Bản án 284/2020/DS-PT ngày 12/05/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

0
129

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 284/2020/DS-PT NGÀY 12/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Vào các ngày 05 và 12 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 22/2020/TLPT-DS ngày 06 tháng 01 năm 2020, về “Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 486/2019/DS-ST ngày 22/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 266/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 02 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 1617/QĐ-PT ngày 03 tháng 3 năm 2020 và số 2356/2020/QĐ-PT ngày 17 tháng 3 năm 2020, Thông báo thay đổi thời gian mở lại phiên toà phúc thẩm số 3101/TA – TB ngày 14 tháng 4 năm 2020 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lâm Nghĩa H, sinh năm 1958 (có mặt) Địa chỉ: Số 35 đường R1, phường N, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh

2. Bị đơn: Công ty TNHH B Địa chỉ trụ sở: Tầng 25, Số 37 đường R2, phường T, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Thành L Địa chỉ liên hệ: Tầng 25, Số 37 đường R2, phường T, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt) (Văn bản ủy quyền số 12-20/04.20/legal ngày 20 tháng 4 năm 2020)

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn – Ông Lâm Nghĩa H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án như sau:

Trong đơn khởi kiện đề ngày 12/6/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn – Ông Lâm Nghĩa H trình bày:

Nguyên đơn và bị đơn – Công ty TNHH B có ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 00182519; bị đơn cấp cho nguyên đơn Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008. Số tiền phí bảo hiểm nguyên đơn đóng mỗi tháng gồm: 260.900 đồng phí bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang; 152.900 đồng phí bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn; 30.000 đồng phí bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn. Nguyên đơn đã đóng 48 tháng x 443.800đồng/tháng = 21.302.400 đồng, trong đó, tiền phí bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang là 12.523.200 đồng, tiền bảo hiểm phi nhân thọ là 8.779.200 đồng.

Nguyên đơn và bị đơn có ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 00196105; bị đơn cấp cho nguyên đơn Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008. Số tiền phí bảo hiểm nguyên đơn đóng mỗi tháng gồm: 130.400 đồng phí bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang; 76.500 đồng phí bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn; 15.000 đồng phí bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn. Nguyên đơn đã đóng 49 tháng x 221.900 đồng/tháng = 10.873.100 đồng, trong đó, tiền phí bảo hiểm Phú – Tích Lũy An Khang là 6.389.600 đồng, tiền bảo hiểm phi nhân thọ là 4.483.500 đồng.

Nguyên đơn xác nhận hai hợp đồng bảo hiểm đã được khôi phục hiệu lực (tái tục) bằng cách dời ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nên giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ được phát hành trước đây không còn giá trị.

Khi nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang có giá trị hoàn lại sau hai năm đóng phí thì bị đơn chỉ đồng ý trả 607.600 đồng cho Hợp đồng số 00182519 và 302.300 đồng cho Hợp đồng số 00196105. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải có người có thẩm quyền ký xác nhận là chỉ đồng ý trả số tiền trên cho nguyên đơn. Bị đơn từ chối mà nói trả chỉ có vậy, nếu đồng ý thì ký vào và bị đơn sẽ trả số tiền trên. Vì thế nguyên đơn mới kiện ra tòa đòi quyền lợi của mình. Tại Tòa, đại diện bị đơn là ông Lương Xuân D khẳng định không thể cung cấp ai là người có trách nhiệm xác nhận văn bản này.

Nguyên đơn xác nhận có ký hủy hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này ngày 07 tháng 3 năm 2019 nhưng nguyên đơn không đồng ý với số tiền bị đơn đề nghị thanh toán là 607.600 đồng và 302.300 đồng mà bị đơn ghi trong hai văn bản này nên nguyên đơn không nhận số tiền và khiếu nại.

Hợp đồng bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang là hợp đồng có giá trị giải ước khi đóng đủ 02 năm, còn hai hợp đồng phi nhân thọ là bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn và bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn không có giá trị hoàn lại hay giải ước và bị mất số tiền đã đóng khi không có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do nguyên đơn có khó khăn nên không đóng tiếp và để dành khoảng 16.000.000 đồng giá trị giải ước để khi cần có thể sử dụng. Nay khi nguyên đơn cần thì bị đơn viện dẫn điều khoản tự động đóng phí trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và cho rằng đã đóng hết tự động cho phi nhân thọ nên không đồng ý trả tiền. Nguyên đơn không đồng ý vì hợp đồng nào ra hợp đồng đó, không thể lấy điều khoản hợp đồng này áp vào hợp đồng phi nhân thọ vốn không có điều khoản tự động đóng phí.

Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại 18.912.800 đồng giá trị hoàn lại (cách gọi cũ là giá trị giải ước) của phần nguyên đơn đóng bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang của Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của các Hợp đồng số 00182519 và số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008.

Do bị đơn không cung cấp được giá trị hoàn lại là bao nhiêu phần trăm và trong hợp đồng cũng không quy định cụ thể nên nguyên đơn xác định giá trị hoàn lại bằng 100% x tổng số tiền nguyên đơn đã đóng bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang.

Ông Lương Xuân D là người đại diện hợp pháp của bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trình bày:

Bị đơn xác nhận hai bên có ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 00182519 và số 00196105 từ năm 2001, sau đó hai hợp đồng này đã được khôi phục hiệu lực (tái tục) bằng cách dời ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Sau đó, bị đơn đã cấp cho nguyên đơn Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008 có các chi tiết tương ứng với ngày hiệu lực mới ngày 01 tháng 01 năm 2007; Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ được phát hành trước đây không còn giá trị.

Theo quy định tại Điều 4.3.1 và Điều 5.2.9 của Điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang thì nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm và hợp đồng đã có giá trị giải ước, bị đơn sẽ tự động cho chủ hợp đồng tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm và Trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, bị đơn sẽ không có quyền hủy bỏ hay thay đổi các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm, trừ khi được sự chấp thuận bằng văn bản của bên mua bảo hiểm. Nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, bị đơn sẽ đóng phí tự động từ giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm chính. Trường hợp khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng thì phải có văn bản thông báo cho bị đơn biết về việc này.

Tuy nhiên, hết thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm, bị đơn đã không nhận được bất kỳ yêu cầu hoặc thông tin phản hồi nào của khách hàng liên quan đến việc yêu cầu hủy hợp đồng. Nguyên đơn không thể tham gia các sản phẩm bảo hiểm bổ sung độc lập mà phải tham gia cùng với sản phẩm chính; Quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bổ sung là những nội dung thỏa thuận bổ sung giữa bị đơn và nguyên đơn nhằm bổ sung cho người được bảo hiểm có tên trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Do đó, các quy định về thủ tục bảo hiểm, thủ tục giải quyết quyền lợi bảo hiểm và giải quyết tranh chấp được hiểu theo đúng nghĩa đã được giải thích trong điều khoản hợp đồng chính.

Bị đơn chỉ đồng ý thanh toán cho nguyên đơn 909.900 đồng giá trị hoàn lại (giá trị giải ước theo cách gọi cũ) còn lại, cụ thể:

Đối với hợp đồng số 00182519, nguyên đơn đã đóng 48 tháng x 443.800 đồng/tháng = 21.302.400 đồng; giá trị hoàn lại là 10.803.600 đồng; bị đơn đã đóng phí tự động từ giá trị hoàn lại là 10.196.000 đồng; giá trị hoàn lại còn lại là 607.600 đồng.

Đối với hợp đồng số 00196105, nguyên đơn đã đóng 49 tháng x 221.900 đồng/tháng = 10.873.100đồng; giá trị hoàn lại là 5.401.800đồng; bị đơn đã đóng phí tự động từ giá trị hoàn lại là 5.099.500đồng; giá trị hoàn lại còn lại là 302.300 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 486/2019/DS-ST ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của Ông Lâm Nghĩa H.

Buộc Công ty TNHH B có nghĩa vụ thanh toán cho Ông Lâm Nghĩa H 909.900 đồng giá trị hoàn lại tại thời điểm hủy hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Lâm Nghĩa H đòi Công ty TNHH B thanh toán 18.002.900 đồng.

3. Về án phí: Công ty TNHH B phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Lâm Nghĩa H được miễn án phí dân sự sơ thẩm; Hoàn trả cho Ông Lâm Nghĩa H số tiền 421.610 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp theo biên lai số AA/2018/0007880 ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, bản án dân sự sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quyền thi hành án của các đương sự.

Ngày 02/12/2019, nguyên đơn – Ông Lâm Nghĩa H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Tại đơn kháng cáo ngày 02/12/2019 và tại phiên toà Phúc thẩm nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì các lý do: Bản án sơ thẩm đã xâm phạm quyền lợi của nguyên đơn; thẩm phán không thực hiện đúng trình tự, thủ tục hỏi tại phiên tòa; thư ký và thẩm phán không cho nguyên đơn xem biên bản phiên tòa sau khi Tòa tuyên án; bị đơn không đặt câu hỏi, không tranh luận với nguyên đơn, không cung cấp hóa đơn, bảng kê khai thuế; bản án sơ thẩm căn cứ Điều khoản Hợp đồng hảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang là không có cơ sở vì đây không phải hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn; không có căn cứ để xác định nguyên đơn phải đóng phí bảo hiểm cho các bảo hiểm phi nhân thọ trong khi nguyên đơn không có văn bản xác nhận tiếp tục mua bảo hiểm này và cũng không có chứng cứ nào chứng minh bị đơn đã đóng phí bảo hiểm dùm nguyên đơn. Theo Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản, trong khi đó, nguyên đơn và bị đơn không cùng ký hợp đồng bảo hiểm mà bản án sơ thẩm nhận định hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu là không có căn cứ. Nguyên đơn và bị đơn đã ký hợp đồng bảo hiểm từ năm 2001 nhưng có một khoảng thời gian nguyên đơn không thực hiện hợp đồng nên sau đó nguyên đơn đã có đơn đề nghị bị đơn tái tục hợp đồng. Nguyên đơn đã nhận được các thông báo ngày 18/6/2008, tại thời điểm này nguyên đơn đã đồng ý với những nội dung của các văn bản do bị đơn gửi cho nguyên đơn và đã ký xác nhận tại các văn bản này. Nguyên đơn đã thực hiện việc đóng bảo hiểm theo hợp đồng được khoảng 4 năm sau đó do khó khăn về kinh tế nên không đóng bảo hiểm và cũng không có đơn yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Sau này nhớ lại nguyên đơn mới yêu cầu bị đơn trả lại giá trị hoàn lại của các hợp đồng bảo hiểm đã đóng nhưng bị đơn đã đưa ra những lý do không hợp lý để không hoàn lại tiền theo yêu cầu của nguyên đơn. Nguyên đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Người đại diện của bị đơn – ông Nguyễn Thành L trình bày: Bản án sơ thẩm đã áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết vụ án, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Công ty B là công ty bảo hiểm lớn, luôn hoạt động công khai và minh bạch. Phí tự động là nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khi khách hàng không có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm nhưng vẫn tiếp tục được thực hiện hợp đồng từ phí tự động và trong thời gian này khách hàng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Công thức tính toán giá trị hoàn lại được tính trên cơ sở kỹ thuật loại hình bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp sản phẩm bảo hiểm thời hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm được Bộ Tài chính phê duyệt theo Công văn số 6359TC/TCNH ngày 16/12/1999 và được bộ phận chuyên môn của công ty tính toán theo quy định.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày quan điểm:

– Về tố tụng: Từ ngày thụ lý đến khi xét xử và tại phiên tòa Phúc thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, các đương sự đã thực hiện đầy đủ và đúng trình tự thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

– Về nội dung:

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định hai bên có ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 00182519 và số 00196105 từ năm 2001, sau đó hai hợp đồng này đã được khôi phục hiệu lực (tái tục) bằng cách dời ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm với ngày hiệu lực mới là ngày 01 tháng 01 năm 2007. Đối với Hợp đồng số 00182519, nguyên đơn đã đóng 48 tháng x 443.800 đồng/tháng = 21.302.400 đồng, trong đó, tiền phí bảo hiểm Phú – Tích Lũy An Khang là 12.523.200đồng; Đối với hợp đồng số 00196105, nguyên đơn đã đóng 49 tháng x 221.900 đồng/tháng = 10.873.100 đồng, trong đó, tiền phí bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang là 6.389.600 đồng.

Xét thấy Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của Hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của Hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008 phù hợp quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và các Điều 407, 471 của Bộ luật Dân sự năm 2005, đây là loại hợp đồng theo mẫu được ký kết đúng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 35 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì “2. Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. 3 Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”. Nguyên đơn cho rằng bị đơn không cung cấp được giá trị hoàn lại là bao nhiêu phần trăm và trong hợp đồng cũng không quy định cụ thể nên nguyên đơn xác định giá trị hoàn lại bằng 100% x tổng số tiền nguyên đơn đã đóng bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang là không có cơ sở vì theo quy định tại Điều 1.1.12 của Điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang thì “Khoản giảm thu nhập đầu tư là số tiền thu nhập đầu tư bị giảm vì tạm ứng từ giá trị giải ước. Khoản giảm thu nhập đầu tư được tính bằng phần trăm của số tiền tạm ứng từ giá trị giải ước dựa trên giả định kỹ thuật của lãi suất đầu tư”. Do đó, phí bảo hiểm mà khách hàng phải đóng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ được tính toán dựa trên phí bảo hiểm nhằm cung cấp các quyền lợi bảo hiểm như cam kết trong hợp đồng bảo hiểm và phí quản lý cho nên giá trị hoàn lại luôn thấp hơn phí đóng bảo hiểm. Theo Văn bản số 6359 TC/TCNH ngày 16 tháng 12 năm 1999 của Bộ Tài chính về việc phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí, số tiền bảo hiểm và Cơ sở kỹ thuật loại hình bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp sản phẩm bảo hiểm thời hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm thì Giá trị hoàn lại = Số tiền bảo hiểm x Hệ số bảo hiểm trên số tiền bảo hiểm + Bảo tức tích lũy x Hệ số bảo hiểm trên bảo tức tích lũy nên giá trị hoàn lại của hợp đồng số 00182519 là 10.803.600 đồng và của hợp đồng số 00196105 là 5.401.800 đồng tại thời điểm hủy hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 2019.

Theo quy định tại khoản 4.2.2 và khoản 4.2.3 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú Tích lũy an khang quy định: “Trong trường hợp chủ hợp đồng không nộp phí bảo hiểm theo đúng thời hạn đã thỏa thuận, phí bảo hiểm phải nộp được gia hạn 60 ngày kể từ ngày đến kỳ nộp phí bảo hiểm. Sau thời gian gia hạn nộp phí quy định tại Điều 4.2.2, nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, hợp đồng sẽ tự động bị hủy bỏ và chấm dứt hiệu lực, trừ trường hợp được quy định tại Điều 4.3”. Tại khoản 4.3.1 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang quy định: “Nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời hạn gia hạn nộp phí bảo hiểm và hợp đồng đã có giá trị giải ước, Prudential sẽ tự động cho chủ hợp đồng tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm”. Do nguyên đơn không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm và hợp đồng đã có giá trị giải ước, bị đơn tự động cho nguyên đơn tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm phù hợp quy định tại Điều 35 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, các khoản 4.2.2, 4.2.3, 4.3.1 và 4.3.3 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang. Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn giá trị hoàn lại tại thời điểm hủy hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 2019 của hợp đồng số 00182519 là 607.600 đồng và của hợp đồng số 00196105 là 302.300 đồng. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán 18.002.900 đồng là có cơ sở nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 486/2019/DS-ST ngày 22/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận X.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Xét kháng cáo của nguyên đơn – về việc Tòa án cấp sơ thẩm đã không thực hiện đúng trình tự, thủ tục phiên tòa sơ thẩm, không cho nguyên đơn hỏi tại phiên tòa: Căn cứ nội dung biên bản phiên tòa sơ thẩm và xác nhận của nguyên đơn thì tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn đã đặt câu hỏi đối với bị đơn. Như vậy, nguyên đơn đã được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm.

[1.2] Đối với kháng cáo của nguyên đơn về việc bị đơn không đặt câu hỏi, không tranh luận với nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm: Đây là việc thực hiện quyền của người tham gia tố tụng, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn và không ảnh hưởng đến việc Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án sơ thẩm.

[1.3] Đối với kháng cáo của nguyên đơn về việc Thẩm phán và thư ký Tòa án không cho nguyên đơn được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa theo quy định tại khoản 4 Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự: Đây là các hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, không thuộc phạm vi kháng cáo theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự. Căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.”, Tòa án cấp phúc thẩm không giải quyết yêu cầu này của nguyên đơn. Nguyên đơn có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương XLI Bộ luật Tố tụng dân sự.

[1.4] Từ những nhận định trên, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về việc hủy bản án sơ thẩm do vi phạm thủ tục tố tụng.

[2] Về nội dung vụ án.

[2.1] Xét hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn và bị đơn.

Căn cứ văn bản đề nghị bảo hiểm số 00196105 và văn bản đề nghị bảo hiểm số 00192519 do nguyên đơn ký tên dưới mục “người yêu cầu bảo hiểm ký tên” và lời khai của các đương sự thể hiện sau khi được tư vấn, nguyên đơn đã yêu cầu được tham gia loại hình bảo hiểm do bị đơn kinh doanh. Căn cứ đơn đề nghị tái tục hợp đồng, Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008 thể hiện giữa nguyên đơn và bị đơn đã giao kết hợp đồng bảo hiểm. Một bên đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm và được bên kia chấp nhận toàn bộ theo quy định tại Điều 390, Điều 396 Bộ luật Dân sự 2005. Việc đề nghị và chấp nhận giao kết hợp đồng đều được lập thành văn bản. Tại Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008 đều có nội dung “Giấy chứng nhận bảo hiểm là một phần không thể tách rời của Hợp đồng bảo hiểm và phải được tham chiếu đối với hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và Quy tắc, Điều khoản sản phẩm bảo hiểm”. Mặc dù các bên tham gia bảo hiểm không cùng ký vào một văn bản có tên là Hợp đồng bảo hiểm nhưng bằng các văn bản là đơn yêu cầu bảo hiểm, đơn yêu cầu tái tục hợp đồng bảo hiểm, thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm đã có đủ cơ sở xác định các bên đã giao kết hợp đồng bảo hiểm theo Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm “Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” và sự thỏa thuận này được thể hiện bằng hình thức văn bản, phù hợp với quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các nội dung của hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn và bị đơn được các bên thỏa thuận tham chiếu theo Quy tắc, Điều khoản sản phẩm bảo hiểm nên việc Tòa cấp sơ thẩm xác định hợp đồng bảo hiểm giữa các bên là loại hợp đồng theo mẫu là có cơ sở, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về hình thức của hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng đảm bảo điều kiện về chủ thể, tự nguyện giao kết hợp đồng, hình thức và nội dung hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật, căn cứ Điều 122 Bộ luật Dân sự, hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp đồng có hiệu lực, người giao kết hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện điều khoản của hợp đồng.

[2.2] Về giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm Căn cứ khoản 2, 3 Điều 35 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì “2. Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. 3. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”. Do đó, hai hợp đồng bảo hiểm nêu trên đã phát sinh giá trị hoàn lại khi hủy hợp đồng. Căn cứ Điều 1.1.12 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang thì “Khoản giảm thu nhập đầu tư là số tiền thu nhập đầu tư bị giảm vì tạm ứng từ giá trị giải ước. Khoản giảm thu nhập đầu tư được tính bằng phần trăm của số tiền tạm ứng từ giá trị giải ước dựa trên giả định kỹ thuật của lãi suất đầu tư”; Căn cứ Cơ sở kỹ thuật loại hình bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp sản phẩm bảo hiểm thời hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm đã được Bộ Tài chính phê duyệt theo văn bản số 6359 TC/TCNH ngày 16 tháng 12 năm 1999 về việc phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí, số tiền bảo hiểm thì Giá trị hoàn lại = Số tiền bảo hiểm x Hệ số bảo hiểm trên số tiền bảo hiểm + Bảo tức tích lũy x Hệ số bảo hiểm trên bảo tức tích lũy nên giá trị hoàn lại của hợp đồng số 00182519 là 50.000.000 đồng x 0.14033 + 0.49519 x 7.647.400 đồng = 10.803.600 đồng và của hợp đồng số 00196105 là 25.000.000 đồng x 0.14033 + 3.823.800 đồng x 0.49519 = 5.401.800 đồng. Nguyên đơn yêu cầu tính giá trị hoàn lại của các hợp đồng bảo hiểm là 100% số tiền phí bảo hiểm nguyên đơn đã đóng là không có căn cứ chấp nhận.

[2.3] Về việc tạm ứng số tiền phí bảo hiểm Căn cứ Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 và số 00196105 thể hiện bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn và bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn định kỳ đóng phí bảo hiểm mỗi tháng và đóng phí đến ngày 01 tháng 01 năm 2024 nên việc nguyên đơn cho rằng mỗi năm phải có văn bản xác nhận tiếp tục mua hai bảo hiểm bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn, nếu không thì hợp đồng này hết hiệu lực là không có cơ sở. Căn cứ khoản 4.2.2 và khoản 4.2.3 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang “Trong trường hợp chủ hợp đồng không nộp phí bảo hiểm theo đúng thời hạn đã thỏa thuận, phí bảo hiểm phải nộp được gia hạn 60 ngày kể từ ngày đến kỳ nộp phí bảo hiểm. Sau thời gian gia hạn nộp phí quy định tại Điều 4.2.2, nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, hợp đồng sẽ tự động bị hủy bỏ và chấm dứt hiệu lực, trừ trường hợp được quy định tại Điều 4.3”.Tại khoản 4.3.1 Điều 4.3 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú Tích lũy an khang quy định “Nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời hạn gia hạn nộp phí bảo hiểm, và hợp đồng đã có giá trị giải ước, Prudential sẽ tự động cho chủ hợp đồng tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm” và tại khoản 3.3 Điều 3 của Cơ sở kỹ thuật loại hình bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp sản phẩm bảo hiểm thời hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm đã được Bộ Tài chính phê duyệt cũng quy định “Trong trường hợp không thanh toán phí bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã có giá trị giải ước, hợp đồng bảo hiểm sẽ không chấm dứt cho đến khi giá trị giải ước sau khi đã trừ các khoản tạm ứng vẫn còn đủ để thanh toán cho một hay nhiều kỳ phí bảo hiểm”. Do nguyên đơn không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm, và hợp đồng đã có giá trị giải ước, bị đơn tự động cho nguyên đơn tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm là phù hợp với nội dung hợp đồng bảo hiểm. Số tiền phí bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm số 00182519 là 10.196.000 đồng và của hợp đồng số 00196105 là 5.099.500 đồng.

Nguyên đơn kháng cáo cho rằng bị đơn không cung cấp được hóa đơn và bảng khai thuế đối với số tiền phí bảo hiểm bị đơn đóng hộ nguyên đơn. Xét, bị đơn tự động cho nguyên đơn tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm và bị đơn là bên được nhận tiền phí bảo hiểm, không phải thu hộ cho nguyên đơn để giao nộp cho bên thứ 3 nên việc cung cấp hóa đơn, chứng từ để chứng minh đã thu số tiền phí bảo hiểm là không cần thiết.

[2.4] Về số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn.

Sau khi trừ số tiền tạm ứng phí bảo hiểm, bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm số 00182519 là 10.803.600 đồng – 10.196.000 đồng = 607.600 đồng và của hợp đồng bảo hiểm số 00196105 là 5.401.800 đồng – 5.099.500 đồng = 302.300 đồng. Tổng số tiền là 909.900 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán 18.912.800 đồng – 909.900 đồng = 18.002.900 đồng là đúng pháp luật.

[3] Từ những nhận định trên và xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

[4] Về án phí:

Bị đơn phải chịu án phí đối với số tiền phải trả cho nguyên đơn.

Nguyên đơn là người cao tuổi được miễn án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 4 Điều 236, Điều 271, Điều 293 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Căn cứ Điều 122, Điều 390, Điều 396 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Căn cứ Điều 12, Điều 14, khoản 2,3 Điều 35 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000.

Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn – Ông Lâm Nghĩa H.

1. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 486/2019/DS-ST ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Án phí dân sự phúc thẩm:

Nguyên đơn được miễn án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn lại cho nguyên đơn tiền tạm ứng án phí Phúc thẩm đã nộp số tiền 300.000 đồng theo biên lai thu số 0005402 ngày 03/12/2019 của Chi Cục Thi hành án dân sự Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Luật sư tranh tụng Thuận Thiên nhận giải quyết các vụ án về tranh chấp bảo hiểm nhân thọ. Thông tin liên hệ dưới chân trang. Tư vấn 24/7.

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT THUẬN THIÊN

Giám đốc - Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Trụ sở chính:  Số 3 ngách 168/46/7/2 Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Hà Nội: Tầng 4, toà nhà Hoàng Vương, số 31 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Quảng Nam: Số 174 Văn Tiến Dũng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng luật sư TPHCM: Tòa nhà 68 Lộc Phát, số 68 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh..
Tổng đài : 1900.8686.64
Email: luatthuanthien@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatthuanthien.com
www.thuanthienlawfirm.com
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcLuật sư giải quyết tranh chấp bảo hiểm nhân thọ
Bài tiếp theoÁn lệ số 22/2018/AL về “Không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”