Home Hôn nhân Di chúc thừa kế Luật sư tranh tụng vụ án chia tài sản thừa kế theo pháp luật

Luật sư tranh tụng vụ án chia tài sản thừa kế theo pháp luật

Luật sư tranh tụng vụ án chia tài sản thừa kế theo pháp luật

(Lời dẫn) Bản luận cứ bảo vệ nguyên đơn Dương Thị Tân và các chị em trong vụ án chia tài sản thừa kế theo pháp luật tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Cùng với sự phát triển của xã hội, sự phát triển ngày càng đa dạng của các mối quan hệ xã hội, tranh chấp về thừa kế nói chung và thừa kế theo pháp luật ở Việt Nam nói riêng có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về nội dung.

Trước đây, do chất lượng cuộc sống còn hạn chế, vật chất còn đơn giản nên di sản mà người chết để lại chỉ đơn thuần là các vật phẩm tiêu dùng, hoặc là nhà cửa, đất đai thường là nơi ở nên các tranh chấp xảy ra giữa những người thừa kế còn ít. Tuy nhiên hiện nay chất lượng cuộc sống ngày càng cao, bên cạnh các tư liệu tiêu dùng di sản thừa kế còn chứa cả tư liệu sản xuất có giá trị lớn. Đặc biệt, kể từ khi pháp luật ghi nhận giá trị về quyền sử dụng đất được coi là quyền tài sản của cá nhân thì quyền sử dụng đất để lại di sản lại là một loại di sản có giá trị lớn.

Hiện nay xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn kiến thức về pháp luật thừa kế còn khá hạn chế, vì vậy khi các cụ, ông, bà chết đi thường không để lại di chúc. Đồng thời cũng còn rất nhiều gia đình giữ quan điểm cho rằng sẽ có một người thường là con trai hoặc con trưởng sẽ ở cùng cha mẹ sau khi trưởng thành rồi lập gia đình vẫn ở cùng với cha mẹ nên sẽ “đương nhiên” cần nhà và toàn bộ tài sản sẽ thuộc về người con đó. Họ thường cho rằng con gái đi lấy chồng là theo chồng nên không được hưởng di sản do bố mẹ đẻ hoặc nếu bố mẹ cho chia tài sản thì cũng sẽ cho con gái ít hơn phần mà con trai, con trưởng được hưởng. Vì sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như tư tưởng này đã dẫn đến nhiều tranh chấp di sản thừa kế theo pháp luật.

Điển hình để ví dụ cho tình trạng trên là vụ việc sau đây của các đồng nguyên đơn Dương Thị Tân, Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến trong vụ án “Chia tài sản TKTPL tại Xuân Đỉnh – Bắc Từ Liêm – Hà Nội”. Với những kiến thức pháp lý sâu sắc và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề Luật sư Nguyễn Trung Tiệp đã bảo vệ thành công, đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn trong vụ án trên.

BẢN LUẬN CỨ BẢO VỆ NGUYÊN ĐƠN

DƯƠNG THỊ TÂN VÀ CÁC CHỊ EM

(Trong vụ án Chia tài sản TKTPL tại Xuân Đỉnh – Bắc Từ Liêm – Hà Nội)

 

  1. Nội dung, quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm:

Ngày 16/11/2019, TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Chia thừa kế, hủy GCNQSDĐ, hủy việc đính chính chủ sử dụng đất” giữa nguyên đơn khởi kiện là các bà: Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến với bị đơn là ông Dương Văn Đoàn ở địa chỉ: Số 3, ngõ 401/65 phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Bản án sơ thẩm số 03/2019/DS – ST quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến: Hủy giấy CNQSDĐ số U 750302, vào sổ số: 0286/QSDĐ/2410/QĐ-UBND ngày 26/12/2002 do UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) cấp cho hộ gia đình ông Dương Văn Đoàn; Hủy việc đính chính tên chủ sử dụng đất của Văn phòng đăng ký đất và nhà huyện Từ Liêm (nay là văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh quận Bắc Từ Liêm) ngày 05/01/2011 cho chủ sử dụng là ông Dương Văn Đoàn, bà Nguyễn Thị Lan đối với diện tích đất 275m2, thửa số 115, tờ bản đồ số 31 tại tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm nêu trên của TAND TP Hà Nội, ngày 22/01/2019, bị đơn Dương Văn Đoàn cùng những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là: Nguyễn Thị Lan, Dương Công Mạnh, Vũ Lan Minh, Dương Thị Bạo, Dương Thị Hường, Dương Thị Phương đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 03/2019/DS – ST ngày 16/01/2019 của TAND TP. Hà Nội.

Ngày 29/01/2019, các nguyên đơn: Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến cũng làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết: Đề nghị tuyên bản di chúc vô hiệu, không hợp pháp và không có giá trị pháp lý.

Luật sư nhận thấy việc bị đơn ông Dương Văn Đoàn và những người liên quan kháng cáo toàn bộ nội dung bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là không có căn cứ. Đối với nội dụng kháng cáo của cáo nguyên đơn, chúng tôi cho rằng có cơ sở pháp lý. Bởi lẽ: (1) bản di chúc của cụ Đặng Thị Nhâm lập ngày 15/9/2010 thì trong khoảng thời gian này cụ Nhâm đã bị ốm đau, không còn minh mẫn và không biết chữ nên phải điểm chỉ vào bản di chúc. Nhưng bản di chúc lại không được công chứng hay chứng thực, xác nhận tại chính quyền địa phương. Do đó, trái với quy định tại Khoản 3 Điều 652 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định:

  1. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Bởi vậy, bản di chúc này xác định không tuân thủ về mặt hình thức theo quy định nêu trên nên không có giá trị pháp lý.

 (2). Mảnh đất thổ cư diện tích là 275m2, số thửa 115, thuộc tờ bản đồ số 31 có địa chỉ tại tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là tài sản chung của bố mẹ các nguyên đơn và ông Đoàn, nhưng nội dung bản di chúc xác lập lại giao lại toàn bộ tài sản cho ông Dương Văn Đoàn được hưởng thừa kế. Điều này là không đúng pháp luật, vi phạm về mặt nội dung.

Như vậy, bản di chúc này không hợp pháp trái với quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 652 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Song, HĐXX Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vẫn chấp nhận bản di chúc và chỉ chia phần tài sản của cụ Dương Văn An cho sáu người con, trong đó có ông Dương Văn Đoàn là không đúng pháp luật. Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn.

Từ những lý do nêu trên, luật sư đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp kháng cáo của bị đơn là ông Dương Văn Đoàn cùng những người liên quan trong gia đình ông Đoàn, chấp nhận nội dung kháng cáo của các nguyên đơn theo hướng sửa bán án sơ thẩm.

  1. Quan điểm pháp lý

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và các Quý vị có mặt trong phiên tòa dân sự phúc thẩm hôm nay!

Chúng tôi là Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Thuận Thiên – Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời luật sư của các bà: Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến và được sự chấp thuận của TAND cấp cao tại Hà Nội. Chúng tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn trên trong vụ án “Chia tài sản thừa kế theo pháp luật”.

Qua trao đổi làm việc với các đương sự, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay. Chúng tôi xin trình bày bản luận cứ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  1. Về nội dung kháng cáo của gia đình bị đơn ông Dương Văn Đoàn.

Do yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn đã được TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vào ngày 16/01/2019 chấp nhận và ra phán quyết là:

 

  • Chia tài sản thừa kế theo pháp luật;

 

  • Hủy giấy hủy giấy CNQSDĐ của ông Dương Văn Đoàn được UBND huyện Từ Liêm cấp ngày 26/12/2002;

 

  • Tuyên hủy nội dung đính chính tên chủ sử dụng đất mang tên ông Dương Văn Đoàn, bà Nguyễn Thị Lan ngày 05/11/2011 ghi trên giấy CNQSDĐ đối với diện tích đất 275m2, thửa số 115, tờ bản đồ số 31 tại tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Vì vậy, với những cơ sở pháp lý, thực tế khách quan của vụ án mà chúng tôi đưa ra nhận định, phân tích đã được TAND TP. Hà Nội chấp nhận. Do đó, chúng tôi kính đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm bác nội dung đơn kháng cáo của gia đình ông Dương Văn Đoàn.

  1. Về nội dung kháng cáo của các nguyên đơn.

Liên quan đến bản di chúc của cụ Đặng Thị Nhân đã được ông Dương Văn Đoàn xuất trình cho TAND TP. Hà Nội trong quá trình giải quyết vụ án. Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình và bác bỏ di chúc đó là không hợp pháp, không có giá trị pháp lý. Bởi lẽ:

Thứ nhất: cụ Đặng Thị Nhâm, sinh năm 1929. Đến năm 2005, sức khỏe của cụ đã giảm sút nghiêm trọng, không còn được minh mẫn. Cụ thể, theo lời khai của các nguyên đơn tại Tòa vào thời điểm năm 2005,  cụ Nhâm đã mất trí nhớ với những dấu hiệu như: có lúc ăn rồi lại bảo chưa ăn, đi vệ sinh bôi lên tường (vệ sinh vào cả chảo) nhưng cụ bảo đấy là bô. Nhiều lúc cụ Nhâm đi khỏi nhà không biết đường về, có khi còn vào cả chuồng vịt ngồi ở đấy. Từ năm 2005 đến 2010, cụ Nhâm thiểu não trí tuệ không còn minh mẫn nữa. Hơn nữa, cụ Nhâm là người không có văn hóa, không biết chữ, lại không còn biết gì thì không thể nào lập di chúc hay để lại di nguyện cho người khác viết lại lập thành văn bản được.

Đặc biệt, thời gian từ ngày 19 – 22/10/2010, cụ Đặng Thị Nhâm bị ngã gẫy xương chậu vào nằm viện Nam Thăng Long bó bột. Sau khi bị hoại tử thì cụ Nhâm không thể đọc được, nghe được nữa nên không thể điểm chỉ hay ký vào nội dung bản di chúc.

Mặt khác, khi giỗ cụ Dương Văn An, gia đình ông Dương Văn Đoàn đã mời hai ông Trần Văn Bằng, Dương Văn Tư đến ăn cơm, uống rượu. Sau đó, đưa bản di chúc do anh Dương Văn Mạnh viết tay nhờ ông Bằng, ông Tư (là 02 người thân trong họ hàng) ký nhận làm chứng trong bản di chúc. Trong quá trình, giải quyết vụ án, TAND TP. Hà Nội đã tiến hành xác minh lấy lời khai, ý kiến của hai người làm chứng là ông Trần Văn Bằng, Dương Văn Tư. Hai người này đã khai nhận có làm chứng trong đơn, nhưng sau đó, khi gia đình ông Đoàn có văn bản kiến nghị gửi Tòa, thì ông Bằng, ông Tư lại thay đổi lời khai.

 Như vậy, lời khai của hai người làm chứng này là bất nhất, mâu thuẫn với nhau cần phải bác bỏ lời khai của họ với tư cách làm chứng. Bởi thế, chúng tôi không đồng tình với bản di chúc của cụ Đặng Thị Nhâm lập ngày 15/9/2010 do bên phía bị đơn Dương Văn Đoàn cung cấp.

Thứ hai: Trong khoảng thời gian này cụ Nhâm đã bị ốm đau, không còn minh mẫn và không biết chữ nên phải điểm chỉ vào bản di chúc. Nhưng bản di chúc lại không được công chứng hay chứng thực, xác nhận tại chính quyền địa phương. Tại Khoản 3 Điều 652 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định:

  1. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Do đó, bản di chúc này xác định không tuân thủ về mặt hình thức theo quy định nêu trên nên không có giá trị pháp lý.

Thứ ba: Viện khoa học hình sự Bộ Công an có kết luận số 377/C09(P3) ngày 26/12/2018, kết luận tương tự như Phòng giám định định kỹ thuật hình sự – Bộ Quốc phòng đối với dấu vân tay của bà Đặng Thị Nhâm không giám định được trong bản di chúc.  Do vậy, không có căn cứ khẳng định dấu vân tay trong bản di chúc có phải do cụ Nhâm điểm chỉ hay không?.

Thứ tư: Mảnh đất thổ cư diện tích là 275m2, số thửa 115, thuộc tờ bản đồ số 31 có địa chỉ tại tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là tài sản chung của vợ chồng 02 cụ Dương Văn An và Đặng Thị Nhâm, nhưng nội dung bản di chúc cụ Nhâm xác lập lại giao lại toàn bộ tài sản cho ông Dương Văn Đoàn được hưởng thừa kế. Điều này là không đúng pháp luật, vi phạm về mặt nội dung.

Như vậy, bản di chúc này không hợp pháp trái với quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 652 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Song, HĐXX Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vẫn chấp nhận bản di chúc và chỉ chia phần tài sản của cụ Dương Văn An cho sáu người con, trong đó có ông Dương Văn Đoàn là không đúng pháp luật. Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ chúng tôi.

Thứ năm: Tài sản chung hợp pháp của vợ chồng cụ An, cụ Nhâm đối với thửa đất thổ cư diện tích 275 m2, nhưng theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 22/6/2018 của TAND TP. Hà Nội và sơ đồ thửa đất phục vụ thẩm định tại chỗ của CTCP phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ Hà Nội thì diện tích thực là 265, 4 m2. Đây là kết quả đo đạc thực tế phản ánh hiện trạng và diện tích thửa đất thổ cư là tài sản chia thừa kế. Bởi vậy, tài sản chung vợ chồng cụ An và cụ Nhâm được tính như sau:

  • 265, 4 m2 : 02 (vợ chồng) = 132,7 m2/1 người.

Cụ Dương Văn An mất năm 1971, tài sản của cụ An sẽ chia làm 06 kỷ phần cho vợ là bà Đặng Thị Nhâm và 06 người con là: Dương Thị Thìn, Dương Thị Mùi, Dương Văn Đoàn, Dương Thị Tân, Dương Thị Vân, Dương Thị Chiến.

132,5 m2 : 07 kỷ phần = 18,9 m2/1 kỷ phần

Năm chị em nguyên đơn được thừa hưởng như sau:

18,9 m2/1 kỷ phần x 05 người = 94,5 m2 (1)

Cụ Đặng thị Nhâm mất năm 2011, tài sản chia đều cho 06 người con, trong đó, ông Đoàn được hưởng thêm 01 kỷ phần do có công sức tôn tạo, tu bổ và đóng thuế đất hàng năm. Diện tích của 05 nguyên đơn cũng là 94,5 m2 (2)

Như vậy tổng diện tích 05 nguyên đơn được hưởng là: (1) + (2) = 94,5 m2 +94,5 m2 = 189 m2.

  • ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: việc các nguyên đơn kháng cáo là có căn cứ pháp lý, đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Chúng tôi đề nghị cụ thể như sau:

1- Đề nghị  HĐXX áp dụng Điều 308, Điều 309 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của ông Dương Văn Đoàn và những người liên quan trong gia đình ông Đoàn; 

 

2- Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, tuyên bản di chúc ngày 15/9/2010 của cụ Đặng Thị Nhâm là vô hiệu không có giá trị pháp lý. Trên cơ sở đó, chia lại tài sản thừa kế là mảnh đất thổ cư diện tích là 275m2, số thửa 115, thuộc tờ bản đồ số 31 có địa chỉ tại tổ dân phố Cáo Đỉnh 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho các đồng thừa kế;

3- Đề nghị HĐXX quyết định phần cổng nằm trên nhà đất 04 tầng, diện tích 80 m2 mà bản án sơ thẩm đã chia cho các đồng nguyên đơn là lối đi riêng của họ. gia đình ông Đoàn đã mua lối đi riêng ở ngõ liền kề nên không được sử dụng chung với cổng của các nguyên đơn nữa.

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!

Luật sư:  Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Chia sẻ