Home Bản án & Án lệ Luật sư tranh tụng vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”

Luật sư tranh tụng vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”

Luật sư tranh tụng vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”

(Lời dẫn) Luận cứ bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Liêm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Sở y tế tỉnh Long An

Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 là một trong số các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Ngày nay tại Bộ luật hình sự năm 2015 thay thế BLHS năm 1999 đã bỏ tội danh này và quy định một số tội danh khác tương ứng với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; cụ thể là các tội sau: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).

Có thể thấy đây là một loại tội phạm nghiêm trọng thường rơi vào các cán bộ trong các cơ quan, tổ chức, các bộ nghành của nhà nước đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi như chiếm dụng vốn, sử dụng vốn để chạy thử các công trình, dịch vụ do nhà nước đề ra nhằm thu lợi bất chính cho mình. Hành vi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và xâm phạm trực tiếp trật tự quản lý kinh tế của nhà nước đối với các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Nhằm mục dích bảo đảm pháp chế và loại bỏ các loại tốt phạm này, pháp luật đã có những quy định hiện hành rất chặt chẽ, chi tiết, mang tính răn đe cao đối với các đối tượng thực hiện tội phạm. Dưới đây là một vụ án điển hình về tội “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo trong vụ án là Lê Thanh Liêm bị truy tố theo khoản 2 Điều 165 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 trong vụ án “Làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y Tế tỉnh Long An”

BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA BỊ CÁO LÊ THANH LIÊM

(Trong vụ án: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế

gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra Tại Sở Y Tế, tỉnh Long An)

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự Phúc thẩm hôm nay!

Tôi là Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật TNHH Thuận Thiên – Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời luật sư của bị cáo và được sự chấp thuận của TAND cấp cao tại Hà Nội. Tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho ông Lê Thanh Liêm bị truy tố, xét xử về tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 165 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay. Tôi trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  1. VỀ NỘI DUNG

1- về tội danh

Thứ nhất: về mặt khách quan

Do các thiết bị trong gói thầu theo hợp đồng đã ký giữa Công ty Đông Nam Á với Sở Y tế Long An ngày 18/4/2014 xuất xứ là Nhật Bản, vì điều kiện khách quan từ bên cung ứng là Công ty Kim Đạt không còn. Do đó, Trần Nguyên Vũ đã thông báo, trao đổi với đại diện bên Sở Y Tế tỉnh Long An là Võ Tấn Nghĩa cán bộ Phòng Tài chính – Kế Hoạch là thành viên Ban quan lý dự án xây dựng của SYT cùng với Lê Quý Tuyến là phó ban về việc này. Trên cơ sở đó, mà ông Liêm đã ký phụ lục hợp đồng số 19.1.1/2014/PLHĐ-4CQ ngày 12/7/2014 với nội dung điều chỉnh về xuất xứ nguồn gốc hàng hóa các thiết bị trong gói thầu Camera giám sát tòa nhà bốn cơ quan của Sở Y Tế.

Thứ hai: về ý thức chủ quan

Biên bản hỏi cung bị can ngày 29/01/2018 – Bl 819, ông Liêm trình bày:

 “Tôi xác định trong quá trình thực hiện gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống Camera giám sát an ninh tòa nhà 04 cơ quan Sở Y Tế thì tôi hoàn toàn không nhận lợi ích vật chất gì từ phía nhà thầu Công ty TNHH TMDV Đông Nam Á hay từ bất kỳ người nào khác”

Biên bản hỏi cung bị can, ngày 2/2/2018 – Bl 821, ông Liêm có quan điểm:

“Đến thời điểm hiện tại tôi nhận thấy hành vi của tôi không cấu thành tội phạm theo tội danh mà CQĐT đã khởi tố nên tôi không nộp số tiền khắc phục hậu quả như tôi đã xác định trước đó. Đồng thời, tôi cho rằng hành vi của tôi không gắn với thiệt hại đã xác định như trên. Tôi chưa rõ hành vi của tôi đã làm trái các quy định cụ thể nào, được thể hiện trong các văn bản nào”

Như vậy, trong vụ án này, ông Liêm mặc dù làm giám đốc Sở Y Tế là người có chức vụ, quyền hạn nhưng không hề có động cơ cá nhân hay dấu hiệu vụ lợi nào đối với gói thầu lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa chứng minh làm rõ được lỗi cố ý của ông như nào đã gây thiệt hại cho kinh tế Nhà nước ra sao.

2- về hợp đồng số: 19/2014/HĐ – 04CQ

Về bản chất đây là một hợp đồng kinh tế (kinh doanh thương mại) bởi đối tượng mua bán hàng hóa là các sản phẩm thiết bị camera, tivi, đầu kỹ thuật số, ổ cứng..Bên cung cấp/bán hàng là Công ty TNHH TMDV Đông Nam Á và bên mua là Sở Y Tế Long An làm chủ đầu tư, với giá trị hợp đồng là 1.920.000.000 đồng. Căn cứ để xác định đây là hợp đồng kinh tế vì ngay tại trang 2 của hợp đồng các căn cứ pháp lý áp dụng là Bộ Luật dân sự năm 2005, Luật đấu thầu 2005, Luật xây dựng năm 2003 vv..Khi thực hiện hợp đồng này sẽ ràng buộc 02 bên về quyền và nghĩa vụ cùng với lợi nhuận mà bên cung cấp/bán hàng hóa đạt được.

Thứ nhất: việc ký hợp đồng là đúng thẩm quyền

Căn cứ vào quy chế làm việc của Sở Y Tế tỉnh Long An ban hành kèm theo quyết định số 01/QĐ-SYT ngày 4/01/2011 trách nhiệm quyền hạn của của Giám đốc Sở Y tế  tại mục 2.5 Điều 4 là:“Chủ tài khoản, chủ đầu tư các nguồn kinh phí, các dự án y tế”; thẩm quyền ban hành và ký văn bản quy định tại Điều 18 chương VI quy chế: “giám đốc Sở được quyền ký tất cả các văn bản ban hành”.

Như vậy, với việc ông Võ Văn Thắng là phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An ký vào hợp đồng chính 19/2014/HĐ – 04CQ cùng Phụ lục nội dung công việc ngày 18/04/2014 là phù hợp với quy định tại Điều 18 chương VI của Quy chế quy định về việc ký văn bản: Phó giám đốc sở ký các văn bản trong lĩnh vực mình phụ trách và thay giám đốc các văn bản sau:“Công văn, hợp đồng thư mời, phiếu chuyển…”. Bởi trong thời gian đó, ông Thắng được phân công giao nhiệm vụ làm trưởng ban quản lý dự án xây dựng trực thuộc Sở Y Tế Long An từ năm 2012-2014 theo Quyết định thành lập số 321 ngày 04/04/2012. Đến ngày 14/5/2014, thì ông Liêm ra quyết định thành lập ban điều hành dự án xây dựng. Do đó, từ thời điểm này ông Thắng không còn phụ trách gói thầu với vai trò là trưởng ban quản lý dự án xây dựng thuộc Sở Y Tế. Bởi vậy, việc ông Liêm ký các phụ lục hợp đồng tiếp theo vào ngày 18/6/2014 và ngày 12/7/2014 là đúng về thẩm quyền, trách nhiệm của giám đốc Sở Y Tế.

Thứ hai: việc thay đổi xuất xứ thuộc trường hợp bất khả kháng.

Thời điểm thực hiện gói thầu, nhà máy sản xuất chính hãng Sony đã chuyển sang Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan. Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Thương Mại năm 2005 về xuất xứ hàng hóa thì các thiết bị trong hợp đồng phải mang xuất xứ từ nước sản xuất, còn chất lượng thì vẫn đảm bảo theo đúng yêu cầu, tiên chuẩn từ Sony JaPan. Nếu số thiết bị trên là của hãng sản xuất khác thì mới quy kết ông Liêm làm trái.

Trước đó, ngày 26/5/2020, Sony Việt Nam đã có thư xác nhận về việc một số mã hàng Camera trong hợp đồng “Được nhập khẩu và phân phối bởi Sony Việt Nam và được bán rộng rãi trên toàn thế giới…chúng tôi xin đảm bảo hàng hóa cung cấp đúng theo tiêu chuẩn chất lượng chính hãng Sony và hưởng các chế độ bảo hành theo đúng tiêu chuẩn…”.

Mặt khác, Kết luận thanh tra số 3217/KL-UBND của UBND tỉnh Long An ngày 22/08/2016 cũng xác định qua xác minh Công ty TNHH Sony Electronics Việt Nam thời điểm tháng 4/2014, một số loại Camera quan sát, đầu ghi hình nêu trong hợp đồng không có sản xuất tại Nhật Bản.

Thứ ba: quy định của pháp luật về hợp đồng.

Điều 4 hợp đồng số 19/2014/HĐ-04CQ quy định: hình thức hợp đồng là trọn gói. Giá trị hợp đồng  được điều chỉnh trong các trường hợp:

– Bổ sung, điều chỉnh khối lượng thực hiện so với hợp đồng

– Nhà nước thay đổi chính sách

– Trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia thương thảo hợp đồng để xác định giá trị hợp đồng điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

– Giá trị hợp đồng được tính theo quy mô ban đầu. khi thanh lý sẽ căn cứ theo quy mô, giá trị thực tế được phê duyệt.

Như vậy, với các quy định của hợp đồng thì chủ đầu tư và cá nhân ông Liêm không có trách nhiệm phải điều chỉnh lại giá trị hợp đồng. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu năm 2005. Cụ thể:

Ngày ký hợp đồng 19/2014/HĐ-04CQ là ngày 18/4/2014, do đó phải áp dụng Luật Đấu thầu năm 2005. Điều 49 Luật Đấu thầu năm 2005 quy định:

“Điều 49. Hình thức trọn gói

  1. Hình thức trọn gói được áp dụng cho những phần công việc được xác định rõ về số lượng, khối lượng.
  2. Giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng”.

Điều 48 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng quy định:

“Điều 48. Hình thức hợp đồng trọn gói

  1. Nguyên tắc thanh toán đối với hình thức hợp đồng trọn gói được quy định tại Điều 49 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:
  2. a) Giá hợp đồng không được điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng theo thoả thuận trong hợp đồng (là những tình huống thực tiễn xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng lường trước của chủ đầu tư, nhà thầu, không liên quan đến sai phạm hoặc sơ xuất của chủ đầu tư, nhà thầu, như: chiến tranh, bạo loạn, đình công, hỏa hoạn, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, cách ly do kiểm dịch, cấm vận). Việc thanh toán được thực hiện nhiều lần hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu cho đến khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng. Trường hợp bất khả kháng thì thanh toán theo thoả thuận trong hợp đồng (nếu có)”

– Điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07  tháng 5 năm 2010 của Chính Phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng quy định:

“3. Giá hợp đồng có các loại sau: 

  1. Giá hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với khối lượng các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp có bổ sung khối lượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định này”.

 

Luật xây dựng năm 2014 quy định:

 

Điều 143. Điều chỉnh hợp đồng xây dựng

  1. Ngoài các quy định nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thuộc dự án sử dụngvốn Nhà nướccòn phải tuân thủ các quy định sau:
  2. a) Việc điều chỉnh đơn giá thực hiện hợp đồng chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian”

Điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 37/2015/NĐ – CP ngày 22/04/2015 của Chính Phủ quy định về hợp đồng xây dựng như sau:

Điều 15. Giá hợp đồng xây dựng và điều kiện áp dụng

  1. Giá hợp đồng xây dựng có các hình thức sau:
  2. a) Giá hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với khối lượng các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng và thay đổi phạm vi công việc phải thực hiện.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì hợp đồng số 19/2014/HĐ-4CQ ngày 18/4/2014 là hợp đồng liên quan đến lĩnh vực đầu xư xây dựng thuộc loại trọn gói không thay đổi về giá trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Vì vậy, khi thay đổi về xuất xứ nguồn gốc thiết bị so với hợp đồng ban đầu ký kết. Ông Liêm với cương vị là giám đốc Sở Y Tế tỉnh Long An ký phụ lục hợp đồng số 19.1.1/2014/PLHĐ-4CQ ngày 12/7/2014 điều chỉnh Điều 4 của hợp đồng số 19/2014/HĐ-4CQ về xuất xứ hàng hóa nhưng không thay đổi về giá là đúng với quy định của pháp luật. Hơn nữa, trong gói thầu này nếu áp giá hoặc thay đổi không đúng thì ông Liêm mới sai luật, phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Mặt khác, việc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An viện dẫn một điều khoản của Nghị định để phản bác một điều khoản của Luật là đang cố tình làm trái với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 sửa đổi bổ sung năm 2015. Vì xét về tính hiệu lực thì Nghị định chỉ là văn bản pháp quy hay văn bản dưới luật mang tính hướng dẫn Luật/Bộ Luật.

3- về kết luận gây thất thoát ngân sách nhà nước là 911.880.168 đồng

Thứ nhất: về quy định của pháp luật

– Điều 9, Điều 22 thông tư 86/2011/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2011quy định:

Điều 9. Thanh toán vốn đầu tư

Nhà nước cấp vốn cho chủ đầu tư để chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu theo hợp đồng hoặc thanh toán cho các công việc của dự án thực hiện không thông qua hợp đồng, bao gồm:

– Thanh toán tạm ứng;

– Thanh toán khối lượng hoàn thành

Điều 22. Quyết toán vốn đầu tư

Việc quyết toán vốn đầu tư hàng năm và quyết toán vốn đầu tư khi dự án hoàn thành thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quyết toán vốn đầu tư.

Trường hợp quyết toán đã được duyệt, nếu số vốn được quyết toán thấp hơn số vốn đã thanh toán cho dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi lại của nhà thầu để hoàn trả cho Nhà nước số vốn thanh toán thừa; nếu số vốn được quyết toán cao hơn số vốn đã thanh toán, chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán tiếp hoặc bố trí vốn vào kế hoạch năm sau để thanh toán cho nhà thầu”.

– Điều 26 Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định:

Điều 26. Trách nhiệm trong quyết toán dự án hoàn thành

  1. Trách nhiệm của Chủ đầu tư:
  2. d) Khi dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, trường hợp số vốn được quyết toán thấp hơn số vốn đã thanh toán cho dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi của nhà thầu hoặc nhà cung cấp để nộp về ngân sách nhà nước số vốn đã thanh toán thừa; trường hợp số vốn được quyết toán cao hơn số vốn đã thanh toán cho dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán tiếp cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp theo giá trị quyết toán được phê duyệt khi có kế hoạch vốn.

đ) Chịu trách nhiệm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định.

  1. Trách nhiệm của các nhà thầu:
  2. b) Cùng với chủ đầu tư xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại theo hợp đồng đã ký kết; hoàn trả đầy đủ, kịp thời số vốn mà chủ đầu tư đã chi trả sai chế độ quy định.
  3. c) Chịu trách nhiệm chấp hành quyết định phê duyệt quyết toán dự án của cấp có thẩm quyền.

Đối chiếu với các quy định nêu trên cho thấy: gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống camera giát sát an ninh thuộc công trình tòa nhà 04 cơ quan do Sở Y Tế làm chủ đầu tư có vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, ngày 17-18/09/2014, Sở Y tế với đơn vị thi công là nhà thầu Công ty TNHH TMDV Đông Nam Á đã nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng. Như vậy, đây là trường hợp thanh toán khối lượng tạm ứng khi quyết toán của gói thầu đã được UBND tỉnh Long An duyệt. Nếu số vốn được quyết toán thấp hơn số tiền đã thanh toán cho nhà thầu, thì Sở Y Tế có trách nhiệm thu hồi lại của nhà thầu để hoàn trả cho Nhà nước. Cho nên, ông Liêm đã yêu cầu, đề nghị Trần Nguyên Vũ là giám đốc của Đông Nam Á nộp số tiền vào kho bạc nhà nước tỉnh Long An số tiền 735.000.000 đồng là đúng và phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên. Đây chỉ là quan hệ dân sự thương mại, không phải hình sự.

Điều này chứng minh ông Liêm không có hành vi cố ý làm trái nào trong hoạt động quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng hay làm thất thoát ngân sách nhà nước. Luật sư cho rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng  tỉnh Long an khởi tố, truy tố đối với ông Liêm theo Điều 165 BLHS năm 2009 là đang hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự trái với Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính Phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 tại điểm b khoản 5 Mục II nêu rõ:

“Để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật”.

Thứ hai: Theo khoản 4 Điều 30 Nghị định 112/2009 ngày 14/12/2009 thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư là người quyết định đầu tư, theo Điều 9 Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, chủ đầu tư chỉ có thẩm quyền thanh toán tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành. Tại thời điểm thực hiện giám định từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2017, trong KLTT số 3217 ngày 22/8/2016 do ông Trần Văn Cần Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký có nội dung sau: “Đến thời điểm kết thúc cuộc thanh tra (tháng 3/2016) gói thầu này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán” (trích dòng 12, 13 trang số 03 KLTT 3217). Mặt khác, theo Thông báo số 239/TB-STC ngày 20/5/2015 thẩm định quyết toán vốn đầu tư thì gói thầu  camera cũng chỉ có giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành. Như vậy, sự thật chưa có giá trị quyết toán.

Đến ngày 18/9/2019, UBND tỉnh Long An ra Quyết định số 3411/QĐ-UBND v/v phê duyệt quyết toán mới xác định giá trị quyết toán là: 1.184.825.000 đồng, giá trị thanh toán tạm ứng làm 1.920.000.000 đồng, số nợ phải thu là 735.000.000 đồng. Ngày 18/11/2019 nhà thầu là Công ty Đông Nam Á đã hoàn trả số tiền đã thanh toán dư thừa cho ngân sách Nhà nước theo điểm b, c khoản 2 Điều 26 Thông tư số 09/2016/TT – BTC ngày 18/11/2016. Hiện nay tại kho bạc Nhà nước tỉnh Long An đã đóng mã dự án và tất toán tài khoản mà không ghi nhận bất kỳ con số gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Như vậy Kết luận gây “Thất thoát ngân sách” số tiền 911.880.168 đồng là hoàn toàn vô lý, không đúng với thực tế. Bởi vậy, thiệt hại thực tế không xảy ra, ngân sách Nhà nước không bị thất thoát, vẫn còn quản lý số tiền 911.880.168 đồng. Chủ đầu tư là Sở Y Tế vẫn còn nguyên quyền sở hữu tài sản theo Điều 158 BLDS 2015, không bị mất đi như nhận định của ông Thẩm phán Dương Văn Thành tại trang 12 bản án sơ thẩm.

  1. VỀ TỐ TỤNG

1) Về các kết luận giám định:

1- kết luận giám định số 803 ngày 21/03/2017.

Bản KLGĐ 803/KLGĐ-STC ngày 21/03/2017 là một văn bản giám định tư pháp nhưng không có giám định viên ký tên. Ông Huỳnh Văn Sơn không phải là giám định viên tư pháp. Như vậy KLGĐ 803 không có giá trị pháp lý.

Kết luận tại dòng 8, 9 trang số 4 STC khẳng định: “Sở Y tế chưa gửi hồ sơ quyết toán đến STC để thẩm tra và trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vốn đầu tư” đúng với KLTT số 3217 ngày 22/08/2016 tại dòng 9-11 trang số 3 do ông Trần Văn Cần là Chủ tịch UBND tỉnh ký: “Đến tháng 3/2016 kết thúc cuộc thanh tra gói thầu lắp đặt camera chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư” (có nghĩa chưa được quyết toán theo Thông tư số 09/2016/TT-BTC) chưa có giá trị quyết toán.

Kết luận tại dòng 40-41 trang số 4 “Nếu không được thực hiện thanh tra thì sẽ gây thiệt hại cho ngân sách”. Điều này đồng nghĩa KLGĐ số 803 khẳng định chưa gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.

2- KLGĐBS số 2602/KLGĐ-STC ngày 14/08/2017

Bản KLGĐ bổ sung số 2602/KLGĐ-STC ngày 14/08/2017 là hình thức giám định tập thể nhưng chỉ có một GĐV Nguyễn Hữu Linh Giang ký, ông Huỳnh Văn Sơn ký 02 bản KLGĐTP nêu trên là không đúng quy định tại Điều 28, Điều 32 Luật giám định tư pháp 2012, điểm b mục 3 Công văn 4713/BTP – BTTP ngày 14/6/2013 của Bộ Tư pháp quy định:

“Trường hợp tổ chức (bao gồm tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc) được trưng cầu, yêu cầu giám định thì người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu đó phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp”

Thứ nhất: về lĩnh vực giám định

Điều 3 thông tư số 138/2013/TT-BTC, GĐV lĩnh vực tài chính chỉ được giám định về: thuế, chứng khoán, hải quan, thuế và giá. Thế nhưng tại dòng 18 trang số 04 KLGĐBS số 2602, GĐV tài chính thực hiện giám định “quyết toán đầu tư xây dựng công trình”  là không đúng với thẩm quyền và trái với khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2014TT-BXD ngày 22/4/2014 hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định như sau:

“1. Giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng (sau đây gọi tắt là giám định tư pháp xây dựng) là việc cá nhân, tổ chức giám định tư pháp xây dựng sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để đánh giá, kết luận về chuyên môn đối với những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định trong hoạt động đầu tư xây dựng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Các nội dung giám định tư pháp xây dựng

  1. giám định tư pháp về chi phí đầu tư xây dựng công trình giá trị công trình và các chi phí khác có liên quan bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, giá trị còn lại của công trình và các vấn đề khác có liên quan”.

 Như vậy STC thực hiện giám định không đúng thẩm quyền, không đúng lĩnh vực theo thông tư 138/2013/TT-BTC.

Thứ hai: hành vi gian dối, che dấu bớt nội dung pháp luật, thực hiện giám định không khách quan, trung thực.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Ngân sách năm 2002 và theo Điều 22 thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính đều nêu rõ 02 nội dung về quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

Nội dung thứ nhất: khi kết thúc năm ngân sách, chủ đầu tư phải lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng vốn ngân sách trong năm thực hiện theo Thông tư 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010.

Nội dung thứ hai: khi dự toán hoàn thành phải lập và báo cáo quyết toán công theo quy định của pháp luật, thực hiện theo Thông tư số 09/2016/TT-BTC.

Thế nhưng tại dòng 24 trang số 04 Bản KLGĐBS số 2602, GĐV chỉ trích nội dung thứ nhất: “Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, khi kết thúc năm ngân sách, chủ đầu tư phải lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng vốn ngân sách trong năm;…”. GĐV không trích dẫn tiếp nội dung thứ hai mà dùng dấu (…) nhằm che dấu Thông tư số 09/2016/TT-BTC. Tương tự tại dòng 11 trang 5 Bản KLGĐ số 803 ngày 21/03/2017 về quyết toán vốn đầu tư” Sở Tài chính cũng chỉ trích dẫn Thông tư 210/2010/TT-BTC và cố tình che dấu Thông tư số 09/2016/TT-BTC.

Như vậy, ông Nguyễn Hữu Linh Giang và Huỳnh Văn Sơn đã vi phạm khoản 2 Điều 3 về nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp và vi phạm khoản 2 Điều 6 các hành vi bị nghiêm cấm trong giám định tư pháp của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và vi phạm khoản 4 Điều 68. Người giám định, Điều 100. Kết luận giám định BLTTHS năm 2015.

3- Kết luận giám định bổ sung số 22 ngày 04/10/2019 đóng dấu “MẬT” (giám định tư pháp lần thứ tư đã hết thời hạn điều tra).

STC cố tình tránh né “Đã thanh toán tạm ứng” 1,92 tỷ đồng, xác định tại phụ lục trang số 03 cột số 04 Quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 18/09/2019, thay vào đó STC đánh tráo khái niệm: “Chênh lệch về giá trị giữa tổng giá trị tài sản đã nghiệm thu thanh toán vốn đầu tư xây dựng hoàn thành của Sở Y Tế tỉnh Long An thanh toán cho Công ty TNHH TMDV Đông Nam Á trên cơ sở quyết toán gói thầu cho nhà thầu và chủ đầu tư lập ngày 17/09/2014 so với kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 154/KL-HĐ ĐG ngày 05/07/2019 của TP. Tân An là 911 triệu đồng (1.920.000.000 – 1.008.119.832 = 911.880.168 đồng). Như vậy, STC đã tiếp tục đánh tráo khái niệm để kết luận giám định sai sự thật. Ở đây, số tiền 1,92 tỷ là khoản tiền đã thanh toán tạm ứng cho nhà thầu. Vì sao STC cố tính né tránh không viện dẫn “đã thanh toán tạm ứng” 1,92 tỷ cho nhà thầu.

Ngoài ra, chứng minh trong sổ kế toán tài sản cố định giá trị camera là nguyên giá tạm tính 1,92 tỷ, theo điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/05/2018 của Bộ Tài Chính.

Theo kết luận định giá tài sản số 154 ngày 5/07/2019 của Hội đồng định giá tài sản TP. Tân An đã từ chối kết luận “Thất thoát ngân sách” vì theo Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/03/2018 và Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013… Hội đồng định giá tài sản không có thẩm quyền kết luận nội dung nêu trên, nhưng KLGĐBS số 22 của STC lại cố ý kết luận trái thẩm quyền, “Thất thoát ngân sách”, đóng dấu MẬT vào KLGĐ và chỉ gửi công an TP. Tân An. Mãi sau này, khi KLGĐ 22 được đưa vào bút lục, tự động giải mật tại phiên tòa theo quy định giải mật văn bản tài liệu trong hồ sơ vụ án.

4- Bản kết luận giám định số 4213/KLGĐ – STC ngày 25/09/2020

Thứ nhất: về nội dung kết luận giám định số 4213: là sản phẩm tổng hợp của kết luận giám định số 803, KLGĐBS số 2602 và KLGĐBS số 22. Đây là những bản giám định tư pháp không khách quan, không trung thực, không vô tư, trái thẩm quyền và cố ý gian dối đưa ra kết luận sai sự thật. Như vậy, KLGĐ số 4213 ngày 25/09/2020 cũng trái pháp luật. Bởi lẽ:

Một là: Trong kết luận định giá tài sản số 154/KL-HĐĐG ngày 5/7/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, giá trị tài sản của gói thầu tổng cộng là: 1.008.119.700 đồng. Thế nhưng trong kết luận thanh tra số 3217/Kl-UBND ngày 22/08/2016 của UBND tỉnh Long An về việc thanh tra gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh dựa trên kết quả thẩm định giá số 788/KL-HĐTGĐ ngày 21/3/2016 của hội đồng thẩm định giá của Sở Tài Chính là 1.162.326.000 đồng. Chênh nhau tới: 154.206.300 đồng. Như vậy, trong cùng một vụ án có sự khác nhau về số tiền thiệt hại và giá trị tài sản. Số tiền này được xử lý như nào khi có hai kết quả khác nhau?.

Hai là: KLGĐ số 4213 kết luận SYT “không điều chỉnh đơn giá hợp đồng” là kết luận trái pháp luật. Theo quy định tại điều 143 Luật xây dựng 2014 , khoản 2 điều 49 Luật đấu thầu 2005, khoản 2 điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009, tại khoản 1 điều 34, khoản 1 điều 36 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010  về hợp đồng trong xây dựng, điều 3 Thông tư 07/2016/TT_BXD ngày về HĐ “điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng”, đều quy định “Giá hợp đồng không được điều chỉnh trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng” (BS Võ Văn Thắng PGĐSYT ký Hợp đồng Camera với hình thức Hợp đồng trọn gói).

 Căn cứ  cơ sở pháp lý nêu trên trường hợp gói thầu lắp đặt camera là Hợp đồng trọn gói khi ký Phụ lục hợp đồng, điều kiện số lượng chất lượng thiết bị không thay đổi, không thay đổi mục tiêu ban đầu, không thay đổi thiết kế… Khẳng định “Chủ đầu không điều chỉnh dự toán, không điều chỉnh giá hợp đồng là hoàn toàn đúng  pháp luật” và khẳng định KLGĐ số 4213/ ngày 25/9/2020 là trái pháp luật.

Ba là: KLGĐ số 4213 kết luận Chủ đầu tư  “không tham khảo giá” là không đúng sự thật,  SYT nhận thức rõ và  đầy đủ việc tham khảo giá cụ thể Chủ đầu tư có chỉ đạo tham khảo giá,  đã yêu cầu Nhà thầu Đông Nam Á cung cấp một Hợp đồng công trình khác với thiết bị chất lượng và tiêu chuẩn tương tự và yêu cầu  Nhà thầu cung cấp 2 Bảng báo giá của 2 nhà cung cấp khác nhau,  đúng quy định tại điểm đ khoản 2 điều 25 Nghị định 112/2009/NĐ-CP. Thế nhưng Nhà thầu đã cung cấp những tài liệu nêu trên giả mạo, sai sự thật. Rõ ràng SYT đã có tham khảo giá.

Thứ hai: Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành và như trên phân tích, Luật sư cho rằng, STC tỉnh Long An không còn thẩm quyền, tư cách giám định nữa. Kết luận giám định số 4213/KLGĐ – STC là sai phạm. Bởi lẽ:

– Luật giám định tư pháp 2012 quy định:

“Điều 34. Các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp

  1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
  2. b) Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  3. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
  4. b) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định”.

Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT – VKSNDTC – TANDTC – BCA- BTP ngày 13/12/2017 quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng như sau:

 “Điều 4. Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định

Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Thông tư liên tịch này, bao gồm:

  1. Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, gồm:
  2. c) Về khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán”.

Mặt khác, KLGĐ 4213 chỉ xác định về giá thiết bị nghĩa là chỉ mới giám định một phần gói thầu. Trong khi gói thầu này  là cung cấp, lắp đặt gồm nhiều chi phí từ giá thiết bị, công lắp đặt, phí bảo hành, lợi nhuận nhà thầu. Dùng KLGĐ một phần gói thầu để buộc tội là không toàn diện, vô căn cứ.

Như vậy Sở Tài Chính thực hiện giám định không đúng thẩm quyền, không đúng lĩnh vực theo thông tư 138/2013/TT-BTC. Đây là gói thầu liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, cho nên thẩm quyền giám định thuộc Bộ Xây Dựng. Hơn nữa, Sở Tài Chính tỉnh Long An không đủ điều kiện và có dấu hiệu không vô tư khách quan trong khi thực hiện giám định lại nên không được thực hiện giám định. Thế nhưng CQCSĐT Công an tỉnh Long An vẫn trưng cầu, Sở Tài Chính vẫn “Vô tư” tiếp tục giám định là sai phạm chồng sai phạm”. TAND tỉnh Long An thừa nhận trong bản án sơ thẩm rằng các KLGĐ trước đây vi phạm thủ tục tố tụng. Điều này thể hiện rõ các KLGĐ đều sai phạm nghiêm trọng về cả nội dung và tố tụng.

5- Kết luận định giá tài sản số 154 ngày 05/07/2019 về giá 07 loại thiết bị là 1.008.119.700 đồng (trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 3 không có giá trị pháp lý)

Trong khi đó, ngày 18/09/2019, UBND tỉnh ra Quyết định số 3411/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án, trong đó xác định giá trị quyết toán là 1.184.825.000 đồng, đã thanh toán tạm ứng 1,92 tỷ và tổng nợ phải thu là 735.175.000 đồng.

Kết luận: Tất cả 04 bản kết luận giám định do STC thực hiện đều có dấu hiệu gian dối che dấu các nội dung pháp lý rất quan trọng như: Luật Luật Xây Dựng, Luật Đấu Thầu, Thông tư số 86/2011/TT- BTC ngày 07/06/2011, Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 hướng dẫn về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng. Đặc biệt STC có hành vi rất tinh vi che dấu nội dung thứ nhất của khoản 2 Điều 64 Luật Ngân Sách 2002 và nội dung thứ hai của Điều 22 Thông tư số 86/2011/TT-BTC. Cố ý gian dối, đánh tráo khái niệm đưa ra kết luận giám định sai sự thật, vi phạm nghiêm trọng khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 6 “Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật” khoản 2 Điều 34 Luật giám định tư pháp năm 2012 và các Điều 60, Điều 100 BLTTHS năm 2015.

2) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về tố tụng

Thứ nhất: Tại mục 1 phần “NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN” trang 10 bản án sơ thẩm nêu:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng: CQCSĐT, Điều tra viên, VKSND, KSV trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

  • Đây là những nhận định hoàn toàn chủ quan, sai sự thật của TAND tỉnh Long An. Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Chúng tôi chứng minh như sau:

Thứ nhất: Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT)  Công an tỉnh Long An đã căn cứ kết luận giám định bổ sung số 2602 ngày 14/08/2017 ra Quyết định số 01 khởi tố bị can và Quyết định khởi tố vụ án cùng một ngày 11/12/2017, cùng văn bản số 01 nhằm tranh thủ hiệu lực của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 về việc thi hành BLHS năm 2015, cụ thể  tại điểm e khoản 1 Điều 2 quy định: ““Đối với hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trước 0h ngày 01/01/2018, mà sau thời điểm đó đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng BLHS năm 1999”. Ở đây có 02 nội dung cần phân biệt:

– Khởi tố vụ án theo khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003:

“Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì CQCSĐT phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự..”;

– Khởi tố bị can theo khoản 1 Điều 126 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:

“Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì CQCSĐT ra quyết định khởi tố bị can”. Khởi tố bị can nhằm thỏa mãn tại điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14

Như vậy, việc ông Phạm Hữu Châu – Thủ trưởng CQCSĐT đã ký quyết định khởi tố bị can là không đúng quyền hạn, nhiệm vụ được quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015, khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT –BCA-BQP-VKSNDTC 22/12/2017 và điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT ngày 02/8/2013. Bởi  chưa có Kết luận điều tra trước 0h ngày 01/01/2018, cùng với việc ngụy tạo chứng cứ sai sự thật trái pháp luật, bưng bít không minh bạch thông báo các bản KLGĐ cho bị can.

Thứ hai: Giai đoạn điều tra từ 11/12/2017 đến 29/09/2020 (hai năm tám tháng)

Riêng tại CQCSĐT Công an tỉnh Long An đã điều tra, xác minh 16 tháng nhưng CQCSĐT Công an tỉnh lại không ra kết luận điều tra (KLĐT) ngày 21/03/2018, Công an tỉnh Long An gia hạn điều tra chuyển xuống Công an TP. Tân An tiếp tục điều tra.

Tại CQCSĐT Công an TP. Tân An đã tiếp tục điều tra 18 tháng, với 03 lần Kết luận điều tra chuyển VKSND TP. Tân An đề nghị truy tố: Kết luận điều tra lần thứ nhất ngày 03/08/2018, KLĐT lần thứ hai ngày 12/11/2018 và KLĐT lần thứ ba ngày 25/02/2019. Nhưng tất cả 03 lần đều bị VKS trả hồ sơ về CQĐT để điều tra bổ sung, theo khoản 2 Điều 174 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 thì VKS chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 02 lần và tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017 ngày 22/12/2017 quy định rất cụ thể “Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung phải ghi lần thứ nhất hoặc lần thứ 2”

Lần thứ nhất: Ngày 12/09/2018

Lần thứ hai: Ngày 27/12/2018, VKS TP. Tân An mời bị can, Luật sư đến VKSND TP. Tân An để tống đạt Cáo trạng, nhưng VKS không tống đạt Cáo trạng mà lại trao thông báo trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nguyên nhân chính là do Luật sư đã phát hiện gian dối ngụy tạo chứng cứ trong kết luận giám định (KLGĐ) số 803 và Kết luận giám định bổ sung (KLGĐBS) số 2602.

– Lần thứ ba: Ngày 14/3/2019 VKSND TP. Tân An ra Quyết định số 02/QĐ-VKSTPTA trả hồ sơ điều tra bổ sung cho CQCSĐT Công an TP. Tân An là trái với khoản 2 Điều 174 BLTTHS năm 2015 (VKS chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung 02 lần) và trái khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT –BCA-BQP-VKSNDTC ngày 22/12/2017. Bởi vậy, Quyết định tạm định chỉ điều tra ngày 15/5/2019 và Quyết định phục hồi điều tra ngày 9/7/2019, hoạt động điều tra thu thập chứng cứ trong giai đoạn này là trái với trình tự thủ tục của BLTTHS quy định tại khoản 2 Điều 87 về nguồn chứng cứ:

Chứng cứ là những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

– Lần thứ tư: Ngày 13/08/2020, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND tỉnh Long An thực hiện quyền công tố tự động xin rút hồ sơ để điều tra bổ sung, vì các KLGĐ 803 ngày 21/03/2017, KLGĐBS số 2602 ngày 14/08/2017 và KLGĐBS số 22 ngày 04/10/2019 đều sai phạm pháp luật, không có giá trị pháp lý. Do đó, VKSND tỉnh thông đồng với Công an tỉnh Long An ra quyết định trưng cầu giám định lại tại STC Long An nhằm mục đích củng cố chứng cứ và sửa sai để buộc tội ông Liêm.

Thứ ba: Giai đoạn truy tố: trước những sai phạm của các kết luận giám định do STC tỉnh Long An thực hiện, ông Lê Thanh Liêm có 30-40 Đơn tố cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An, UBND tỉnh, Tỉnh Ủy Long An không kiểm tra đánh giá chứng cứ để xác định sự thật khách quan. Theo đó, CQCSĐT ra Kết luận điều tra số 85/KLĐT-PC03 ngày 08/12/2019 và VKS ra Cáo trạng số 08/CT-VKSLA-P1 ngày 02/01/2020 đều căn cứ sử dụng các KLGĐ số 803, KLGĐ 2602, KLGĐ 22 để buộc tội ông Liêm không đúng sự thật khách quan.

Thứ tư: Giai đoạn xét xử: Trải qua bốn năm tiến hành tố tụng, đã thẩm định giá bốn lần, năm lần trưng cầu giám định tư pháp, bốn lần VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung, một lần tạm đình chỉ điều tra, một lần phục hồi điều tra, ra 03 bản Cáo trạng, bốn lần mở phiên tòa xét xử thì ba lần phải hoãn phiên tòa. Đây là một “Vụ án bỏ túi” với những biểu hiện không khách quan vô tư, cố ý gian dối đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật, cố tình ngụy tạo chứng cứ một cách có hệ thống có âm mưu để truy cứu trách nhiệm hình sự người vô tội. Trong đó, với nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, vi pham nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự theo Điều 13. Suy đoán vô tội; Điều 15. Xác định sự thật của vụ án; Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Điều 32. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.Vi phạm Điều 214 quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Đặc biệt HĐXX cấp sơ thẩm đã có những biểu hiện thiếu công tâm, khách quan, thiếu tinh thần “Phụng công thủ pháp chí công vô tư”, vi phạm Bộ quy tắc đạo đức ứng xử của Thẩm phán và đi ngược lại với tinh thần cải cách tư pháp. Cụ thể đã cố ý không triệu tập những người liên quan vụ án như giám định viên, điều tra viên, nhận định của Tòa sai sự thật, thiếu công tâm đánh giá tính pháp lý các chứng cứ một cách tùy tiện không dựa vào cơ sở pháp lý. Tất cả những dấu hiệu nêu trên cho thấy TAND tỉnh Long An khi xét xử sơ thẩm không công tâm, không khách quan và bức tử công lý.

3) Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Như trên phân tích STC đã đánh tráo khái niệm, gian lận trong giám định khi đưa ra kết luận sai sự thật vi phạm khoản 2 Điều 6 Luật giám định tư pháp “Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật” và Điều 382 BLHS năm 2015 quy định như sau:

“Điều 382. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

  1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
  2. b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Thực tế chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu cung cấp một hợp đồng của một công trình khác có tiêu chuẩn và chất lượng tương tự và có tham khảo hai bảng báo giá của hai nhà cung cấp khác nhau. Thế nhưng, STC kết luận chủ đầu tư không tham khảo giá là hoàn toàn vu khống, sai sự thật. Vấn đề này sai phạm chủ yếu do nhà thầu Đông Nam Á cung cấp thông tin giả mạo bao gồm một hợp đồng với tiêu chuẩn, chất lượng tương tự và hai thông báo giá giả mạo, trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về nhà thầu. Theo KLĐT số 85 ngày 08/12/2019 đã kết luận nhà thầu vi phạm “các hành vi bị cấm trong đấu thầu”. Tại điểm a và c khoản 4 Điều 89 và theo Điều 90 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định:

“Điều 89. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu

  1. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:
  2. a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;
  3. c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Điều 90. Xử lý vi phạm

  1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.

Tại sao, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An lại loại bỏ hành vi sai phạm của Trần Nguyên Vũ là giám đốc Công ty Đông Nam Á – nhà thầu chính trong gói thầu lắp đặt hệ thống camera do Sở Y Tế tỉnh Long An làm chủ đầu tư với mục đích gì, khi trong KLĐT và Cáo trạng, bản án sơ thẩm đều nhận định có dấu hiệu sai phạm nhưng lại kết luận là do lỗi chủ đầu tư. Phải chăng để đổi thừa hết lỗi cho Sở Y Tế nhằm quy kết trong khi ông Liêm không cố ý chiếm đoạt tiền ngân sách của Nhà nước và không có thiệt hại xảy ra. Như vậy, là có dấu hiệu bao che và bỏ lọt tội phạm với Trần Nguyên Vũ là người có vai trò chính chủ mưu trong vụ án.

– Căn cứ vào quy chế làm việc và quyết định 567/QĐ-SYT ngày 25/4/2014 của Sở Y tế Long An nêu trên cùng lời khai của ông Liêm và ông Thắng trưởng ban quản lý dự án phản ánh thực tế Võ Tấn Nghĩa và Phạm Hồng Thái, Đinh Phan Chí Linh là những cán bộ của Phòng kế hoạch tài chính và là thành viên trong ban quản lý dự án nhưng đã không làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Y tế trong việc tham mưu đề xuất giúp việc cho giám đốc Sở trong lĩnh vực mình phụ trách. Có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 20 Luật Đấu Thầu năm 2005 và các quy định đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng thì gói thầu không thuộc trường hợp chỉ định thầu. Việc ông Nguyễn Thanh Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An (đã nghỉ hưu) ban hành quyết định chỉ định thầu là có dấu hiệu đồng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong đấu thầu nhưng chưa được CQĐT xử lý để giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

III. ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ.

Từ những nhận định phân tích trên kết luận: các KLGĐ của Sở Tài Chính tỉnh Long An vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật (trong đó có KLGĐ 4213). Trong vụ án này thân chủ của chúng tôi là Lê Thanh Liêm không có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An. Bởi thế, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Yêu cầu của chúng tôi cụ thể như sau:

– Xét thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở giai đoạn sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long an vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Đặc biệt liên quan đến các kết luận giám định của Sở Tài Chính tỉnh Long An đều sai phạm và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Trần Nguyên Vũ – chủ nhà thầu Đông Nam Á cùng Võ Tấn Nghĩa, Đinh Phan Chí Linh, Phạm Hồng Thái trong ban quản lý dự án SYT và ông Nguyễn Thanh Nguyên – Cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, chúng tôi kiến nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 358 BLTTHS 2015 hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe !

Luật sư bào chữa: Nguyễn Trung Tiệp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Chia sẻ