Home Hình sự Luật sư tranh tụng vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”

Luật sư tranh tụng vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”

Luật sư tranh tụng vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”

Hiện nay, đang có rất nhiều trường hợp lạm quyền trong khi thi hành công vụ với mục đích vụ lợi. Hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có quyền hạn, có chức vụ vì lợi ích của mình hoặc động cơ cá nhân khác vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây hậu quả làm thiệt hại cho lợi ích của xã hội, của nhà nước và những lợi ích hợp pháp khác của công dân. Ngoài những hậu quả nghiêm trọng đó, không vì thế mà khẳng định rằng khách thể của tội phạm này là những thiệt hại thực tế xảy ra cho nhà nước, cho xã hội và cho quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, mà đôi khi những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.

Ví dụ như trong vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Văn Lâm- Hưng Yên, bị cáo là Ông Dương Xuân Mạn bị xét xử về tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 Điều 357 BLHS 2015. Trong vụ án này bị cáo phạm tội do nhận thức thiếu hiểu biết pháp luật cùng sự đồng thuận của đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân trong thôn vì mục đích chung của tập thể, nhân dân là làm giàu đẹp quê hương và không có động cơ vụ lợi cá nhân. Luật sư Nguyễn Trung Tiệp- Công ty Luật TNHH Thuận Thiên với kiến thức pháp luật uyên sâu và kinh nghiệm lâu năm trong nghề bào chữa cho bị cáo Mạn được hưởng “án treo” và được trả tự do tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Hưng Yên xét xử ngày 10/5/2019.

BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA

BỊ CÁO DƯƠNG XUÂN MẠN

(TRONG VỤ ÁN “LẠM QUYỀN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ”

TẠI VĂN LÂM – HƯNG YÊN)

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử!

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm nay!

Tôi là Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Thuận Thiên – Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời luật sư của bị cáo và được sự chấp thuận của TAND tỉnh Hưng Yên. Tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho ông Dương Xuân Mạn bị truy tố, xét xử về tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo điểm b khoản 2 Điều 357 BLHS 2015.

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay. Tôi trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  1. Về nội dung vụ án

Thứ nhất: Về điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng trong thôn Mụ.

Giai đoạn trước năm 2012, khi chưa có việc giao thuê, bán đất cho các tổ chức, cá nhân để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi của thôn Mụ nói riêng và xã Lạc Đạo nói chung thì hạ tầng cơ sở rất kém, đường xá xuống cấp, hệ thống mương rãnh thoát nước thường hay bị ngập tắc. Xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện khó khăn đó mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong thôn Mụ đã sử dụng quỹ đất trong thôn có nguồn gốc là đất xen kẹt, thùng vũng, bãi tha ma cũ thuộc khu Đồng Dẫn đã bị dân lấn chiếm và thôn cho thuê đóng gạch để giao bán cho các cá nhân lấy kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở trong thôn. Điều này được thể hiện rõ qua các Hợp đồng thi công xây dựng số: 09062014 ngày 09/06/2014 và HĐ sô10/2015/HĐ –XD ngày 30/10/2015, HĐ ngày 2/4/2015 mà thôn Mụ đã ký kết với Công ty xây dựng Tâm An để xây dựng tuyến đường bê tông ngõ xóm, hệ thống thoát nước của thôn (trích Bl 07454 – 08085 – 08090).

Thứ hai: Có sự họp bàn giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và các đoàn thể trong thôn.

Một là: Để đạt được sự thống nhất cao về chủ trương xây dựng nông thôn mới, phát huy tính tập thể. Chi bộ Đảng, ban lãnh đạo thôn Mụ thường tổ chức họp bàn với dân và các đoàn thể trong thôn để thông qua các Nghị quyết và triển khai thực hiện. Điều đó được thể hiện rõ trong quyển sổ nghị quyết, thông qua các biên bản sinh hoạt chi bộ Đảng/chi ủy của thôn tại các Bl 07961 – 08052, các biên bản họp dân Bl 07435 – 07400.

Tại Bl 7379, ông Nguyễn Đức Năng khai: với mong muốn có kinh phí cải tạo đường làng, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, được nhân dân ửng hộ và tạo điều kiện cho các gia đình đang sử dụng đất được tiếp tục kinh doanh, sản xuất ổn định, bản thân tôi đánh giá nhận định việc làm dù có sai nhưng mang lại lợi ích cho tập thể người dân nên đã đồng tình thực hiện”.

Bl 7481 ông Dương Văn Mạn khai: “Trong thời gian làm Bí thư chi bộ, tôi đã cùng ban chi ủy, ban chi bộ họp bàn và giao cho ông Trịnh Văn Hè (trưởng thôn) họp dân xin ý kiến cho thuê đất. Kết quả đã cho 02 hộ dân thuê thầu dài hạn 173,29m2 đất thu số tiền 693.000.000 đồng”.

 

Như vậy, lời khai của ông Năng và ông Mạn là phù hợp với nhau, phản ánh sự đồng thuận, nhất trí của Đảng, nhân dân thôn Mụ, phát huy quyền dân chủ, tự lực trong nhân dân về công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mặc dù do nhận thức về pháp luật còn chưa đầy đủ, đúng đắn và vượt quá phạm vi thẩm quyền cho phép nhưng thân chủ của chúng tôi đều thực hiện theo sự chỉ đạo, định hướng của tập thể, chi bộ, không có ý định tư lợi cá nhân.

Hai là: Từ năm 2012 thời kỳ ông Nguyễn Đức Năng làm bí thư chi bộ thôn Mụ thì HĐND xã Lạc Đạo đã có Nghị quyết về việc xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, khi ông Mạn làm bí thư chi bộ thôn Mụ giai đoạn năm 2015 -2017 khi chi bộ Đảng thôn Mụ họp có mời ông Sái Khoa Anh phó bí thư Đảng ủy xã Lạc Đạo và đồng chí Dương Văn Thứ là Đảng ủy viên phụ trách chi bộ thôn Mụ có báo cáohai người này về việc cho thuê bán đất đối với các cá nhân để lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong thôn. Theo đó, UBND xã Lạc Đạo biết và báo cáo lên UBND huyện Văn Lâm. Lời khai của ông Năng tại Bl 7391 như sau:

Tôi có báo cáo, phản ánh bằng miệng với đảng ủy, UBND xã Lạc Đạo, đồng thời các cấp chính quyền còn thông qua UBND xã để hỗ trợ thôn Mụ về tiền vật liệu”.

Lời khai trên cho thấy để xảy ra sai phạm về việc bán đất trái thẩm quyền dẫn đến hậu quả là các cán bộ thôn, xã bị xử lý hình sự về tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” còn có trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Văn Lâm do buông lỏng quản lý, thiếu sự giám sát chặt chẽ về mặt hành chính đối với cấp dưới.

Thứ ba: Người dân đang được hưởng lợi về các công trình phúc lợi.

Thực tế trong vụ án này không có hậu quả về vật chất xảy ra. Số tiền bán đất không bị ai chiếm đoạt mà được sử dụng vào mục đích kiến thiết, xây dựng hạ tầng trong thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Do đó, người dân đang được thụ hưởng từ những công trình phúc lợi này. Như vậy, chỉ có khách thể của vụ án này là làm mất đi quyền quản lý hợp pháp diện tích 1,716,4 m2 đất công và 173, 29 m2 đất tại khu vực Đồng Dẫn do UBND xã Lạc Đạo quản lý.

Thứ tư: Không có động cơ mục đích vụ lợi.

Tại trang 28 Bản kết luận điều tra số 02/KLĐT-PC03 ngày 02/12/2018 của CQCSĐT Công an tỉnh Hưng Yên có kết luận:

“Trong quá trình xác minh thu chi, sử dụng tiền bán đất, giao đất của thôn Mụ, CQĐT không phát hiện có việc tư lợi cá nhân, chiếm đoạt tiền của cán bộ thôn và những người liên quan”. Điều này cho thấy, các bị can tại thôn Mụ không hề có động cơ vụ lợi hay mục đích cá nhân nào khác mà tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể, nhân dân. Đó là số tiền giao bán đất đều được sử dụng vào mục đích kiến thiết, xây dựng hạ tầng cơ sở trong thôn, làm thay đổi đời sống nhân dân.

Về tội danh

Thứ nhất: Về hành vi

Một là: Giai đoạn thứ nhất từ năm 2012 đến năm 2014.

Giai đoạn này ông Nguyễn Đức Năng làm bí thư bộ thôn Mụ còn ông Nguyễn Văn Khiêm là trưởng thôn. Cụ thể. Ông Năng là người chủ trì các cuộc họp ngày 20/04/2014 và 2/05/2014 cùng các đảng viên bàn bạc thống nhất cho thuê thầu đất dài hạn theo mức giá đã được người dân thông qua, nhất trí. Đồng thời, giao cho trưởng thôn là Nguyễn Văn Khiêm chủ trì thực hiện cho thuê thầu đất trái thẩm quyền 1,716,4 m2 đất tại khu vực Đồng Dẫn. ông Khiêm là người dự thảo các hợp đồng giao đất; thống nhất với các cán bộ thôn để ký, ban hành và giao cho người dân thuê đất làm căn cứ. Quá trình thực hiện, ông Khiêm trực tiếp ký trên 08 hợp đồng thuê đất và 08 giấy tờ nhận tiền.

Giai đoạn này ông Dương Văn Mạn là phó bí thư chi bộ thôn chỉ tham gia một số cuộc họp với tư cách là Đảng viên được mời dự họp, không tham gia và không có tên trong ban kiến thiết ký hợp đồng cho thuê/bán đất đối với 08 cá nhân có tên được thuê đất không kỳ hạn.

Hai là: Giai đoạn thứ hai từ năm 2015 đến năm 2017.

Giai đoạn này ông Trịnh Văn Hè là người chủ trì thực hiện hành vi giao đất trái thẩm quyền. ông Hè đã tổ chức cuộc họp dân vào ngày 24/6/2015; trực tiếp đo đạc, khảo sát diện tích đất khu Đồng Dẫn để tính toán giá tiền đất tương ứng. Sau đó, làm việc, ấn định thời gian để người dân nộp tiền rồi ký giấy tờ, tài liệu thể hiện việc giao đất, thu tiền của người dân. Ông Trịnh Văn Hè đã trực tiếp ký xác nhận 02 HĐ thuê đất không thời hạn và 01 phiếu thu tiền đối với 02 người là Dương Văn Thuật, Trịnh Xuân Hạnh thuê 173,29 m2 với số tiền 693.000.000 đồng.

Thời kỳ này, Ông Dương Xuân Mạn làm bí thư chi bộ thôn Mụ (từ ngày 18/03/2015 đến ngày 29/5/2017) chỉ có chủ trì cuộc họp chi bộ, cùng các Đảng viên thống nhất giao cho cho ông Hòe là trưởng thôn tổ chức họp dân thống nhất cụ thể về mức giá thuê thầu đất trước khi thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo chi, sử dụng số tiền thu được để đầu tư, xây dựng tuyến đường ao Quán Đá.

Như vậy, căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng bản Cáo trạng số 03/CT-VKS-P3 ngày 28/12/2018 của VKSND tỉnh Hưng Yên tại phần kết luận trang 27 có nêu:

“Bị can Mạn, Hè phải chịu trách nhiệm đối với diện tích đất đã bán trái thẩm quyền là 173,29 m2”. Luật sư nhận thấy tính chất, mức độ do hành vi phạm tội trong việc bán 02 lô đất này thuộc về ông Trịnh Văn Hè vì ông Hè là người chủ động, tích cực thực hiện. ông Dương Xuân Mạn bên Đảng chỉ giữ vai trò giúp sức về tinh thần.

Thứ hai: Về ý thức chủ quan

Do mong muốn có kinh phí xây dựng, nâng cấp đường bê tông trong thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của toàn thể người dân. Bởi thế, ông Mạn cùng các cán bộ, Đảng viên, nhân dân trong thôn họp bàn, thống nhất chủ trương và giao lãnh đạo thôn thực hiện việc giao đất trái thẩm quyền. Điều này là vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn dẫn đến sai phạm. Luật sư cho rằng yếu tố lỗi về mặt chủ quan tội phạm này cần được đánh giá là vì thiếu hiểu biết về mặt pháp luật và nhận thức hạn chế.

  1. Về tính chất đồng phạm

Đây là vụ án có tính chất đồng phạm. Vụ án xảy ra tại thôn Mụ có 04 bị can gồm các ông: Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Đức Năng, Dương Xuân Mạn, Trịnh Văn Hè, theo chúng tôi cần phải phân hóa, cá thể hóa trách nhiệm hình sự để làm rõ tính chất, vai trò, vị trí của từng người. Tại mục 4 Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 của TANDTC hướng dẫn về tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 có nêu:

Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào, phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng là phạm tội thuộc trong một các tình tiết sau đây: “Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm”.

Đối chiếu với hướng dẫn nêu trên với quy định tại các Điều 17 về Đồng phạm; Điều 58 quyết định hình phạt trong đồng phạm và trong văn bản số 01/2017 của TANDTC với trường hợp của các bị cáo như đã phân tích ở phần 2 tội danh,  chúng tôi cho rằng hành vi của ông Dương Xuân Mạn trong vụ án chỉ là người giúp sức về mặt tinh thần, có vai trò không đáng kể, giữ vị trí thứ yếu trong vụ án.

  1. Về các tình tiết giảm nhẹ

Một là: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, các bị can đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận về hành vi sai phạm của mình. Tại trang 48 bản Kết luận điều tra của Công an tỉnh Hưng Yên nêu: “các bị can đều thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhân thân tốt, vi phạm lần đầu”. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX cho thân chủ của chúng tôi và các bị cáo khác được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Hai là: Ông Dương Xuân Mạn là người có thời gian dài công tác, chiến đấu trong quân đội. Ngày 31/5/1997 và 29/12/2007 ông Mạn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhì, hạng nhất. Ngày 22/04/2009, được Chủ tịch nước tặng Huân chương quân kỳ quyết thắng. Ngày 2/09/2013 được Ban chấp hành Trung ương tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Luật sư đề nghị HĐXX cho thân chủ của chúng tôi được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS: “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác”.

Ba là: Ông Dương Xuân Mạn có bố là ông Dương Văn Nhạn đã được Hội đồng Chính Phủ tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất vào năm 1962. Mẹ ông Mạn là bà Nguyễn Thị Nhi được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét cho ông Mạn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS: “Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ,”.

Bốn là: Về nhân thân, hoàn cảnh của người phạm tội

Bị cáo là người chưa có tiền án tiền sự, nhân thân tốt, phạm tội thuộc trường hợp lần đầu, lại là lao động chính và trụ cột trong gia đình. Gia đình bị cáo làm nông nghiệp, thu nhập thấp, kinh tế khó khăn. Bản thân ông Mạn về sức khỏe không ổn định, bị bệnh huyết áp cao. Do đó, chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét cho ông Mạn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.

Kính Thưa HĐXX!

Pháp luật hình sự bên cạnh mục đích răn đe người phạm tội còn có mục đích giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội. Tại phiên tòa ngày hôm nay bị cáo Dương Xuân Mạn thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình.

Vì vậy, Luật sư nhận thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo Dương Xuân Mạn ra khỏi đời sống xã hội. Đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo để họ nhận được sự khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Pháp luật. Tạo điều kiện giúp các bị cáo làm việc/lao động giúp đỡ gia đình, cũng như chuộc lại lỗi lầm mà mình gây ra. 

 

  1. ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ:

Từ những nhận định phân tích trên kết luận: Trong vụ án này các bị cáo phạm tội do nhận thức và thiếu hiểu biết pháp luật. Hơn nữa, lại được sự đồng thuận của đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân trong thôn. Tất cả đều vì mục đích chung của tập thể, nhân dân là xây dựng cơ sở hạ tầng, làm giàu đẹp quê hương và không có động cơ vụ lợi cá nhân. Bởi thế, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Yêu cầu của chúng tôi cụ thể như sau:

– Đề nghị HĐXX áp dụng:  điểm d khoản 1 Điều 3; Điều 17; điểm s, v, x khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; khoản 2, khoản 3 Điều 54; Điều 58; Điều 65 BLHS 2015; Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC; mục 4 Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 của TANDTC áp dụng cho thân chủ của chúng tôi là ông Dương Xuân Mạn được chuyển khung hình phạt từ khoản 2 về khoản 1 Điều 357 BLHS năm 2015, để được hưởng khung thấp nhất của hình phạt và được án treo.

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe !

Luật sư bào chữa: Nguyễn Trung Tiệp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Chia sẻ