá nhân trên chứng minh thư, căn cước công dân hay sổ hộ khẩu…  là vô cùng nguy hiểm.

Rao bán chứng minh thư của người khác trên mạng bị xử lý thế nào?

Chứng minh thư, căn cước công dân hay sổ hộ khẩu là những loại giấy tờ quan trọng của mỗi cá nhân. Do đó, hành vi cung cấp, trao đổi, mua bán thông tin cá nhân hoặc giấy tờ tùy thân của người khác trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức phạt hành chính, tại khoản 5 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;

Trong đó, quy định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền trên là từ 25 – 35 triệu đồng.

Trường hợp thu lợi từ 50 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi trao đổi, mua bán thông tin cá nhân của người khác trên mạng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, Điều 288 quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

Theo quy định trên, tùy vào mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra, hành vi trao đổi, mua bán thông tin về chứng minh thư, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,… của cá nhân trên mạng máy tính mà không được chủ sở hữu cho phép có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 07 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Ngoài ra, Để góp phần ngăn chặn tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân, mới đây Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, nếu tiết lộ thông tin số điện thoại, chứng minh thư, tình trạng hôn nhân, tình trạng giới tính, xu hướng tình dục… của người khác trái phép thì sẽ bị phạt đến 80 triệu đồng; nếu vi phạm lần thứ 02 thì bị phạt đến 100 triệu đồng.
========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT THUẬN THIÊN

Giám đốc - Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Trụ sở chính:  Số 3 ngách 168/46/7/2 Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Hà Nội: Tầng 4, toà nhà Hoàng Vương, số 31 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Quảng Nam: Số 174 Văn Tiến Dũng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng luật sư TPHCM: Tòa nhà 68 Lộc Phát, số 68 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh..
Tổng đài : 1900.8686.64
Email: luatthuanthien@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatthuanthien.com
www.thuanthienlawfirm.com
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcInfographic: Cần kiểm tra gì trước khi mua nhà đất để tránh rủi ro?
Bài tiếp theoThuê xã hội đen đòi nợ, phạm tội gì?