Lời dẫn vụ án “Buôn lậu” Nhật Cường
Hiện nay, tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến vô cùng phức tạp. Tội phạm “Buôn lậu” ngày càng tinh vi, phát triển với quy mô ngày càng phức tạp khi có sự liên kết, giúp sức của nhiều đối tượng. Các doanh nghiệp buôn lậu, gian lận bằng hình thức không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi tiền để thuê các đối tượng vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp và tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam. Điển hình cho một vụ án buôn lậu, gây hậu quả nghiêm trọng phải nói đến Đại án “Nhật Cường” đã làm rúng động truyền thông và dư luận.
Nhật Cường là một trong 63 đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm cho Hà Nội. Từ năm 2016 đến khi vụ án tại Nhật Cường bị khởi tố (tháng 5/2019), Nhật Cường đã nhận trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn thực hiện 7 gói thầu mua sắm thiết bị công nghệ thông tin, tổng số kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, bị cáo Bùi Quốc Việt anh trai của bị cáo Bùi Quang Huy bị truy tố về “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 188 BLHS năm 2015. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và kiến thức pháp lý uyên sau Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Luật sư bào chữa cho bị cáo Việt trong vụ án đã bào chữa cho bị cáo thành công khi giúp cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất trong khung hình phạt.
Tham khảo Bản luận cứ bào chữa cho bị cáo Bùi Quốc Việt dưới đây:
BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA BỊ CÁO BÙI QUỐC VIỆT
(TRONG VỤ ÁN “BUÔN LẬU” TẠI CÔNG TY NHẬT CƯỜNG)
Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !
Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm nay!
Tôi là Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Thuận Thiên – Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời luật sư của bị cáo và được sự chấp thuận của TAND TP. Hà Nội. Tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho anh Bùi Quốc Việt bị truy tố, xét xử về “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 188 BLHS năm 2015.
Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay. Tôi trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:
- Về nội dung vụ án.
- về tội danh
1.1-về hành vi
Thứ nhất: căn cứ vào lời khai của bị cáo Việt tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy: Việt làm tại Công ty Nhật Cường từ năm 2009 với công việc là trông xe, thu ngân và có lúc đi nhận hàng thay cho Nông Văn Lư là lái xe. Điều đó được chứng minh qua việc Việt có hợp đồng lao động và hưởng bảo hiểm xã hội do Nhật Cường đóng cho bị cáo.
Thứ hai: Thông qua lời khai của các bị cáo Trần Ngọc Ánh tại các Bl 92882-92883 ngày 18/04/2020 như sau:
“Xuất phát từ việc có báo cáo tôi trong quá trình anh Lư đi nhận hàng sẽ có lúc anh Lư bận việc riêng mà không thể đi nhận được nên đề nghị tôi có phương án giải quyết. Tôi đã báo cáo việc này với anh Huy và anh Huy đã gọi điện chỉ đạo anh Việt thực hiện việc đi nhận thay cho anh Lư”.
Lời khai của Nông Văn Lư tại các Bl 92886-92887 ngày 18/04/2020:
“Anh Việt có nhiệm vụ chính hàng ngày là đi nhận tiền tại các cửa hàng. Ngoài ra anh Việt còn thay tôi đi nhận hàng. Theo tôi được biết thì nhiệm vụ anh Việt làm do anh Trần Ngọc Ánh phân công, chỉ đạo. Kể cả việc anh Việt thay tôi đi nhận hàng và chở hàng về kho cũng phải thông qua anh Ánh phân công thì anh Việt mới thực hiện. Sau khi được phân công thì mọi thông tin phục vụ nhận hàng, chở hàng nêu trên do tôi và anh Việt trực tiếp liên lạc với nhau”.
Như vậy, lời khai của Việt và lời khai của Lư là phù hợp với nhau và qua lời khai của Lư, Trần Ngọc Ánh cho thấy Việt là nhân viên của Nhật Cường, mọi công việc làm từ thu ngân hay chở hàng thay cho Lư đều do ban lãnh đạo của Công ty Nhật Cường chỉ đạo.
Thứ ba: Trong Cáo trạng số 07/CT-VKSTC-V3 ngày 23/01/2020 và phần luận tội của VKSNDTC đều cho rằng:
“Căn cứ vào lời khai của Trần Ngọc Ánh, Nông Văn Lư, dữ liệu trích xuất trên Message, ứng dụng Wechat điện thoại di động Iphone 6 của Nông Văn Lư, tài liệu xác minh tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Vinaphone, bảng thống kê hàng hóa do Nguyễn Bảo Ngọc lập để theo dõi các lần đi nhận hàng của Bùi Quốc Việt, lời khai của Nguyễn Bảo Ngọc và Trần Thị HIền, thủ quỹ Công ty Nhật Cường xác định ngày 04/08/2017 có đưa phong bì đựng 23.350.000 đồng cho Việt để trả tiền công vận chuyển. Mặc khác về ý thức chủ quan của Bùi Quốc Việt phải nhận thức được hàng hóa đi nhận là điện thoại hoặc máy tính bảng do bản thân Việt biết rõ bùi Quang Huy chuyên kinh doanh mặt hàng điện thoại, đồng thời hàng ngày là người trực tiếp đi thu tiền tại các cửa hàng của Công ty Nhật Cường. sau khi nhận hàng đều được đưa về kho của Công ty. Do vậy, có đủ cơ sở xác định Bùi Quốc Việt là trực tiếp đi nhận hàng 08 chuyến hàng nên phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm là người giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu 1.524 chiếc điện thoại, Ipad các loại, tổng trị giá 7.466.877.947 đồng”.
Chúng tôi nhận thấy Kết luận trên của VKS là không đúng với sự thật khách quan và mang tính áp đặt, bởi lẽ:
Một là: Lời khai của Việt trong quá trình điều tra và xét xử cho thấy: Việt là nhân viên của Nhật Cường nhưng không hề biết gì về việc Bùi Quang Huy kinh doanh hàng hóa như thế nào, xuất xứ nguồn gốc hàng hóa ở đâu, có phải là hàng nhập lậu không. Hơn nữa, từ năm 2014 – 2016, bị cáo Việt và vợ đang có trục trặc về hôn nhân nên không có tâm trí tập trung cho công việc tại Nhật Cường và không tham gia chở hàng.
Hai là: Thực tế bị cáo Việt không biết gì về phần mềm ERP của Nhật Cường, cũng không được cấp quyền truy cập ERP nên không thể biết về tình hình kinh doan, nhập khẩu hàng hóa có phải là hàng lậu, hàng có trốn thuế không. Bởi tất cả các giao dịch mua hàng của 16 nhà cung cấp, đường dây vận chuyển, việc thanh toán ghi chép lại số lượng, giá trị số tiền thanh toán các đơn nhập khẩu trên phần mềm ERP, việc quản lý tiền của Nhật Cường đều do ban lãnh đạo của Công ty Nhật Cường đứng đầu là Tổng giám đốc Bùi Quang Huy chỉ đạo, các phó Tổng giám đốc, giám đốc tài chính, trưởng ngành..thực hiện như: Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc, Đỗ Quốc Huy, Mai Tiến Dũng..
Ba là: các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào các tài liệu trích xuất từ message, Wechat và các cuộc gọi, tin nhắn trích xuất từ các nhà mạng Mobiphone, vinaphone..Chúng tôi đánh giá cho rằng đây chỉ là các chứng cứ gián tiếp chứng minh Việt có liên hệ với bị cáo Lư và những người giao hàng khác. Thực tế Việt không bị bắt phạm tội quả tang, không bị lập biên bản vi phạm. Như vậy, chưa đủ căn cứ chứng minh các hàng hóa do Việt vận chuyển có trốn thuế là hàng nhập lậu hay không. Tại phiên tòa bị cáo Việt khi trả lời câu hỏi thẩm vấn của HĐXX và Luật sư cũng đã khẳng định nội dung tin nhắn giữa Việt với Lư chỉ là do Lư nhắn tin: “53 cái điện thoại anh mang về”, còn Việt không trả lời lại. vì thế, đây chỉ là tin nhắn từ một phía không có giá trị xác thực, giá trị chứng minh.
1.2- về ý thức chủ quan
Bị cáo Việt chỉ làm người làm công ăn lương, làm việc theo sự phân công, chỉ đạo và không được hưởng lợi gì từ việc nhận chở hàng thay cho Lư. Không có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất gì với các thành viên của Nhật Cường. Đồng thời, quá trình giao nhận hàng không biết hàng bên trong các thùng cát tông bọc kín băng dính vàng là gì, số lượng bao nhiêu, trị giá như nào, khi giao nhận hàng không có hóa đơn chứng từ. Lúc đưa hàng về các kho của Nhật Cường cũng không mở ra kiểm tra lại. Liên hệ với Lư và người giao hàng không được biết thông tin gì về hàng hóa. Đây cũng là những nội dung mà bị cáo Lư và người làm chứng là anh Nguyễn Xuân Lợi đã khai nhận tại tòa: “không biết hàng hóa khi giao là gì”. Do vậy, về mặt ý thức chủ quan của bị cáo Việt là hoàn toàn vô ý. Cho nên, đối chiếu với quy định của tội “Buôn lậu” về ý thức chủ quan, người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, Luật sư nhận thấy chưa thỏa mãn về yếu tố cấu thành tội phạm.
1.3- về quy định của pháp luật
– Luật Hải quan năm 2014 quy định như sau:
“Điều 10. Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan
- Đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải:
- a) Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan;
- b) Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
- c) Gian lận thương mại, gian lận thu”
– Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định:
“6. Hàng hóa nhập lậu” gồm:
- c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn”
Căn cứ các quy định nêu trên đối với trường hợp của Bùi Quốc Việt, luật sư nhận thấy: Bị cáo Việt không thực hiện các hành vi như nêu trên, chỉ là người nhận hàng cho Công ty Nhật Cường. Bởi thế, chỉ đáng bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm.
- về tính chất đồng phạm
Trong vụ án này có 15 bị cáo, theo chúng tôi cần phải phân hóa, cá thể hóa trách nhiệm hình sự để làm rõ tính chất, vai trò, vị trí của từng người. Đặt giả thiết như Cáo trạng số 07/CT-VKSTC-V3 ngày 23/01/2021 của VKSNDTC nêu tại trang 36-37 như sau:
“Đây là vụ đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị can trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường và chỉ đạo các bị can Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc, Đỗ Quốc Huy, Nông Văn Lư, Mai Tiến Dũng, Hoàng Văn Phong, Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương, Bùi Quốc Việt là người thực hành, người giúp sức thực hiện tội phạm.
Bị can Bùi Quốc Việt thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Bùi Quang Huy với trị giá hàng hóa 7.466.877.947 đồng”.
Tại khoản 4 Điều 17 BLHS 2015 quy định:
“Điều 17. Đồng phạm
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.
Đối chiếu với quy định nêu trên với trường hợp của bị cáo Bùi Quốc Việt, chúng tôi nhận thấy: tất cả các công việc Việt đi nhận hàng cho Nông Văn Lư đều do sự chỉ đạo từ ban lãnh đạo công ty Nhật Cường. Vì vậy, nếu Cáo trạng của VKSNDTC nhận định, đánh giá cho rằng: “các bị can Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc, Đỗ Quốc Huy thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm, là người thực hành, trực tiếp cùng Bùi Quang Huy buôn lậu với trị giá hàng hóa 2.927.380.057.841 đồng”. Theo đó, căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS thì bị cáo Việt không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của những người chủ mưu, cầm đầu, thực hành nêu trên. Cho nên, vị trí, vai trò của Việt trong nhóm tội danh “Buôn lậu” này rất mờ nhạt, chỉ là đồng phạm giúp sức, có vị trị thứ yếu, không đáng kể trong vụ án.
- về các tình tiết giảm nhẹ
Thứ nhất: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án và tại phiên Tòa sơ thẩm hôm nay, bị cáo Bùi Quốc Việt luôn thành khẩn khai báo, nhận ra sai phạm của mình và hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra vụ án, góp phần giải quyết vụ án được nhanh chóng. Luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s, t khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự.
Thứ hai: Tại mục 4 công văn số 01/2017/GĐ- TANDTC ngày 07/04/2017 của TANDTC nêu:
“4. Tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như thế nào?
– Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm”.
Như vậy, căn cứ hướng dẫn nêu trên của TANDTC, bị cáo Việt bị truy tố theo điểm a khoản 4 Điều 188 BLHS 2015 thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên là đồng phạm có vị trí, vai trò thứ yếu không đáng kể trong vụ án.
Thứ ba: Về nhân thân và hoàn cảnh gia đình
Một là: Về nhân thân
Anh Bùi Quốc Việt là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, do thiếu hiểu biết và nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Hai là: Về gia đình
Anh Bùi Quốc Việt là người lao động chính trong gia đình, do đã ly hôn với vợ là Nguyễn Thị Mai Hương nên đang một mình phải nuôi con nhỏ là Bùi Bảo Anh sinh năm 2015. Anh Việt là con trai lớn trong gia đình, do đó còn có nghĩa vụ phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ là bà Nguyễn Thị Hồi, sinh năm 1946 hiện nay đã già yếu.
Ba là: anh Việt có mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Hồi, được Hội Đồng Bộ trưởng tặng Huy chương kháng chiến Hạng nhất ngày 04/07/1986, vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó, bà Hồi đã làm đơn xin xác nhận hoàn cảnh gia đình, có xác nhận của chính quyền và Công an phường Hàng Trống. Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét những tình tiết nêu trên cho Bùi Quốc Việt được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.
- Về tố tụng:
Tại trang 25 Cáo trạng số 07/CT-VKSTC-V3 ngày 23/01/2021 của VKSNDTC nêu như sau:
“Căn cứ tài liệu thu thập, thấy số liệu về tổng tài sản, tổng nguồn vốn, tổng lợi nhuận trước thuế, tổng giá trị hàng hóa mua vào, bán ra có VAT và không có VAT trong các năm từ 2014 đến hết 2018 được ghi nhận trong 02 hệ thống sổ sách kế toán Công ty Nhật Cường sử dụng có sự chênh lệch rất lớn, cụ thể: chênh lệch về tài sản 379.913.218.344 đồng, chênh lệch về nguồn vốn 379.913.218.344, chệnh lệch về lợi nhuận trước thuế 3.384.860.630 đồng. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định trưng cầu giám định viên Cục thuế Hà Nội tiến hành giám định về hành vi lập, sử dụng 02 hệ thống sổ sách của Công ty Nhật Cường”.
Tuy nhiên, việc CQCSĐT C03 Bộ Công An chỉ trưng cầu giám định về việc Nhật Cường lập 02 thống sổ sách nhưng không tiến hành trưng cầu định giá tài sản và sử dụng hệ thống phần mềm ERP của Nhật Cường để quy kết các bị cáo về tội danh buôn lậu là không đúng quy định của pháp luật vì:
Thứ nhất: Điều 215 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về định giá tài sản như sau:
“Điều 215. Yêu cầu định giá tài sản
- Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản”.
– Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/03/2018 của Chính Phủ quy định:
“Điều 15. Căn cứ định giá tài sản
Việc định giá tài sản không phải là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ sau:
- a) giá thị trường của tài sản”
– Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07/05/2018 quy định:
“Điều 3. Căn cứ định giá tài sản
1.Việc định giá tài sản phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ định giá tài sản quy định tại Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP.
2.căn cứ định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị Nghị định số 30/2018/NĐ-CP bao gồm các căn cứ sau:
- a) Giá thị trường của tài sản là giá giao dịch phổ biến trên thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm định giá và địa điểm định giá được yêu cầu định giá”.
Như vậy, đối với các hàng hóa của Nhật Cường có tới 16 nhà cung cấp và nguồn gốc, xuất xứ, giá cả khác nhau nhưng không được tiến hành định giá tài sản là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Bởi, việc định giá tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc lượng hình khi định tội danh và khung khoản hình phạt đối với các bị cáo. Hơn nữa, phần mềm ERP có nhiều phân khúc khác nhau bao gồm các bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, bảng kê mua hàng và bán hàng, bảng kê mua hàng và bán hàng không có hóa đơn của Công ty Nhật Cường trong thời gian từ năm 2014 đến hết năm 2018. Tại bảng kê điện thoại Công ty Nhật Cường mua tại nước ngoài không VAT của các nhà Bl từ 76442 đến 76496 cũng thể hiện và phản ánh rất rõ sự chênh lệch về hàng hóa, giá cả của các nhà cung cấp như Anh Mai, Miền Tây, chị Quy, Anh Tiến, Unitech, Sa RC, Tuấn SG, Hùng HP…
Thứ hai: Tại Kết luận điều tra số 01/KLĐT-CSĐT-P9 ngày 07/01/2021 của CQCSĐT Bộ Công an (trang 13-15-17) và Cáo trạng số 07/CT-VKSTC-V3 ngày 23/01/2021 của VKSNDTC nêu như sau:
“- Nhà cung cấp “Anh Hung HP” đến nay chưa xác định được nhân thân, địa chỉ và chuyển 346.245.000 đồng vào tài khoản đứng tên Nguyễn Đức Toàn tại ngân hàng TMCP Đầu Tư và phát triển Việt Nam
Nhà cung cấp “Anh Mai – QUẢNG NAM” còn lại 7.464.738.150 đồng chưa xác định được ai là người nhận
– Nhà cung cấp “Anh Tiến (Lokchun)” còn lại 4.904.711.100 đồng chưa xác định được thanh toán bằng hình thức nào.
– Nhà cung cấp chị Linh CHT (Jupiter)” còn lại 890.087.000 đồng chưa xác định được thanh toán bằng hình thức nào”.
Như vậy, với các nhà cung cấp nêu trên chưa xác định hoặc không làm rõ được về giao dịch với Nhật Cường nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng quy định nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 để loại trừ trách nhiệm hình sự và áp dụng theo hướng có lợi cho các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng tố tụng tại các Điều 15. Xác định sự thật của vụ án, Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trọng vụ án hình sự.
III. ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ:
Từ những nhận định phân tích trên kết luận: Trong vụ án này hành vi của Bùi Quốc Việt chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh “Buôn lậu”. Bị cáo Việt phạm tội do thiếu hiểu biết và nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bởi thế, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Yêu cầu của chúng tôi cụ thể như sau:
1- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm a khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015 trả hồ sơ điều tra bổ sung để tiến hành trưng cầu định giá tài sản.
2- Trong trường hợp HĐXX vẫn tuyên án, Luật sư đề nghị áp dụng: mục 4 công văn số 01/2017/GĐ- TANDTC ngày 07/04/2017 của TANDTC; khoản 4 Điều 17, Điều 38, Điều 58; điểm s, t khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 54 BLHS năm 2015, áp dụng cho thân chủ của chúng tôi là Bùi Quốc Việt được hưởng mức án thấp nhất của hình phạt.
Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!
Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!
Luật sư: Nguyễn Trung Tiệp.
Hình ảnh tại phiên tòa
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT THUẬN THIÊN
Giám đốc - Luật sư: Nguyễn Trung Tiệp Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Trụ sở chính: Số 3 ngách 168/46/7/2 Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Hà Nội: Tầng 4, toà nhà Hoàng Vương, số 31 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Quảng Nam: Số 174 Văn Tiến Dũng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng luật sư TPHCM: Tòa nhà 68 Lộc Phát, số 68 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh..
Tổng đài : 1900.8686.64
Email: luatthuanthien@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatthuanthien.com
www.thuanthienlawfirm.com
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino