Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về PCCC

0
318

Biên bản kiểm tra về PCCC Các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đều phải đáp ứng các điều kiện về PCCC theo quy định. Các cơ sở kinh doanh thuộc danh mục II nhưng không thuộc trường hợp ở danh mục III thì sau khi đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC theo quy định, sẽ được cơ quan Cảnh sát PCCC nghiệm thu và cấp Biên bản kiểm tra về PCCC. Các cơ sở kinh doanh thuộc danh mục III, sau khi đáp ứng được các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định, để được cấp Văn bản nghiệm thu PCCC phải tiến hành qua 2 bước: – Thẩm duyệt thiết kế về PCCC – Nghiệm thu về PCCC

I. Văn bản quy phạm pháp luật:

– Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

– Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP

II. Các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (Phụ lục I của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP) gồm:

1. Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường dạy nghề, trường phổ thông và trung tâm giáo dục; nhà trẻ, trường mẫu giáo.

2. Bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở y tế khám chữa bệnh khác.

3. Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, nhà thi đấu thể thao trong nhà, sân vận động ngoài trời; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người, công trình công cộng khác.

4. Cơ sở lưu trữ, bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, công trình văn hóa khác, nhà hội chợ, triển lãm.

5. Chợ kiên cố, bán kiên cố, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa.

6. Cơ sở phát thanh, truyền hình; cơ sở bưu chính viễn thông.

7. Trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển thuộc mọi lĩnh vực.

8. Cảng hàng không, cảng biển; cảng thủy nội địa xuất nhập hàng hóa, vật tư cháy được; bến tàu thủy chờ khách; bến xe khách, bãi đỗ xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy; gara ô tô, xe mô tô, xe gắn máy; nhà ga hành khách đường sắt, ga hàng hóa đường sắt cấp IV trở lên.

9. Nhà chung cư, nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ.

10. Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc, cơ sở nghiên cứu.

11. Hầm lò khai thác than, hầm lò khai thác các khoáng sản khác cháy được, công trình giao thông ngầm; công trình trong hang hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ.

12. Cơ sở hạt nhân; cơ sở bức xạ; cơ sở sản xuất vật liệu nổ; cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cơ sở sản xuất công nghiệp, sản xuất chế biến hàng hóa khác có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D và E.

13. Kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt; cảng xuất nhập vật liệu nổ, cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, cảng xuất nhập khí đốt.

14. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên.

15. Nhà máy điện, trạm biến áp.

16. Nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu; nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay.

17. Kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; bãi hàng hóa, vật tư cháy được.

III. Các cơ sở kinh doanh yêu cầu phải có Văn bản nghiệm thu PCCC (thuộc Phụ lục IV – danh mục các cơ sở phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC)

1. Dự án quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến PCCC của đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên.

2. Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông và các loại trường khác có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên.

3. Bệnh viện cấp huyện trở lên; nhà điều dưỡng và các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh khác có quy mô từ 21 giường trở lên.

4. Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc có sức chứa từ 300 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao trong nhà có sức chứa từ 200 chỗ ngồi trở lên; sân vận động ngoài trời có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; công trình công cộng khác có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

5. Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà lưu trữ cấp tỉnh trở lên; nhà hội chợ, di tích lịch sử, công trình văn hóa khác cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

6. Chợ kiên cố cấp huyện trở lên; chợ khác, trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

7. Công trình phát thanh, truyền hình, bưu chính viễn thông cấp huyện trở lên.

8. Trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển quy mô khu vực và cấp tỉnh trở lên thuộc mọi lĩnh vực.

9. Cảng hàng không; cảng biển, cảng đường thủy nội địa từ cấp IV trở lên; bến xe ô tô cấp huyện trở lên; nhà ga đường sắt có tổng diện tích sàn từ 500 m2 trở lên.

10. Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

11. Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước cấp xã trở lên; trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

12. Công trình thuộc cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

13. Công trình tàu điện ngầm; hầm đường sắt có chiều dài từ 2.000 m trở lên; hầm đường bộ có chiều dài từ 100 m trở lên; gara ô tô có sức chứa từ 05 chỗ trở lên; công trình trong hang hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ và có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

14. Kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công trình xuất nhập, chế biến, bảo quản, vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật liệu nổ công nghiệp.

15. Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E thuộc dây chuyền công nghệ sản xuất chính có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

16. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên.

17. Nhà máy điện (hạt nhân, nhiệt điện, thủy điện, phong điện…) trạm biến áp có điện áp từ 110 KV trở lên.

18. Nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu; nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay.

19. Nhà kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc có bao bì cháy được có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

20. Công trình an ninh, quốc phòng có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.

21. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC (gồm tàu thủy, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ) khi chế tạo mới hoặc hoán cải.

IV. Điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở

Các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC:

a. Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.

b. Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC trong cơ sở.

c. Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC.

d. Có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

đ. Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

e. Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định:

– Nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

– Đề ra tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau.

– Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy.

g. Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.

h. Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với công trình quy định tại mục III.

i. Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định của Bộ Công an:

– Quy định, nội quy, quy trình, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC;

– Hồ sơ thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (nếu có); văn bản thông báo về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC (nếu có);

– Sơ đồ bố trí công nghệ, hệ thống kỹ thuật, vật tư có nguy hiểm về cháy, nổ của cơ sở; sơ đồ bố trí khu vực nhiều nhà dễ cháy; vị trí nguồn nước chữa cháy của khu dân cư;

– Quyết định thành lập đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành;

– Phương án chữa cháy của cơ sở đã được phê duyệt; phương án chữa cháy của Cảnh sát PCCC; báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy;

– Biên bản kiểm tra an toàn về PCCC; văn bản đề xuất, kiến nghị về công tác PCCC; biên bản vi phạm và quyết định xử lý vi phạm hành chính về PCCC (nếu có);

– Sổ theo dõi công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và hoạt động của đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; sổ theo dõi phương tiện PCCC;

– Thống kê, báo cáo về PCCC; hồ sơ vụ cháy, nổ (nếu có).

Điều kiện an toàn về PCCC quy định ở trên phải được tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

V. Thủ tục cấp Biên bản kiểm tra PCCC

1. Thẩm quyền phê duyệt:

– Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phê duyệt phương án chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nhưng không thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ.

– Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện phê duyệt phương án chữa cháy đối với các cơ sở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ.

2. Cách thức tiến hành:

Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Phòng cảnh sát PCCC, Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy và Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy.

3. Thành phần hồ sơ bao gồm:

– 01 văn bản đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy cơ sở.

– 03 phương án chữa cháy đã được người có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phê duyệt.

4.Thời hạn giải quyết : Không quá 07 ngày làm việc từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

5. Lệ phí: Không.

6. Trình tự thực hiện:

Bước 1 – Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp Luật.

Bước 2 – Chủ cơ sở, cá nhân, tổ chức đến nộp hồ sơ

* Cán bộ tiếp nhận thủ tục hành chính kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ đã đẩy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn cho người nộp.

– Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiêp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại cho kịp thời.

* Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (Trừ ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định)

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Biên bản kiểm tra PCCC

– Biên bản kiểm tra PCCC không có thời hạn sử dụng khi không có những thay đổi về cấu trúc công trình, tính chất sản xuất, kinh doanh, đặc điểm nguy hiểm về cháy nổ của cơ sở và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy như giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện chữa cháy.

– Cơ sở khi có thay đổi tình huống cháy phức tạp nhất hoặc thay đổi từ hai tình huống cháy đặc trưng trở lên thì phải lập lại phương án chữa cháy.

VI. Thủ tục cấp Văn bản nghiệm thu PCCC

Lệ phí: Không.

Bước 1: Thẩm duyệt thiết kế về PCCC

(1) Hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC gồm 02 bộ, có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nếu hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch phần thuyết minh ra tiếng Việt kèm theo, cụ thể như sau:

a. Đối với dự án thiết kế quy hoạch, hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp PCCC của cơ quan phê duyệt dự án hoặc của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);

– Dự toán tổng mức đầu tư của dự án thiết kế quy hoạch;

– Các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp PCCC (theo quy định khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao)

b. Đối với thiết kế cơ sở, hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp PCCC của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);

– Bản sao văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền;

– Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình;

– Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp PCCC (theo quy định khi lập dự án và thiết kế xây dựng công trình)

c. Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);

– Bản sao văn bản chấp thuận quy hoạch của cấp có thẩm quyền;

– Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình;

– Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC (theo quy định khi lập dự án và thiết kế xây dựng công trình)

d. Đối với chấp thuận địa điểm xây dựng công trình, hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về PCCC của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền, kèm theo);

– Bản sao văn bản nêu rõ tính hợp pháp của khu đất dự kiến xây dựng công trình;

– Bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến PCCC như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình.

đ. Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC, hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư, chủ phương tiện (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);

– Bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư, chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện;

– Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện;

– Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật thể hiện giải pháp bảo đảm an toàn về PCCC đối với tính chất hoạt động và đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của phương tiện; điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan, thoát nạn, cứu người khi có cháy xảy ra; giải pháp bảo đảm an toàn về PCCC đối với hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu và động cơ; hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác; hệ thống, thiết bị phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ các chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ.

(2) Trình tự thẩm duyệt thiết kế PCCC

a. Cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của dự án, công trình.

Đối với hồ sơ thiết kế quy hoạch tỷ lệ 1: 500 của dự án thiết kế quy hoạch và hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án, công trình, cơ quan Cảnh sát PCCC có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về giải pháp PCCC.

b. Công trình có nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại các Mục III.14, III.16 và III.20 phải có văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của cơ quan Cảnh sát PCCC trước khi tiến hành thiết kế công trình.

c. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC, cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

(3) Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về PCCC: được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ

a. Dự án thiết kế quy hoạch: Không quá 10 ngày làm việc.

b. Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Không quá 05 ngày làm việc.

c. Thiết kế cơ sở: Không quá 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm A; không quá 05 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và C.

d. Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công: Không quá 15 ngày làm việc đối với dự án, công trình nhóm A; không quá 10 ngày làm việc đối với dự án, công trình nhóm B và C (Phân nhóm dự án, công trình các nhóm A, B, C nêu trên được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình).

đ. Thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC: Không quá 10 ngày làm việc.

(4) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Bước 2: Nghiệm thu về PCCC

Trước khi đưa vào sử dụng chủ đầu tư, chủ phương tiện phải thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra nghiệm thu về PCCC.

(1) Hồ sơ nghiệm thu về PCCC gồm:

– Bản sao giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC;

– Bản sao giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC đã lắp đặt trong công trình, phương tiện giao thông cơ giới;

– Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể các hạng mục, hệ thống PCCC;

– Các bản vẽ hoàn công hệ thống PCCC và các hạng mục liên quan đến PCCC phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;

– Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống PCCC của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;

– Văn bản nghiệm thu hoàn thành hệ thống, thiết bị có liên quan về PCCC.

Các văn bản, tài liệu nêu trên phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế. Nếu hồ sơ thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt.

(2) Cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra nghiệm thu về PCCC theo các nội dung sau:

– Kiểm tra nội dung và tính pháp lý của hồ sơ nghiệm thu về PCCC do chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới chuẩn bị;

– Kiểm tra việc thi công, lắp đặt phương tiện, thiết bị PCCC của công trình, phương tiện giao thông cơ giới theo thiết kế đã thẩm duyệt;

– Tổ chức kiểm tra thử nghiệm hoạt động thực tế của các phương tiện, thiết bị PCCC của công trình, phương tiện giao thông cơ giới khi xét thấy cần thiết.

(3) Thời hạn giải quyết thủ tục và kết quả thực hiện: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua biên bản kiểm tra nghiệm thu, cơ quan Cảnh sát PCCC có trách nhiệm xem xét, nếu đạt các yêu cầu thì ra Văn bản nghiệm thu về PCCC.

(4) Văn bản nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC là một trong những căn cứ để chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán và đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC vào sử dụng.

VII. Danh mục phương tiện PCCC

(Phụ lục V – Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014)

1. Phương tiện chữa cháy cơ giới:

– Các loại xe chữa cháy thông thường: Xe chữa cháy có téc, xe chữa cháy không téc (xe bơm).

– Các loại xe chữa cháy đặc biệt: Xe chữa cháy sân bay, xe chữa cháy rừng, xe chữa cháy hóa chất, xe chữa cháy chống biểu tình gây rối…

– Máy bay chữa cháy; tàu, xuồng chữa cháy.

– Các loại xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy: Xe thang, xe nâng, xe chỉ huy, xe thông tin ánh sáng, xe trạm bơm, xe chở nước, xe chở phương tiện, xe chở quân, xe chở hóa chất, xe cấp cứu sự cố, xe cứu nạn, cứu hộ, xe hút khói, xe kỹ thuật…

– Các loại máy bơm chữa cháy: Máy bơm khiêng tay, máy bơm rơmoóc, máy bơm nổi.

2. Phương tiện chữa cháy thông dụng:

– Vòi, ống hút chữa cháy.

– Lăng chữa cháy.

– Đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, Ezectơ.

– Giỏ lọc.

– Trụ nước, cột lấy nước chữa cháy.

– Thang chữa cháy (thang 3, thang 2, thang hộp, thang móc, thang khác).

– Bình chữa cháy (xách tay, có bánh xe): Bình bột, bình bọt, bình khí…

3. Chất chữa cháy: Nước, bột chữa cháy, khí chữa cháy, thuốc bọt chữa cháy.

4. Vật liệu và chất chống cháy:

– Sơn chống cháy.

– Vật liệu chống cháy.

– Chất ngâm tẩm chống cháy.

5. Trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân:

– Trang phục chữa cháy: Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, thắt lưng, khẩu trang chữa cháy; ủng và găng tay cách điện; quần áo cách nhiệt; quần áo chống hóa chất; quần áo chống phóng xạ.

– Mặt nạ phòng độc lọc độc, mặt nạ phòng độc cách ly, khẩu trang lọc độc, máy san nạp khí cho mặt nạ phòng độc.

6. Phương tiện cứu người: Dây cứu người, đệm cứu người, thang cứu người (thang dây, thang xếp…), ống cứu người, thiết bị dò tìm người…

7. Phương tiện, dụng cụ phá dỡ:

– Máy cắt, máy kéo, máy banh, máy kích, máy nâng vận hành bằng khí nén, thủy lực, bằng điện hoặc bằng động cơ.

– Kìm cộng lực, cưa tay, búa, xà beng…

8. Thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc, chỉ huy chữa cháy gồm:

– Bàn chỉ huy chữa cháy, lều chỉ huy chữa cháy.

– Hệ thống thông tin hữu tuyến.

– Hệ thống thông tin vô tuyến.

9. Hệ thống báo cháy, chữa cháy:

– Hệ thống báo cháy tự động, bán tự động.

– Hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động (bằng khí, nước, bột, bọt), hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà./.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT THUẬN THIÊN

Giám đốc - Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Trụ sở chính:  Số 3 ngách 168/46/7/2 Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Hà Nội: Tầng 4, toà nhà Hoàng Vương, số 31 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Quảng Nam: Số 174 Văn Tiến Dũng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng luật sư TPHCM: Tòa nhà 68 Lộc Phát, số 68 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh..
Tổng đài : 1900.8686.64
Email: luatthuanthien@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatthuanthien.com
www.thuanthienlawfirm.com
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcGiấy chứng nhận đủ diều kiện kinh doạt hoạt động thể thao
Bài tiếp theoThủ tục xin Visa Việt Nam