Bản kiến nghị Luật sư “Tham ô tài sản” bào chữa cho 03 bị cáo Lê Văn Chung, Phan Văn Quang, Phạm Hiệp xảy ra tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng

0
148

Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội.

Dưới đây là Bản kiến nghị Luật sư của Luật sư Nguyễn Trung Tiệp bảo vệ cho 03 bị cáo Lê Văn Trung, Phan Văn Quang, Phạm Hiệp bị truy tố, xét xử về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại huyện Đạ Tẻh theo quy định tại khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trước ngày diễn ra phiên tòa, 01 bản Kiến nghị Ls nhận định, phân tích về toàn bộ nội dung vụ án được gửi đến VKS, Tòa án. Theo đó, 01 bản án mang tính nhân văn, răn đe, giáo dục đủ để thức tỉnh những sai phạm (Một bị cáo: 42 tháng tù, Một bị cáo: 36 tháng, Một bị cáo: 30tháng tù).

BẢN KIẾN NGHỊ LUẬT SƯ

Kính gửi: – CHÁNH ÁN TAND HUYỆN ĐẠ TẺH – TỈNH LÂM ĐỒNG

– THẨM PHÁN DƯƠNG VĂN HÙNG.      

Công ty Luật Thuận Thiên xin gửi lời chào trân trọng đến Quý cơ quan!

VKSND huyện Đạ Tẻh – tỉnh Lâm Đồng ra Cáo trạng số 14/CT- VKSNDĐT ngày 14/03/2023. QUYẾT ĐỊNH:

  1. Truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng để xét xử các bị can: Lê Văn Trung, Phan Văn Quang và Phạm Hiệp, về tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

Liên quan đến Cáo trạng của VKSND huyện Đạ Tẻh truy tố các bị can Lê Văn Trung, Phan Văn Quang và Phạm Hiệp, chúng tôi Luật sư Nguyễn Trung Tiệp, Luật sư Lê Hồng Đức của Công ty Luật TNHH Thuận Thiên thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – là người bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, làm việc/trao đổi với các bị can, chúng tôi trình bày những nhận định, phân tích về nội dung vụ án để các Quý cơ quan xem xét, đánh giá như sau:

  1. VỀ NỘI DUNG
  2. Về tội danh

Thứ nhất, dấu hiệu về mặt chủ thể:

Tội “Tham ô tài sản” đòi hỏi chủ thể phải là chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ quyền hạn quản lý tài sản. Những người không có chức vụ, quyền hạn này chỉ có thể là đồng phạm tham ô với vai trò là người xúi giục, tổ chức hay giúp sức.

Chủ thể của tội tham ô tài sản, nếu nói một cách khái quát phải là những người có trách nhiệm quản lý tài sản. Trách nhiệm này có thể có được do có chức vụ hoặc do đảm nhiệm những chức trách công tác nhất định. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý về mọi mặt như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, có thể chỉ là quản lý trên thực tế như trách nhiệm giữ, bảo quản của thủ kho, thủ quỹ hoặc quản lý trên văn bản giấy tờ như kế toán. Trách nhiệm quản lý tài sản của những người nói trên có được là do chức năng công tác được cơ quan giao cho một cách chính thức.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và các biên bản lời khai cho thấy:

Biên bản hỏi cung bị can ngày 28/12/2022 (BL 257 – 258) Lê Văn Trung khai:

“…Tôi được giao quản lý và sử dụng toàn bộ các tài sản trong trang trại từ: chuồng trại nuôi heo, nhà ăn ở cho công nhân, nhà kho,… các dụng cụ phục vụ chăm sóc heo, cám cho heo ăn, thuốc phòng chữa bệnh, thuốc khử trùng, sát khuẩn cho heo, số lượng heo nái được chăm sóc, số lượng heo con mới sinh và đang được giao chăm sóc.”

Biên bản ghi lời khai ngày 161 – 162 (BL 161- 162) của anh Phạm Minh Phú – quản lý trại heo:

“Chức năng, nhiệm vụ của trưởng trại heo là quản lý công nhân trong trại, chia trách nhiệm điều hành công việc trong trại, quản lý tài sản trong trại heo. Trưởng trại heo không có quyền cho xuất heo ra khỏi trại, mỗi lần xuất heo phải có lệnh của công ty gửi xuống và có trưởng bộ phận ký tên.”

Biên bản ghi lời ngày 23/11/2022 (BL số 167 – 168) của ông Nguyễn Tuấn Kiệt – Đại diện cho bên bị hại:

“Lê Văn Trung với vai trò là nhân viên kỹ thuật trưởng có trách nhiệm quản lý, chăm sóc và phối giống cho số heo nái trong trại; nuôi dưỡng số heo nái mang thai; cho heo nái sinh sản và chăm sóc số heo con cho đến khi cai sữa, xuất trại. Để quản lý, hàng ngày Trung phải báo cáo số liệu heo kể trên cho người quản lý của Công ty”

Hợp đồng lao động số 191834191 ngày 25/8/2022 được ký kết giữa Lê Văn Trung và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, có Điều 3 quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động:

“Trong trường hợp công nhân viên được giao nhiệm vụ quản lý hoặc theo dõi tài sản của công ty mà làm thất thoát hoặc hư hỏng phải bồi thường thiệt hại cho công ty.”

Đồng thời căn cứ vào Bảng mô tả công việc HR-059-BMTCV của nhân viên kỹ thuật trưởng cũng nêu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của Lê Văn Trung trong việc quản lý số lượng heo của trang trại.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và các lời khai trên có thể thấy, chủ thể có chức vụ, quyền hạn trong vụ án này là Lê Văn Trung – Trại trưởng (Nhân viên kỹ thuật trưởng) của trại heo Nghiêm Phát. Trung có trách nhiệm quản lý số lượng heo nái và số lượng heo con mới sinh và đang được giao chăm sóc.

Thứ hai, về hành vi khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội “Tham ô tài sản” được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.

Trong vụ án này, người có chức vụ, quyền hạn là Lê Văn Trung cùng với Phan Văn Quang và Phạm Hiệp (công nhân của trại heo) đã thực hiện 03 lần hành vi tham ô 32 con heo con của Trại heo Nghiêm Phát:

Biên bản hỏi cung bị can ngày 4/10/2022 (BL 135 – 137) bị can Phan Văn Quang khai:

“Sau khi đã thuê được chuồng nuôi heo của vợ chồng chị Thoảng khoảng 15 ngày mà chúng tôi vẫn chưa có tiền mua heo giống. Khi đó Trung nói với tôi để Trung xắp xếp trộm cắp heo giống từ Trại heo của Công ty CP Việt Nam ở Xã Mỹ Đức – ĐạTẻh – Lâm Đồng mà Trung đang làm trại trưởng ra để chúng tôi nuôi chung. Tôi đồng ý, sau đó chúng tôi đã 03 lần thực hiện việc trộm cắp heo con của Trại heo Nghiêm Phát mà Trung làm trưởng trại.”

Biên bản ghi lời khai ngày 01/10/2022 (BL 142 – 143) của Lê Văn Trung:

Ngoài lần bị bắt này tôi cùng Hiệp và Quang còn thực hiện trộm cắp heo của trại heo Nghiêm Phát hai lần. Lần đầu vào ngày 27/9/2022 cũng khoảng 1h, tôi gọi cho Quang vào chở heo, tôi nói với Hiệp vào chuồng bắt heo rồi đem ra bờ tường kho phân để đó tôi gọi điện cho Quang vị trí heo để Quang đến chở. Lần này được 10 con.

Lần 2 là vào khoảng 1 giờ ngày 28/9/2022 tôi nói với Hiệp bắt heo con rồi đưa ra bờ tường gần kho phân rồi gọi điện cho Quang đến chở, lần này trộm cắp 12 con. Ngoài ra không còn lần nào nữa.”

Biên bản hỏi cung vị can ngày 05/10/2022 (BL 135 – 137) của Phạm Hiệp:

“Vào cuối tháng 09 và đầu tháng từ 2022, Trung đã 03 lần yêu cầu tôi bắt trộm heo con của Trại đưa ra ngoài cho Phan Văn Quang bạn Trung.”

Lời khai của Lê Văn Trung, Phan Văn Quang và Phạm Hiệp phù hợp với nhau về hành vi thực hiện, vị trí, số lượng và thời điểm thực hiện hành vi tham ô heo con của trại heo Nghiêm Phát.

Như vậy, Phan Văn Quang, Lê Văn Trung và Phạm Hiệp trong khoảng thời gian từ rạng sáng ngày 27/9/2022 đến ngày 01/10/2022 đã thực hiện 03 lần tham ô 32 con heo con của trại heo Nghiêm Phát chở về chuồng thuê của anh Nam để nuôi. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại số tiền 14.400.000 đồng, đồng thời xâm phạm hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.

Thứ ba, về đối tượng của tội phạm:

Tài sản bị tham ô trong vụ án này là 32 con heo con của Trại heo Nghiêm Phát. Qua quá trình điều tra, rà soát tài sản bị mất cắp thì phía bên Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã thu lại được 32 con heo bị mất và bán ra ngoài thị trường, thu lại được 14.400.000 đồng. Đồng thời, các bị can cũng chưa được hưởng lợi gì từ hành vi phạm tội; đã ăn năn, hối cải về hành vi của mình, tự nguyện liên đới bồi thường 15.000.000 đồng cho phần thiệt hại chênh lệch, cố gắng khắc phục hậu quả, bù đắp thiệt hại. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.

Thứ tư, về ý thức chủ quan:

Lê Văn Trung và Phan Văn Quang là bạn cùng học tại trường Đại học Nông – Lâm Huế. Khoảng tháng 8/2022 Trung và Quang đã nói chuyện đặt vấn đề thuê trang trại nuôi heo để cùng hùn vốn nuôi heo. Do hoàn cảnh gia đình của cả hai rất khó khăn, cha mẹ đều già yếu, bệnh tật hiểm nghèo, lại đã thuê được chuồng nuôi heo nhưng chưa vay được tiền từ ngân hàng để mua heo thả vào chuồng. Đồng thời, anh Nam người cho thuê chuồng nói nếu để lâu thì đổi ý không cho thuê nữa, nên Trung và Quang mới nảy sinh ý định trộm cắp heo con ở trại heo Nghiêm Phát. Với mục đích để chi tiêu cá nhân, trang trải cho cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn.

Còn về Phạm Hiệp, Hiệp là công nhân dưới quyền quản lý của Trung. Do cả nể, sợ Trung gây khó dễ, tìm cớ sa thải nên Phạm Hiệp mới giúp Trung và Quang thực hiện hành vi trộm cắp heo con. Phạm Hiệp chỉ làm theo sự chỉ đạo của Trung chứ không được bàn bạc, hứa hẹn chia lợi ích gì, cũng không vì mục đích vụ lợi.

Như vậy, hành vi của Lê Văn Trung, Phan Văn Quang và Phạm Hiệp đã cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, theo truy tố của Viện kiểm sát huyện Đạ Tẻh – tỉnh Lâm Đồng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

  1. Về đồng phạm

Căn cứ theo Điều 17 BLHS năm 2015, tính chất đồng phạm của các bị can là rõ ràng, các bị can đều thống nhất thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án có sự tham gia của 03 bị can, tuy nhiên các bị can không có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ từ trước, do đó tính chất đồng phạm của các bị can là đồng phạm giản đơn. Song cần phải cá thể hóa, phân hóa trách nhiệm hình sự để làm rõ vai trò của từng người.

– Xét về vai trò đồng phạm của Lê Văn Trung và Phan Văn Quang trong vụ án:

Cơ quan CSĐT – Công an huyện Đạ Tẻh trong bản Kết luận điều tra vụ án hình sự số 37/KLĐT-ĐTTH nhận định:

“Trung đóng vai trò là người chủ mưu, điều hành hoạt động phạm tội”.

“Quang đóng vai trò là người trực tiếp, tích cực thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ, mục đích vụ lợi.”

Tuy nhiên căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai của các bị can, cho thấy:

+ Biên bản hỏi cung ngày 4/10/2022 (BL 135 – 137) Phan Văn Quang khai: “Khoảng tháng 8/2022, có lần Trung ra Tân Phú gặp tôi nói chuyện đặt vấn đề xem ở Tân Phú có trang trại nuôi heo nào bỏ trống không thì tôi và Trung cùng hùn vốn nuôi heo. Tôi đồng ý cùng hùn vốn nuôi heo với Trung, lời lãi chia đôi. Sau đó tôi đã tìm hiểu để thuê trang trại bỏ trống nuôi heo.

…Vài hôm sau tôi dẫn Trung đến trang trại của vợ chồng chị Thoảng – anh Nam để đặt vấn đề thuê chuồng heo.

….Khi Trung đưa ra ý tưởng bắt trộm heo của trang trại về nuôi, tôi và Trung đã đưa ra thống nhất Trung có heo giống, tôi bỏ công chăm sóc, tiền cám heo cả 02 cùng bỏ ra.”

Biên bản ghi lời khai ngày 01/10/2022 (BL 131 – 133) Phan Văn Quang khai: “Trung cho tôi số điện thoại của Hiệp để bắt heo đưa từ trại ra ngoài, còn thời gian lấy heo từ trại ra ngoài do tôi với người công nhân tên Hiệp tự sắp xếp và hẹn thời gian.”

+ Biên bản ghi lời khai ngày 03/10/2022 (BL 144 – 145) Lê Văn Trung khai: “Khoảng tháng 8/2022, tôi ra Tân Phú gặp Quang thì Quang muốn rủ tôi chung vốn thuê chuồng chăn nuôi heo. Thức ăn cho heo thì Quang có thể mua thiếu của Công ty mà Quang đang làm thuê, khi nào bán heo rồi trả. Tôi đồng ý chung vốn, thuê chuồng nuôi heo với Quang nhưng chưa vay được. Biết tôi làm trại trưởng của Trại heo Nghiêm Phát, Quang nói tôi xem lấy trộm trong trại heo mấy chục con để nuôi heo.”

Biên bản hỏi cung bị can ngày 09/12/2022 (BL 186 – 187) Lê Văn Trung khai: “Sau khi bị can và Quang thống nhất ngày, giờ bắt heo thì bị can sẽ trực tiếp gặp hoặc có khi gọi điện cho Hiệp, nói khi nào có ai gọi điện bảo là bạn của bị can đến chở heo thì sẽ bắt heo ra phía sau chuồng phân đưa cho người đó, về số lượng thì sẽ theo từng lần bị can thống nhất với Quang.”

Qua những lời khai trên cho thấy, Lê Văn Trung và Phan Văn Quang đã cùng trao đổi, bàn bạc với nhau về việc tìm chuồng heo bỏ trống để cùng hùn vốn nuôi heo. Lê Văn Trung là người đưa ra ý kiến, nhưng Phan Văn Quang cũng đã đồng ý và là người đi tìm hiểu để thuê chuồng heo. Sau khi thuê được chuồng thì cả hai thống nhất ngày giờ bắt heo, số lượng heo cần bắt. Trung là người liên hệ với Hiệp cho Quang số điện thoại của Hiệp, nhưng việc sắp xếp và hẹn thời gian bắt heo thì là Quang với Hiệp tự bàn bạc và trao đổi với nhau.

Vì vậy, không có căn cứ để cho rằng Lê Văn Trung là người chủ mưu, điều hành hoạt động tội phạm, vai trò của Lê Văn Trung và Phan Văn Quang trong vụ án đều là người thực hành tích cực.

– Xét về vai trò đồng phạm của Phạm Hiệp trong vụ án:

+ Biên bản ghi lời khai ngày 01/10/2022 (BL 153 – 154) Phạm Hiệp khai: “Quan hệ giữa tôi và anh Trung là cấp dưới, cấp trên, anh Trung chỉ đạo tôi thì tôi phải thực hiện mặc dù tôi biết rõ hành vi của tôi là trộm cắp tài sản, giữa tôi và anh Trung không có bàn bạc gì. Anh Trung không đưa lợi ích gì cho tôi.”

Biên bản hỏi cung bị can ngày 05/10/2022 (BL 135 – 137) Phạm Hiệp khai: “Nếu ai làm không được việc Trung có quyền sa thải. Vì vậy các công nhân trong trại dưới quyền điều hành của Trung nhất nhất chấp hành mệnh lệnh của Trung vô điều kiện.

Trung không nói mục đích đưa ra làm gì, cũng không hứa hẹn, chia trác gì với tôi. Tôi làm theo lời của Trung mặc dù biết đó là sai trái chỉ vì tôi nghĩ Trung đã giúp đỡ tôi đưa tôi vào làm việc nên không lỡ từ chối yêu cầu của Trung, không lỡ làm phật lòng Trung. Sợ rằng không làm theo yêu cầu của Trung thì Trung tìm cớ sa thải tôi, vì vậy tôi nhắm mắt làm theo”

+ Biên bản hỏi cung bị can ngày 09/12/2022 của VKSND (BL 186 – 187) Lê Văn Trung Khai: “Hiệp đồng ý và không hỏi lại và Hiệp là nhân viên dưới quyền quản lý của bị can. Bị can chưa cho Hiệp lợi ích gì từ việc bắt heo. Đối với Hiệp là nhân viên dưới quyền do bị can tuyển dụng vào nên bị can sai bảo Hiệp làm việc cho bị can, chứ không có sự thống nhất, bàn bạc với Hiệp.”

Đồng thời, căn cứ theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, có quy định như sau:

4. Tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như thế nào?

Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.

Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;

– Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.

Căn cứ theo quy định trên của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC và lời khai của các bị can cho thấy: Phạm Hiệp không được bàn bạc hay trao đổi về việc bắt trộm heo của Phan Văn Quang và Lê Văn Trung. Hiệp là công nhân dưới quyền quản lý của Trung, mặc dù biết mang heo ra ngoài trong buổi đêm là không đúng với quy định của công ty nhưng do Trung là người có quyền hành quản lý, sa thải công nhân, quản lý tài sản trong công ty nên Hiệp mới cả nể, sợ Trung sa thải mình nên làm theo yêu cầu của Trung. Đồng thời, Hiệp cũng không nhận được lợi ích gì từ Trung, đơn thuần chỉ nghe chỉ đạo của Trung và làm theo, không vì động cơ vụ lợi. Vì vậy, vai trò của Phạm Hiệp trong vụ án này là người giúp sức, giữ  vị trí, vai trò thứ yếu trong vụ án.

  1. Về tình tiết giảm nhẹ

Một là: Trong quá trình điều tra các bị can Lê Văn Trung, Phan Văn Quang và Phạm Hiệp đều đã nhận ra sai phạm của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s, khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.

Hai là: Khi Công ty Cổ phần chăn nuôi Việt Nam yêu cầu bồi thường thiệt hại, gia đình các bị can đã tự nguyện bồi thường cho Công ty thỏa đáng (Theo các Giấy biên nhận Tiền bồi thường thiệt hại tại BL số 271 – 273). Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: tự nguyện bồi thường thiệt hại quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.

Ba là, về gia đình:

Các bị can đều là lao động chính của gia đình, có cha mẹ già yếu, trên 60 tuổi, không còn khả năng lao động.

– Đối với Lê Văn Trung: Cha của Lê Văn Trung là Lê Thành, sinh năm 1958; mẹ là Hà Thị Xuân, sinh năm 1959 (đã mất). Hiện nay theo chẩn đoán của bệnh viện cha của bị can Trung bị u ác đại tràng (có các sổ khám bệnh, giấy khám bệnh làm minh chứng), giờ phải nằm viện điều trị, mẹ Trung đã mất nên không còn ai chăm sóc.

Bên cạnh đó, ông Lê Thành trong thời thực hiện nghĩa vụ quân sự, từng đạt được nhiều bằng khen, giấy khen về việc Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện tháng 11/1981 và đạt Danh hiệu chiến sỹ thi đua năm 1982, 1983.

– Đối với Phan Văn Quang: Cha Phan Văn Quang là Phan Phước Hiên, sinh năm 1965; mẹ Quang là Hà Thị Xuân. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ ông Phan Phước Hiên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong công tác xây dựng đơn vị tốt năm 1987 và theo Quyết định số 615/QĐ-BTL ngày 02/5/2013 của Bộ tư lệnh Quân khu 4 tôi được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định số 62/2011/QĐ – TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

– Đối với Phạm Hiệp: Phạm Hiệp có cha là ông Phạm Huệ, sinh năm 1948, mẹ là bà Nguyễn Thị Quýt, sinh năm 1952. Ông Phạm Huệ được bệnh viện chuẩn đoán là bị di chứng tai biến mạch máu não, bệnh lý tăng huyết áp, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, rối loạn tích lũy lipid khác, bệnh đái tháo đường (có giấy tờ của bệnh viện làm minh chứng).

Chị Lê Thị Loan là vợ của anh Phạm Hiệp, không có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Hiện còn phải đang nuôi 02 con nhỏ (con lớn sinh năm 2009, con nhỏ sinh năm 2015).

Bên cạnh đó, bị can Hiệp còn phải chăm sóc đối với người dì ruột của mình tên là Nguyễn Thị Hiếu, sinh năm 1973, đang bị khuyết tật nặng về trí tuệ. (Giấy xác nhận khuyết tật ngày 16/3/2023 của UBND phường Hương Vân).

Gia đình các bị cáo đã có đơn xin xác nhận hoàn cảnh gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương.

 Bốn là, về nhân thân

Các bị can đều chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội do thiếu hiểu biết về pháp luật.

Năm là: Ông Nguyễn Tuấn Kiệt – đại diện phía bị hại cũng đã có Đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình cho các bị can gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

Vì vậy, đề nghị HĐXX cho các bị can được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.

  1. Xử lý vật chứng

Tại Biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 01/10/2022 (BL 218 – 219), có thu giữ của Phan Văn Quang số tiền 10.400.000 đồng tiền mặt (Mười triệu bốn trăm ngàn đồng).

 Tại Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 37/KLĐT-ĐTTH ngày 28/11/2022 (BL 169 – 173) kết luận: “Kết quả điều tra xác định số tiền 10.400.000 đồng tiền mặt là tài sản của Quang, không liên quan gì đến hành vi phạm tội của Quang.”

Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47 BLHS năm 2015, Điều 106 BLTTHS năm 2015 trả lại cho bị can Phan Văn Quang số tiền mặt 10.400.000 đồng (Mười triệu bốn trăm ngàn đồng).

  1. Một số quy định của pháp luật về nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ

Thứ nhất, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có quy định như sau:

Điều 92. Xử lý người có hành vi tham nhũng

  1. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Nghị quyết 03/2020/NQ của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, có quy định

Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ

  1. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
  2. Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sựđối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sựhoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
  3. a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
  4. b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
  5. c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
  6. d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

Căn cứ theo các quy định trên, chúng tôi có nhận định như sau:

Một là, tài sản các bị can tham ô có giá trị không lớn (14.400.000 đồng), các bị can chưa được hưởng lợi gì từ hành vi phạm tội, cũng chưa gây ra thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra, các bị can đã tích cực hợp tác với các cơ quan chức, thành khẩn khai báo đúng nơi cất giấu heo con để Cơ quan điều tra thu hồi, trả lại cho bị hại là Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam 32 con heo con. Đồng thời, các bị can cùng với gia đình cũng đã liên đới bồi thường 15.000.000 đồng phần thiệt hại chênh lệch, khắc phục hậu quả và thiệt hại do mình gây ra.

Hai là, các bị can đều có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (điểm b và điểm s).

Ba là, riêng đối với bị can Phạm Hiệp: Bị can Hiệp là người có quan hệ lệ thuộc, là cấp dưới, chịu sự quản lý, điều hành của Lê Văn Trung, bị can Hiệp không nhận thức được đầy đủ hành vi mình thực hiện là hành vi tham ô tài sản do trình độ văn hóa thấp và nhận thức hạn chế về pháp luật. Đặc biệt, khi thực hiện hành vi tham ô tài sản, Hiệp chỉ đơn thuần nghe theo chỉ đạo của Trung, không vì động cơ, mục đích vụ lợi cũng không được hưởng lợi gì từ việc tham ô tài sản.

Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét, khoan hồng độ lượng và áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị can.

  1. KIẾN NGHỊ

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: các bị can Lê Văn Trung, Phan Văn Quang, Phạm Hiệp do hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, cha mẹ già yếu, bệnh tật, do kém hiểu biết về pháp luật nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, với những tình tiết giảm nhẹ như đã nêu trên, kính mong HĐXX xem xét và cho các bị can được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt. Điều này sẽ giúp các bị can vẫn còn cơ hội được lao động, làm việc giúp đỡ gia đình, cải tạo sửa chữa sai lầm thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước và pháp luật. Vì vậy, chúng tôi đề nghị như sau:

1- Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 17; Điều 38; điếm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 58, Điều 59 BLHS năm 2015; Điều 92 Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của HĐTPTANDTC đối với các bị can; xem xét và áp dụng cho các bị can được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt.

Xem xét, áp dụng cho 02 bị can Lê Văn Trung và Phan Văn Quang được hưởng mức thấp nhất của khung hình phạt.

 Riêng đối với bị can Phạm Hiệp chỉ là người giúp sức, vai trò thứ yếu trong vụ án, lại thực hiện tội phạm không vì mục đích vụ lợi. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Điều 65 BLHS 2015; Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017; Nghị quyết số 02/2018 ngày 15/5/2018 của HĐTP TANDTC; Nghị quyết 01/2022 ngày 15/4/2022 của HĐTP TANDTC giảm nhẹ hình phạt và cho bị can được hưởng án treo.

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp, Lê Hồng Đức.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT THUẬN THIÊN

Giám đốc - Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Trụ sở chính:  Số 3 ngách 168/46/7/2 Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Hà Nội: Tầng 4, toà nhà Hoàng Vương, số 31 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Quảng Nam: Số 174 Văn Tiến Dũng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng luật sư TPHCM: Tòa nhà 68 Lộc Phát, số 68 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh..
Tổng đài : 1900.8686.64
Email: luatthuanthien@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatthuanthien.com
www.thuanthienlawfirm.com
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcBản luận cứ bào chữa “Đưa hối lộ” Nguyễn Văn Quyền xảy ra tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông
Bài tiếp theoTIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ TIẾP CÔNG DÂN SỐ 1 NGÔ THÌ NHẬM, HÀ ĐÔNG, HÀ NỘI