Luật sư tranh tụng vụ án “Tham ô tài sản”

0
163

(LỜI DẪN) Bản luận cứ bào chữa bị cáo Nguyễn Văn Minh trong vụ án “Tham ô tài sản”

Trong cơ chế thị trường hiện nay, kinh tế là lĩnh vực luôn tiềm ẩn khả năng tham ô lớn. Bởi ở đó, lợi ích vật chất được xác định là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hành vi tham ô tài sản. Thực tiễn cho thấy, tội phạm tham ô có quy mô ngày càng lớn, với mức độ tinh vi, phức tạp và tổ chức chặt chẽ. Động cơ vụ lợi đã khiến các cán bộ, công chức cố tạo cho mình một đặc quyền nào đó để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng các thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, tham ô tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên hành vi này luôn bị luật hình sự Việt Nam coi là tội phạm.

Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội.

Dưới đây là Bản luận cứ bảo vệ của Luật sư Nguyễn Trung Tiệp bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Văn Minh bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Đồng Nai theo quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo như đề nghị của Luật sư, VKSND tối cao truy tố Cáo buộc ông Nguyễn Văn Minh phạm tội “Tham ô tài sản” theo điểm a, b khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015 là không đúng người đúng tội, không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Dấu hiệu sai phạm của thân chủ chúng tôi thể hiện ở “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì vậy, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn bộ nội dung vụ án một khách quan, toàn diện  xử bị cáo Nguyễn Văn Minh về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015, khác với tội danh “Tham ô tài sản” mà VKSND tối cao đang truy tố.

BẢN LUẬN CỨ BẢO VỆ BỊ CÁO NGUYỄN VĂN MINH

(Trong vụ án Nguyễn Văn Minh bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ Luật hình sự năm 2015)

 

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử ! ( HĐXX)

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm nay!

Tôi là Luật sư Nguyễn Trung Tiệp, – thuộc Công ty Luật TNHH Thuận Thiên- Đoàn luật sư TP. Hà Nội. Được sự chấp thuận của các cơ quan tiến hành tố tụng và TAND tỉnh Đồng Nai, tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho ông Nguyễn Văn Minh bị VKSND tối cao truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay. Chúng tôi trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  1. Về tội danh

Chúng tôi không đồng tình với nội dung bản Bản Cáo trạng số: 37/Ctr-VKSNDTC-V3 ngày 26/04/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số: 22/C03-P12 ngày 28/02/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an  đối với ông Nguyễn Văn Minh về tội “Tham ô tài sản”, bởi lẽ sau:

  • Về mặt khách quan của tội phạm

Chúng tôi thấy rằng, cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát nhân dân kết luận: Ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo ông Nguyễn Hùng Sơn lập báo cáo, trình ông Minh ký với các nội dung chi tiết như đã nêu ở trên là chưa khách quan, một chiều. Bởi lẽ:

  • Ông Minh không chỉ đạo ông Nguyễn Hùng Sơn lập đơn giá tiền lương

ông Minh là giám đốc công ty, chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc xây dựng dự toán, thực hiện chi và quyết toán quỹ lương của công ty. Trong đó, ông Minh phân công công việc trực tiếp phần xây dựng dự toán quỹ lương cho ông Nguyễn Hùng Sơn – Trưởng Phòng tổ chức hành chính thực hiện; việc chi trả và quyết toán quỹ lương thuộc trách nhiệm trực tiếp của bà Nguyễn Thị Thùy Oanh – Kế toán trưởng (BL 7853). Từ năm 2008 đến năm 2012, ông Minh có giao nhiệm vụ xây dựng dự toán quỹ lương cho ông Nguyễn Hùng Sơn, nhưng không chỉ đạo ông Sơn phải lập dự toán với các con số cụ thể như Bản kết luận điều tra, Cáo trạng đã nêu.

Tại Biên bản hỏi cung bị can ngày 02/10/2018, khi được hỏi về việc: có chỉ đạo phòng Hành chính, phòng Tài vụ đưa vào cụ thể số lao động định biên, tổng quỹ lương dự toán không?, ông Minh đã khẳng định rằng: “Tôi không chỉ đạo bộ phận chuyên môn đưa các số liệu cụ thể này vào khi lập dự toán. Việc lập dự toán do họ căn cứ tình hình thực tế của công ty, kết quả kinh doanh của năm trước và kế hoạch duyệt ngân sách do tỉnh giao. Sau đó họ dự thảo trình tôi, tôi thấy hợp lý thì thống nhất ký, trình ra hội đồng xét duyệt.” (Bút lục 7907).

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 26/07/2017, bà Nguyễn Thị Thùy Oanh khai: “Việc xây dựng đơn giá tiền lương năm 2008 do Phòng hành chính tổ chức của công ty xây dựng, báo cáo Ban giám đốc công ty để trình Hội đồng xét duyệt tiền lương của công ty gồm: đại diện Sở Lao động, Chi cục tài chính doanh nghiệp và đại diện Công ty xổ số Đồng Nai tiến hành họp để thông qua.” (BL 7968). Tại Biên bản ghi lời khai ngày 04/08/2017, bà Oanh khai: “Việc xây dựng dự toán quỹ lương này do anh Nguyễn Hùng Sơn, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính và là Trưởng Ban kiểm soát thực hiện.” (BL 7976).

            Và tại Bản tự khai ngày 18/06/2018, bà Oanh khai: “Trong thực tế, những năm đó người lao động công ty đã cố gắng rất lớn, ngoài việc tăng năng suất lao động, các bộ phận còn phải tổ chức làm thêm ngày, thêm giờ rất nhiều mới hoàn thành nổi khối lượng công việc của công ty giao. Cụ thể, từ đầu năm 2008 toàn công ty thống nhất làm việc luôn ngày thứ 7 (thực hiện chế độ 48 giờ/tuần). Tiền lương làm việc ngày lễ, ngày tết cũng được tính trong quỹ lương đơn giá này. Có những phòng đã tổ chức cho cán bộ công nhân viên làm việc đến 18h hàng ngày trong suốt cả năm như phòng trả thưởng hoặc người lao động của một số bộ phận khác luân phiên đi làm thêm ngày chủ nhật và làm ngoài giờ mà không được tính thêm lương làm ngoài giờ.

            Hồ sơ khoán công việc cho người lao động do phòng Hành chính tổ chức thực hiện, theo dõi và trực tiếp giải trình với các ngành chức năng khi có kiểm tra quyết toán lao động, tiền lương của công ty.” (BL 8048, 8049)

Biên bản hỏi cung ngày 8/12/2017 – Bl 7986-7987, bà Oanh khai:

Trách nhiệm của bộ phận chuyên môn: Phòng tổ chức hành chính được giao xây dựng định múc lao động và trình các cơ quan chức năng xét duyệt dự toán tiền lương. Phòng kế toán thực hiện chi và quyết toán quỹ lương cuối năm. Chị Lê thị Kim Lệ là kế toán phụ trách tiền lương, tôi là người trực tiếp lập báo cáo quyết toán quỹ lương cuối năm của Công ty

Như vậy, ông Minh không chỉ đạo ông Sơn đưa các số liệu cụ thể (số lao động định biên, hệ số tăng lương tối thiểu) vào tính dự thảo đơn giá tiền lương. Việc tính toán số liệu là do Phòng Tổ chức hành chính thực hiện dựa trên các kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty. Phòng kế toán thực hiện  chi và quyết toán quỹ lương , bà Oanh là kế toán trưởng là người trực tiếp lập báo cáo quyết toán quỹ lương cuối năm  Công ty như ông Minh và bà Oanh đã nêu ở trên. Ông Minh chỉ quản lý vĩ mô theo phân cấp quy chế, điều lệ công ty cách hiểu về chỉ đạo của VKS không đúng với ý chí của ông Minh cũng như Bà Oanh không thừa nhận việc ông Minh chỉ đạo trong quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Chúng tôi bác toàn bộ quan điểm cáo buộc của cơ quan VKS.

  • Đối với việc nhập hai quỹ lương để chia theo hệ số thang bảng lương vào năm 2008 và 2009, Bản kết luận điều tra và Cáo trạng nêu:
  • Năm 2008:

Sau khi có thông báo về việc đăng ký đơn giá tiền lương năm 2008 của Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai, “Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thùy Oanh thực hiện phân phối bằng cách đem nhập 02 quỹ lương lại để chia theo hệ số trong thang bảng lương.”

  • Năm 2009:

Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Nguyễn Thị Thùy Oanh thực hiện phân phối bằng cách đem nhập 02 quỹ lương lại để chi theo hệ số trong thang bảng lương”.

Tại bút lục số 07896, ông Minh khai như sau: “Quỹ lương của người lao động và quỹ lương của lãnh đạo quản lý được xây dựng, chi riêng. Trên nguyên tắc: quỹ lương của người lao động được xây dựng, chi trả theo đơn giá tiền lương, khi quyết toán thì lấy doanh thu, chi phí thực hiện trong năm để quyết toán. Còn quỹ lương của người lãnh đạo Công ty được xây dựng trên nguyên tắc dựa vào hiệu quả điều hành sản xuất kinh doanh của Công ty.” Lời khai trên của ông Minh là phù hợp với quy định của Thông tư số: 15/2007/TT-BLĐTBXH ngày 31/08/2007 (hướng dẫn xây dựng đơn giá tiền lương để làm căn cứ trả lương cho  người lao động) và Thông tư số: 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05/11/2005 (hướng dẫn xác định quỹ lương kế hoạch của Giám đốc công ty), tiền lương của người lao động và tiền lương của Giám đốc được xây dựng bởi hai công thức khác nhau, được điều chỉnh bởi hai thông tư khác nhau vì vậy, không có lý do nào để ông Minh thực hiện tăng trái phép quỹ lương của người lao động để bản thân mình được hưởng lợi.

Và tại Biên bản hỏi cung bị can ngày 25/09/2018, khi được hỏi về việc: đem nhập chung quỹ lương của viên chức quản lý và quỹ lương của người lao động để phân phối chung trên cơ sở hệ số thang bảng lương là do bà Oanh nghĩ ra hay thực hiện theo chỉ đạo của ai?, bà Oanh đã khai như sau: “Việc này do tôi tự nghĩ ra và thực hiện. Do thời điểm năm 2008. 2009, lương của tôi được thực hiện theo đơn giá tiền lương (quỹ lương của người lao động) nếu để chi riêng 02 quỹ lương thì lương của tôi là cao nhất Công ty. Do vậy, tôi thấy ái ngại về việc này và chỉ đạo chị Lê Thị Kim Lệ đem nhập vào chia chung theo hệ số lương, làm như vậy mới không có chuyện lương của Giám đốc thấp hơn lương của Trưởng phòng.” (BL8014).

Như vậy, từ những lời khai trên cho thấy: ông Nguyễn Văn Minh không chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thùy Oanh thực hiện phân phối bằng cách đem nhập 02 quỹ lương lại để chia theo hệ số trong thang bảng lương vào năm 2008, 2009 như Bản kết luận điều tra và Cáo trạng đã nêu. Hơn nữa, việc nhập hai quỹ lương để chia theo hệ số được thể hiện trong quy chế trả lương năm 2009 của Công ty và đã được sự đồng ý của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Đồng Nai, thông báo tới người lao động. Mặt khác tại phiên Tòa sơ thẩm bà Oanh là người đã thừa nhận ý tưởng nhập hai quỹ lương là do tự mình thực hiện nhằm giải quyết vấn đề bất cập là lương của Tổng giám đốc lại thấp hơn lương các trưởng phòng trong Công ty. Bên cạnh đó, năm 2007, sau khi có kiểm toán về việc kiểm duyệt lương đã có ý kiến là: Công ty không được đưa thêm tiền lương của các đại lý là đơn vị trực thuộc nhưng nằm ngoài biên chế của Công ty.

Mặt khác, đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý của Công ty XSKT Đồng Nai (giai đoạn 2008 – 2012) đã được Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Đồng Nai, Chi cục Tài chính doanh nghiệp – Sở Tài chính Đồng Nai (là các cơ quan có thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai) thẩm định và Sở Lao động – TB&XH tỉnh Đồng Nai có thông báo về việc đăng ký đơn giá tiền lương hàng năm. Công ty đã thực hiện chi trả lương cho người lao động theo đúng đơn giá tiền lương đã đăng ký với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và công khai minh bạch với các cơ quan chức năng. Cho nên, không đủ căn cứ để kết luận rằng: ông Minh lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

1.3  Về việc xây dựng, báo cáo và đăng ký đơn giá tiền lương

Thứ nhất: Ông Nguyễn Hùng Sơn đã xác định định mức lao động tổng hợp theo định biên đúng với quy định của Thông tư 06/2005/TT-BLĐTBXH, ông Minh không chỉ đạo và ông Sơn cũng không đưa thêm số lao động định biên trái quy định để tính đơn giá tiền lương như Bản kết luận điều tra và Cáo trạng đã nêu.

Mức lao động quy định là mức trung bình tiên tiến bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Công ty đã đưa ra định mức lao động tổng hợp theo định biên đúng với hướng dẫn tại Thông tư 06/2005/TT-BLDDTBXH, đó là: “Để định mức lao động tổng hợp định biên, công ty tiến hành theo các bước sau: – Phân loại lao động; – Xác định khối lượng nhiệm vụ, công việc phải thực hiện; – Định biên lao động cho từng bộ phận; – Tổng hợp mức lao động định biên chung của công ty.”

Tại phiên tòa ngày 14/10/2019, bà Dương Thị Kim Loan làm việc tại Phòng hành chính tổ chức (giai đoạn 2008 – 2019) khai: tuy không cùng ông Sơn xây dựng đơn giá tiền lương nhưng bà có thấy ông Sơn hỏi các trưởng phòng về định biên lao động của từng phòng  (ví dụ: hỏi bà Nguyễn Thị Hương – Phòng trả thưởng) để xây dựng đơn giá tiền lương.

 Quan điểm của ông Khương Thái Học – nguyên phó phòng Chính sách Lao động, Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai về kết luận “kê thêm số lao động định biên không đúng quy định” của Cơ quan điều tra như sau: Do công ty có làm ngày lễ, ngày chủ nhật nên theo quy định được tính thêm số lao động bổ sung vào số lao động thực tế, chứ không phải kê thêm số lao động định biên không đúng quy định, tỷ lệ 115% so với lao động thực tế chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa vật chất.

Hơn nữa, Thông tư 06/2005/TT – BLĐTBXH không quy định công ty phải xác định số lao động định mức kế hoạch để tính đơn giá tiền lương không được vượt quá 115%  số lao động thực tế sử dụng bình quân của năm trước liền kề.

Tại điểm b khoản 1 mục IV Thông tư 06/2005/TT – BLĐTBXH quy định về trác nhiệm của công ty khi tổ chức thực hiện xây dựng định mức lao động như sau: b) Hàng năm, công ty phải đánh giá tình hình thực hiện hệ thống mức lao động để hoàn thiện nâng cao chất lượng mức. Nếu mức lao động thực tế thực hiện thấp hơn 5% hoặc cao hơn 15% so với mức được giao thì trong thời hạn 3 tháng, công ty phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.” Có nghĩa là, nếu đầu năm công ty xác định định mức lao động là 142 người (năm 2008), sau khi đăng ký với Sở Lao động, công ty sẽ tiến hành tuyển dụng lao động mới cho phù hợp với định mức để thực hiện kế hoạch kinh doanh của năm. Về mặt số học, trong vòng 3 tháng thực hiện (kể từ ngày đăng ký định mức lao động) nếu số lao động thực tế thấp hơn 5% (khoảng 135 người) hoặc cao hơn 15% (khoảng 163 người) so với mức đã đăng ký (142 người) thì công ty phải điều chỉnh lại định mức lao động tổng hợp định biên đã đăng ký với Sở Lao động theo lao động thực tế.

BL 8048, 8049Bản tự khai ngày 18/06/2018, bà Nguyễn Thị Thùy Oanh khai như sau: Từ năm 2008 – 2012, Công ty Xổ số Đồng Nai thực hiện quyết toán theo đơn giá được Sở Lao động tỉnh Đồng Nai duyệt tính trên lao động định mức mà không thực hiện điều chỉnh đơn giá theo số lao động thực tế. “Việc chi quyết toán tiền lương cho người lao động tại Công ty được thực hiện theo giao kết giữa Lãnh đạo công ty và người lao động. Hàng năm, Công ty đều thực hiện việc khoán việc và khoán tiền lương cho người lao động. Cụ thể như sau:

Vào năm 2008, trong Đại hội Công nhân viên chức của Công ty, Giám đốc công ty đã thông báo cho người lao động các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được nhà nước giao cho công ty và tiền lương được Sở Lao động duyệt cho công ty trong năm. Đồng thời lãnh đạo công ty cũng đưa ra bàn với người lao động về phương án thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao trong năm theo hai phương án sau đây để người lao động chọn lựa:

  1. Tuyển thêm lao động cho đủ theo số lao động định biên được giao để người lao động được làm việc theo chế độ bình thường (40 giờ/tuần) và hưởng mức lương bình thường.

Hoặc:

  1. Không tuyển thêm lao động cho đủ theo số lao động định biên mà thực hiện khoán công việc và khoán tiền lương cho người lao động, các bộ phận tự sắp xếp cho người lao động tổ chức làm thêm ngày, thêm giờ và tăng năng suất lao động đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc công ty giao thì được hưởng mức lương theo đơn giá tính trên số lao động định biên được Sở lao động duyệt cho Công ty từ đầu năm.

Các bộ phận đã bàn bạc trong nội bộ với người lao động và thống nhất đăng ký với Giám đốc công ty để quyết toán theo phương án khoán công việc và khoán tiền lương cho người lao động. Việc đăng ký này được thực hiện trong năm đầu tiên , từ năm sau người lao động đều đề nghị Công ty không tuyển thêm lao động mà thực hiện khoán công việc và khoán tiền lương cho họ. Khi nào họ không làm nổi nữa, họ sẽ đề nghị tuyển thêm lao động.”

Tại phiên tòa ngày 14/10/2019 và bút lục số 00457:

  • Bà Hàng Thị Hải công nhận: được phân công là thư ký trong các kỳ Đại hội Công nhân viên chức Công ty, sau Đại hội thực hiện đánh máy, in ra biên bản và gửi về ông Hoàng Văn Trị – Chủ tịch công đoàn.
  • Ông Hoàng Văn Trị công nhận: Hội nghị người lao động (ngày xưa gọi là Đại hội Công nhân viên chức) được Công đoàn cơ sở phối hợp cùng Ban lãnh đạo Công ty tổ chức. Chương trình Đại hội gồm ban lãnh đạo thông qua báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ qua một năm công tác và phương hướng năm tới. Sau đó Chủ tịch công đoàn báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của công đoàn và đề ra chương trình năm tới. Trong đại hội, ông Nguyễn Văn Minh – Tổng giám đốc Công ty có nói một người làm việc gấp đôi, gấp ba lần. Thực tế, công ty Xổ số Đồng Nai chỉ có khoảng 73 người làm việc nhưng năng suất bằng và hơn những công ty Xổ số khác có số lao động 160 người.
  • Bà Nguyễn Thị Hương công nhận: Giai đoạn 2008 – 2012, ông Nguyễn Văn Minh có nói về lương của cán bộ, công nhân viên công ty, một người làm gấp đôi, gấp ba.
  • Bà Bùi Lệ Thủy công nhận: Giai đoạn 2008 – 2012, các sở ban ngành, các công ty đều làm 40h/tuần nhưng cán bộ, công nhân viên công ty làm 48h/tuần (làm luôn ngày thứ 7) để giao dịch với các đại lý tại Tp. Hồ Chí Minh; đồng thời còn làm thêm ngoài giờ để đóng vé. Thời gian này, ông Nguyễn Văn Minh có động viên cán bộ, công nhân viên cố gắng làm việc để hoành thành nhiệm vụ Tỉnh giao.
  • Bà Lê Thị Kim Lệ công nhận: Công ty có làm thêm ngoài giờ thể hiện trên bảng chấm công và bảng chi thanh toán tiền ngoài giờ.
  • Bà Trần Thị Kim Yến công nhận: trong biên bản Đại hội đa số chỉ ghi những ý chính, không chi tiết. Trong đại hội, ông Nguyễn Văn Minh có nói nội dung một người làm gấp hai, gấp ba lần.

Từ những căn cứ trên cho thấy, lời khai của bà Oanh về việc Công ty không tuyển thêm lao động mà thực hiện khoán công việc và khoán tiền lương cho người lao động là hoàn toàn đúng với thực tế khách quan. Mặc dù số lao động thực tế là 73 người (năm 2008) nhưng năng suất lao động của họ ở mức 142 người (đúng với định mức được giao). Chính vì vậy, Sở Lao động không yêu cầu công ty phải điều chỉnh định mức lao động và cho phép thực hiện đơn giá tiền lương như đã đăng ký.

Thứ hai: ông Nguyễn Hùng Sơn áp dụng và Hội đồng xét duyệt tiền lương đồng ý cho công ty áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu (k): 1,34; Áp dụng mức lương tối thiểu vùng để tính đơn giá tiền lương, bởi vì:

Một là: Căn cứ áp dụng mức lương tối thiểu vùng:

  • Khoản 2 Điều 4 Nghị định 114/2002/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2003 – 01/07/2013) quy định như sau: “2. Tùy theo điều kiện và khả năng hoạt động kinh doanh, cho phép doanh nghiệp, cơ quan áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để làm căn cứ trả lương cho người lao động”.

– Điểm a khoản 5 mục II Thông tư số 23/2008/TT- BLĐTBXH ngày 20/10/2008 hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ quy định như sau:

5. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (TLminvùng) thay thế mức lương tối thiểu chung (TLmin) dùng để xác định quỹ tiền lương của công ty như sau:

  1. Xác định quỹ tiền lương chế độ (V), quỹ tiền lương thực hiện theo đơn giá tiền lương theo quy định tại điểm a, khoản 4, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXHngày 05 tháng 01 năm 2005; điểm a, khoản 2.4, phần A, mục III Thông tư số 15/2007/TT-BLĐTBXHngày 31 tháng 8 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ví dụ: Theo quy định tại điểm a, khoản 4, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH: “Quỹ tiền lương chế độ (V), được xác định bằng số lao động định mức nhân với hệ số lương theo cấp bậc công việc bình quân, hệ số phụ cấp lương bình quân và mức lương tối thiểu chung” thì nay được điều chỉnh như sau “quỹ tiền lương chế độ (V), được xác định bằng số lao động định mức nhân với hệ số lương theo cấp bậc công việc bình quân, hệ số phụ cấp lương bình quân và mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

  • Năm 2011 – 2012, Công ty áp dụng Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011 để áp dụng mức lương tối thiểu vùng tính đơn giá tiền lương cho người lao động. Tại Điều 2, Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu của doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I: mức lương tối thiểu vùng I là 2.000.000đ. Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 70/2011/NĐ-CP (Hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 4 Thông tư 23/2011/TT-BLĐTBXH) quy định: “Mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động, nhưng mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”. Như vậy, mức lương tối thiểu 2.000.000 đồng chỉ là mức lương thấp nhất để các doanh nghiệp phải thực hiện trả cho người lao động chưa qua đào tạo, làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường.

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định Nghị định 70/2011/NĐ-CP (Hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 4 Thông tư 23/2011/TT-BLĐTBXH) quy định: “Mức tiền lương thấp nhất phải trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”. Như vậy, đối với lao động được đào tạo Nghị định chỉ quy định mức tăng tối thiểu 7%, tức là mức lương tối thiểu của công ty lựa chọn phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu quy định tại Điều 2 đối với lao động đã qua đào tạo, chứ không quy định khống chế mức tăng tối đa với mức lương tối thiểu quy định tại Điều 2.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 3 Nghị định Nghị định 70/2011/NĐ-CP cũng có quy định: “Khuyến khích  các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định này”. Năm 2012, công ty lựa chọn mức lương tối thiểu 4.680.000 đồng (= 2.000.000đ x 2,34), tức công ty áp dụng mức lương tối thiểu vùng tăng hơn so với mức lương tối thiểu quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2010/TT-BLĐTBXH là 134% (cao hơn mức 7%), mức tăng này phù hợp với lao động đã qua đào tạo của công ty (phần lớn lao động của công ty có trình độ đại học, mức lương nhà nước quy định đối với tốt nghiệp đại học, hệ số lương đầu tiên trong thang bậc lương là bậc 1: hệ số 2,34 và tính ngành nghề đặc thù của công ty). Việc công ty lựa chọn mức lương tối thiểu 4.680.000 đồng được hiểu như là mức lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua đào tạo có trình độ đại học tại địa bàn Tp. Biên Hòa. Như vậy, việc công ty lựa chọn mức lương tối thiểu 4.680.000 đồng là có căn cứ, phù hợp với khuyến khích tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 70/2011/NĐ-CP, phù hợp với tình hình thực tế lao động đã qua đào tạo của công ty và thị trường lao động tại Tp. Biên Hòa và khu vực lân cận.

Từ những căn cứ trên cho thấy, Công ty Xổ số Đồng Nai áp dụng mức lương tối thiểu vùng để xây dựng đơn giá tiền lương là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Hai là: Căn cứ áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu:

  • Điểm b khoản 1 mục III Thông thư 07/2005/TT- BLĐTBXH của Bộ Lao đông, Thương binh & Xã hội quy định về điều kiện được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu như sau:
  • “- Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của các luật thuế và văn bản hướng dẫn thực hiện;
  • – Mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động bình quân. Mức tăng tiền lương bình quân và mức tăng năng suất lao động bình quân được tính theo quy định tại Thông tư số 09/2005/TT-BLĐTBXHngày 05/01/2005 của Bộ Lao động – thương binh và xã hội;
  • – Phải có lợi nhuận. Lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề, trừ trường hợp đặc biệt (Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường; tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư mới)”.
  • Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng: Công ty Xổ số Đông Nai không đủ điều kiện để được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm vì Công ty xây dựng lợi nhuận kế hoạch luôn thấp hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề. Tuy nhiên, Hội đồng xét duyệt tiền lương và Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Đồng Nai vẫn đồng ý cho công ty áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu vì Công ty thuộc trường hợp đặc biệt:
  1. Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường:
  • Từ năm 2008 – 2012, UBND tỉnh Đồng Nai luôn giao chỉ tiêu kế hoạch nộp ngân sách nhà nước thấp hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề. Do tính thận trọng trong kinh doanh nên không ty không thể xây dựng lợi nhuận kế hoạch cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề. Hơn nữa, lợi nhuận kế hoạch được xây dựng dựa trên doanh thu của công ty. Công ty không thể dự báo trước được kết quả XSKD của năm kế hoạch do: địa bàn hoạt động kinh doanh bị khống chế; Số lượng vé số phát hành bị khống chế; mệnh giá vé số do Nhà nước quy định trong khi sản phẩm chỉ có một loại hình xổ số truyền thống, chỉ được phát hành vé số 01 ngày trong tuần (thứ tư hàng tuần), hơn nữa, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu bán hàng của các đại lý và người bán lẻ, phụ thuộc vào thời tiết, sức mua của người dân… Công ty không thể dự báo và xây dựng lợi nhuận năm kế hoạch cao hơn lợi nhuận của năm trước.

Trong văn bản số 655/CV-BCS ngày 11/03/2014 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai do đồng chí Trần Minh Phúc – phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm phó bí thư Ban cán sự đảng UBND  gửi thường trực tỉnh ủy Đồng Nai cũng nêu:

“Năm 2010 và 2012, Công ty đã được kiểm toán Nhà nước kiểm toán báo cáo tài chính cả năm bao gồm cả việc kiểm toán chi phí tiền lương và các khoản trích theo lương của công ty, trong năm 2013 Công ty đã được đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện theo chính sách lao động tiền lương giai đoạn từ năm 2010 đến sáu tháng đầu năm 2013 của Công ty. Trong báo cáo kiểm toán của Nhà nước và kết quả làm việc của Đoàn thanh tra liên nghành của tỉnh đã không có kiến nghị gì đối với công tác tiền lương của Công ty do Công ty đã thực hiện theo đúng quy định”.

Như vậy, với kết luận trên của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai và xét trên góc độ đánh giá rủi ro kiểm toán, tính tuân thủ, tính phù hợp thực tiễn, kết quả hoạt động SXKD của Công ty đạt được trong năm 2012, luật sư cho rằng: Việc công ty xây dựng đơn giá tiền lương, quỹ lương, quỹ thù lao của viên chức quản lý năm 2012 (đã được Sở LĐTB&XH, Chi cục Tài chính doanh nghiệp thẩm định tại Biên bản thẩm định ngày 28/03/2012 và Thông báo số 385/LĐTBXH – CSLĐ ngày 29/03/2012 của Sở LĐTB&XH) và đã được Công ty kiểm toán độc lập xác nhận là có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế”.”

Trên đây là toàn bộ quan điểm của Kiểm toán viên về việc áp dụng mức lương tối thiểu và số lao động định biên của Công ty Xổ số Đồng Nai năm 2012. Năm 2011, Chính phủ cũng quy định về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng như năm 2012 tại Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011. Như vậy, giống như quan điểm của Kiểm toán viên thì năm 2011, Công ty Xổ số Đồng Nai xây dựng đơn giá tiền lương có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Quý Tòa, so sánh đối chiếu và xem xét lại toàn bộ đơn giá tiền lương và quyết toán lương năm 2008 – 2012 của Công ty Xổ số Đồng Nai mà VKS đã cáo buộc có áp dụng đúng với các văn bản nêu trên hay không, việc VKS vô tình hay cố ý đưa ra các căn cứ không có cơ sở chưa áp dụng đúng văn bản theo quy định của pháp luật. Do vậy, Chúng tôi đủ cơ sở khẳng định cáo buộc vks không có không có căn cứ và văn bản áp dụng của vks không có giá trị pháp lý.

  1. Công ty Xổ số Đồng Nai mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư mới:
  • Năm 2008, Công ty có kế hoạch đầu tư bất động sản, xây khách sạn 5 sao trên bờ sông Đồng Nai.
  • Năm 2009 – 2010, Công ty đầu tư, góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Á và Ngân hàng TMCP phát triển Tp. Hồ Chí Minh.
  • Năm 2011 – 2012, Công ty có dự án đầu tư mới: “Dự án đầu tư xây dựng xây dựng xí nghiệp In Đồng Nai.
  • Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai xét duyệt cho công ty được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm = 1,34 và luôn đi kèm với điều kiện: lợi nhuận thực hiện phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề (có lợi nhuận) là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
  • Từ những căn cứ trên cho thấy, hành vi của ông Minh không thỏa mãn mặt khách quan của Tội tham ô tài sản. Ông Minh không sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể thực hiện hành vi tham ô tài sản, biến tài sản được giao thành tài sản của mình. Dự toán đơn giá tiền lương được xây dựng dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, được thông báo và thực hiện minh bạch trước Hội đồng thành viên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người lao động.
  • Về ý thức chủ quan

Thứ nhất: Ông Nguyễn Văn Minh được hưởng lợi gì từ việc xây dựng đơn giá tiền lương cho người lao động trái quy định?

Theo kết luận 2704/KL – UBND ngày 13/04/015 của UBND tỉnh Đồng Nai thì: Năm 2007 và 2008, bà Nguyễn Thị Thùy Oanh đã nhập quỹ lương của người lao động và quỹ lương của Giám đốc đề chi chung theo cho thang bảng lương,  nhưng việc này xuất phát hoàn toàn từ đề xuất của cá nhân bà Oanh (như đã trình bày ở trên) và sau đó có xin ý kiến của Sở Lao động Đồng Nai. “Đối với số tiền 354.555.593đ (Ba trăm năm mươi tư triệu, năm trăm năm mươi lăm nghìn, năm trăm chín ba đồng) tiền lương của người lao động Công ty đã sử dụng để chi cho Giám đốc trong năm 2007 và năm 2008, do Công ty không xây dựng quy chế trả lương cho người lao động nên không có căn cứ để chi trả lại tiền lương cho người lao động. Chủ tịch UBND tỉnh giao Chánh Thanh tra tỉnh ra quyết định thu hồi số tiền 354.555.593đ nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Nếu đặt câu hỏi: Ông Minh được hưởng lợi bao nhiêu trong vụ án này thì chỉ là: 243.822.801đ (Hai trăm bốn mươi ba triệu, tám trăm hai mươi hai nghìn, tám trăm linh một nghìn) do năm 2008, Công ty đã sử dụng tiền lương của người lao động để chi tiền lương cho Giám đốc. Tuy nhiên, việc hưởng lợi trên là do kế toán trưởng đề xuất và đã xin ý kiến của Sở Lao động, TB và XH, ông Minh không chủ ý thực hiện hành vi đó. Hơn nữa, vào thời điểm ông Minh bị khởi tố thì ông Minh đã nộp lại số tiền trên vào ngân sách nhà nước theo Quyết định số 40/QĐ-TT ngày 17/04/2015 của Thanh tra tỉnh Đồng Nai về việc thu hổi tiền – Nghĩa là đến thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can: thiệt hại không còn. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chưa xác định được yếu tố: lỗi của ông Minh, tính toán sai số tiền (cho là) ông Minh chiếm đoạt, hưởng lợi cá nhân. Điều này hoàn toàn mang tính áp đặt của các cơ quan tiên hành tố tụng. Bởi:

Một là: Quỹ lương chi cho Giám đốc và Quỹ lương chi cho người lao động là hai quỹ lương riêng biệt. Vì vậy, ông Minh không có lý do nào để xây dựng quỹ lương của người lao động trái quy định, vì nếu xây dựng sai thì ông Minh cũng không được hưởng lợi từ việc làm sai đó.

Hai là: Tại Báo cáo kết quả giám sát đối với ông Nguyễn Văn Minh ngày 30/05/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai xác định: “Đối với toàn bộ số tiền lương chi sai UBND tỉnh chấp thuận không thu hồi. Chủ chương chi tiền lương đều thông qua và được sự nhất trí của tập thể lãnh đạo Công ty, của Hội đồng thảnh viên (đại diện Chủ sở hữu), được sự phê duyệt của Sở Lao động và Sở Tài Chính (cơ quan chức năng của UBND tỉnh Đồng Nai). Nhận các khoản chi trên không chỉ có ông Minh mà còn có các thành viên Hội đồng thành viên, viên chức quản lý và người lao động. Căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng (Tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình được giao quản lý), thì chưa đủ cơ sở để xác định ông Nguyễn Văn Minh có hành vi tham ô”.

Thứ hai: Công ty đã báo cáo xin phép Sở Lao động TB&XH và Sở Tài Chính, được sự chấp thuận của Sở Lao động TB&XH tỉnh Đồng Nai thì công ty mới cho thực hiện những đơn giá tiền lương đã đăng ký. Nếu Sở Lao động TB&XH tỉnh Đồng Nai không đồng ý với những đơn giá tiền lương mà công ty xây dựng thì chắc chắn ông Minh sẽ yêu cầu cấp dưới – đặc biệt là ông Nguyễn Hùng Sơn tiến hành sửa đổi, điều chỉnh dự thảo đơn giá tiền lương theo đúng quy định.

Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an không làm rõ được ý thức chủ quan, việc bàn bạc của ông Minh, bà Nguyễn Thị Thùy Oanh và những người khác liên quan trong việc nâng khống số lao động định biên vào đơn giá tiền lương. Không có bất cứ tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo ông Nguyễn Hùng Sơn và bà Nguyễn Thùy Oanh nâng khống số lao động định biên, áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu để ông Minh được hưởng lợi trái phép. Vì vậy, không đủ căn cứ để truy tố ông Nguyễn Văn Minh về tội “Tham ô tài sản”.

  • Quy định pháp luật về tội tham ô tài sản.

Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tội Tham ô tài sản như sau:

“Điều 353. Tội tham ô tài sản

1.Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Theo điều văn của điều luật quy định tội “Tham ô tài sản” thì chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý hoặc xâm hại đến ngân sách Nhà nước. Người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015); không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Đối chiếu với những quy định của pháp luật và lý luận về mặt khoa học hình sự cũng như qua nhận định, phân tích phần 04 về yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản của ông Nguyễn Văn Minh, luất sư nhận thấy:

Thứ nhất: tại biên bản hỏi cung bị can ngày 01/11/2018 – Bl 7912, ông Minh trình bày như sau: “Tôi có ý kiến là tôi không đồng ý khởi tố tôi về tội Tham ô tài sản vì dự toán, quyết toán quỹ lương hàng năm của công ty XSKT Đồng Nai đều có đại diện Sở lao động và Chị cục tài chính doanh nghiệp phê duyệt và hàng năm, các cơ quan tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính của công ty nhưng không có ý kiến gì”.

Lời khai của ông Khương Thái Học nguyên phó phòng chính sách lao động thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai như sau: “Trách nhiệm của tôi là cán bộ phụ trách lĩnh vực chuyên môn về lao động tiền lương, thực hiện kiểm tra các chỉ tiêu về lao động tiền lương Công ty Xổ số Đồng Nai trình, sau khi tôi thấy các yêu cầu thì báo cáo lãnh đạo là anh Đào Ngọc Hoàng, anh Lâm Duy Tín biên bản thông qua dự toán, quyết toán quỹ lương của công ty Xổ số Đồng Nai”.

BL 8050 – 8052, ông Đào Ngọc Hoàng nguyên Trưởng phòng chính sách lao động thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đầu năm, Công ty XSKT Đồng Nai xây dựng dự toán quỹ lương của công ty, gửi về Sở lao động TBXH tỉnh Đồng nai, anh Khương Thái Học là người trực tiếp kiểm tra các nội dung dự toán. Sau khi anh Học cùng đại diện Công ty và đại diện Sở tài chính tính toán mọi thứ xong xuôi thì tôi và anh Lâm Duy Tín đến dự cuộc họp buổi cuối cùng để ký thông qua biên bản. Sở lao động chủ trì xây dựng đơn giá tiền lương để công ty thực hiện. Sở tài chính là đơn vị thực hiện. Khi thực hiện quyết toán quỹ lương thì Sở Tài chính là đơn vị chủ trì duyệt quyết toán”.

Qua những dẫn chứng trên cho thấy: lời khai của ông Nguyễn Văn Minh phù hợp với lời khai của ông Học, ông Hoàng. Bởi, ông Minh không là người chỉ đạo các phòng ban và cá nhân trong Công ty lập dự toán, quyết toán quỹ lương. Hơn nữa, việc này đều được đại diện sở lao động và chi cục tài chính doanh nghiệp phê duyệt thông qua, kiểm toán không có ý kiến gì nên sở Tài Chính là đơn vị duyệt quyết toán.

Như vậy, trong vụ án này, với nhận thức của mình ông Minh đã cho rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng là CQCSĐT Bộ Công an và VKSNDTC thay đổi tội danh từ “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 14/C46- P12 ngày 4/07/2018 với mình về “Tham ô tài sản” theo là không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai: Tại Điều 157 Bộ Luật TTHS năm 2015 quy định về việc không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

“1. Không có sự việc phạm tội;

  1. Hành vi không cấu thành tội phạm;

Điều 161. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự

  1. Khi thực hành quyền công tố trong việc khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:
  2. b) Hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ và trái pháp luật”.

Đối chiếu những quy định nêu trên, chúng tôi cho rằng CQCSĐT Bộ Công an khởi tố với ông Minh về hai tội danh trước là “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ và sau là Tham ô tài sản” đều không đúng. Bởi lẽ, hành vi của thân chủ chúng tôi không hề có động cơ vụ lợi và xâm hại đến ngân sách Nhà nước. Trái lại người lao động lại được thụ hưởng, đời sống của cán bộ nhân viên được quan tâm, chăm lo ổn định nên gắn bó với Công ty. Từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn phát triển, đạt lợi nhuận cao đóng góp vào ngân sách và các quỹ phúc lợi của tỉnh Đồng Nai. Tất cả việc xây dựng quỹ tiền lương đều các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận, được họp bàn xét duyệt công khai minh bạch chứ không có dấu hiệu gian dối, sai trái pháp luật.

Như vậy, hành vi của ông Minh không thỏa mãn cấu thành các tội danh đó. Cho nên, VKSND tối cao là cơ quan thực hành quyền công tố kiểm sát trong các hoạt động tiến hành tố tụng đã phê chuẩn với hai quyết định khởi tố nêu trên là hoàn toàn sai không đúng so với quy định tại các Điều 19. Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra; Điều 20. Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Đáng lẽ trong trường hợp này, họ phải ra hủy bỏ, không chấp nhận quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ và trái pháp luật đó của CQCSĐT mới đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Điều này cho thấy CQĐT Bộ Công an, VKSND tối cao đang loay hoay, lúng túng trong việc định tội danh không đúng với ông Nguyễn Văn Minh và các bị can khác trong vụ án. Phải chăng việc các cơ quan này cố tình khởi tố, truy tố ông Minh như vậy vì sợ nếu truy tố tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ làm ảnh hưởng, liên đới đến nguyên các lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai với vai trò là đồng phạm. Bởi trong giai đoạn này ông Đinh Quốc Thái là Chủ tịch UBND tức chủ sở hữu của Công Xổ số Đồng Nai, ông Trần Minh Phúc – phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm phó bí thư Ban cán sự đảng UBND là người phụ trách các Công ty thuộc doanh nghiệp Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính.

Vì vậy, để tránh bỏ lọt tội phạm, Luật sư kiến nghị HĐXX theo thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS năm 2015 ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu VKSTC khởi tố vụ án hình sự với các cá nhân nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai để tránh bỏ lọt tội phạm. Còn nếu xác định vai trò của Sở Lao động thương binh xã hội, sở tài chính thực hiện đúng chức năng quyền hạn thì ông Nguyễn Văn Minh không thể phạm tội tham ô tài sản như cáo buộc của VKS.

  1. Những sai phạm của ông Nguyễn Văn Minh trong quản lý tiền lương đã bị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý kỷ luật.
  2. 1. Căn cứ vào Kết luận thanh tra số: 2704/KL – UBND ngày 13/04/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc “Thực hiện các quy định pháp luật về công tác tài chính và công tác cán bộ tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và DVTH Đồng Nai”, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số: 40/QĐ-TT ngày 17/04/2015 về việc: “Thu hồi tiền”. Điều 1 Quyết định số: 40/QĐ-TT của Thanh tra tỉnh nêu: “Thu hồi số tiền 555.593 đồng (Bằng chữ: Ba trăm năm mươi bốn triệu, năm trăm năm mươi lăm ngàn, năm trăm chín mươi ba ngàn) đối với ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và DVTH Đồng Nai vào ngân sách nhà nước”. Theo Kết luận thanh tra số: 2704/KL – UBND, số tiền 354.555.593 đồng là tiền lương của người lao động, Công ty đã sử dụng để chi cho Giám đốc trong năm 2007 và năm 2008, do Công ty không xây dựng quy chế trả lương cho người lao động nên không có căn cứ để chi trả lại lương cho người lao động. Chủ tịch UBND tỉnh giao Chánh Thanh tra tỉnh ra quyết định thu hồi số tiền 354.555.593 đồng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Ông Nguyễn Văn Minh đã thi hành quyết định trên, nộp số tiền 354.555.593 đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh (Tài khoản số 3949.1046161 mở tại Kho bạc nhà nước tỉnh Đồng Nai).
  3. Căn cứ Kết luận thanh tra số: 2704/KL – UBND, ngày 21/08/2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 2473/QĐ-UBND về việc: “Xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp” đối với ông Nguyễn Văn Minh như sau:

Điều 1: Xử lý kỷ luật ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT và DVTH Đồng Nai.

Hình thức: Khiển trách.

Lý do: Sai phạm về công tác tài chính và tổ chức cán bộ theo Kết luận thanh tra số 2704/KL-UBND ngày 13/04/2015 của UBND tỉnh.

Điều 2: Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày ký Quyết định.”

Đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 06/12/2017 – bút lục 0000001), khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Minh (ngày 06/12/2017 – bút lục 00042), ông Minh đã thi hành xong  Quyết định kỷ luật nêu trên được hơn 01 năm.

Cùng ngày ra Quyết định kỷ luật đối với ông Minh, UBND tình Đồng Nai cũng đã có Công văn số:6688/UBND-VX nêu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh như sau:

1. Chấp thuận kết quả kiểm điểm của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và DVTH Đồng Nai, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính.

  1. Thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Giám đốc và bà Trần Thị Dung – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và DVTH Đồng Nai (có quyết định kèm theo).
  2. Phê bình nghiêm khắc đối với ông Huỳnh Văn Huệ – Phó Giám đốc Sở Tài chính, ông Lâm Duy Tín – nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động – TB&XH và bà Trần Thu Vân – nguyên Kiểm soát viên Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và DVTH Đồng Nai đã thiếu sót trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý dẫn đến sai phạm tại Công ty TNHH MTV XSKT và DVTH Đồng Nai.”

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi Quyết định số: 2473/QĐ-UBND ngày 21/08/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp đối với ông Nguyễn Văn Minh. UBND tỉnh đã trả lời đề nghị này tại Công văn số: 418/UBND-NC ngày 24/07/2018 (bút lục 03680) như sau: “Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định: 34/2011/NĐ – CP ngày 17/05/2015 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì “mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật” (liên quan đến trách nhiệm hành chính), không  quy định việc xử lý kỷ luật và khởi tố bị can (theo pháp luật hình sự).

Quyết định số: 2473/QĐ-UBND ngày 21/08/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT và DVTH Đồng Nai căn cứ trên sai phạm về công tác tài chính, tổ chức cán bộ theo Kết luận thanh tra số 2704/KL – UBND ngày 13/04/2015 của UBND tỉnh (các sai phạm về tài chính bao gồm: Quản lý tiền lương, nhận thù lao trái quy định; trong khi đó văn bản đề nghị của Cơ quan CSĐT chỉ đề cập đến nội dung sai phạm trong công tác quản lý lao động tiền lương (không bao gồm các nội dung khác). Việc thu hồi quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Minh sẽ phát sinh hậu quả pháp lý phải xem xét lại việc đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, chế độ chính sách về lương, thưởng đối với ông Minh trong năm 2014.

Ngoài ra, căn cứ, khoản 3 Điều 20 Nghị định 30/2011/NĐ-CP ngày 17/05/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì Quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và DVTH Đồng Nai đến nay đã được thi hành xong và đã chấm dứt hiệu lực.

Khoản 2, khoản 3 Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định như sau:

“2. Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

3…Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.”

Căn cứ vào quy định trên thì khi có quyết định khởi tố vụ án liên quan đến những sai phạm và quản lý lao động, tiền lương của ông Nguyễn Văn Minh thì Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phải hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật số: 2473/QĐ-UBND ngày 21/08/2015 đối với ông Nguyễn Văn Minh. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có quyết định hủy bỏ (với những lý do như đã nêu trên). Hơn nữa, theo quy đinh tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/08/2017 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/072013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính:

“10. Bổ sung Điều 6c vào sau Điều 6b như sau:

Điều 6c. Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính

Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, trừ trường hợp hết thời hiệu quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính.”

Như vậy, đến thời điểm Cơ quan CSĐT – Bô Công an ra quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu UBND tỉnh thu hồi quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Minh đã hết thời hạn để thực hiện việc hủy bỏ quyết định đó. Hay nói cách khác: theo quy định của pháp luật thì đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai không có căn cứ để thu hồi/hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật số: 2473/QĐ-UBND ngày 21/08/2015 đối với ông Nguyễn Văn Minh. Vậy có một câu hỏi lớn đặt ra ở đây rằng:

Việc Cơ quan CSĐT – Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố/truy tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Minh về những sai phạm trong quản lý lao động tiền lương khi ông Minh đã thực hiện xong quyết định xử lý kỷ luật về vấn đề này và không thể hủy bỏ quyết định kỷ luật là đúng với quy định của pháp luật không?;

Cơ quan CSĐT – Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện đúng nguyên tắc: “Suy đoán vô tội”; “Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật” và “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” đối với ông Nguyễn Văn Minh hay chưa?

Việc cơ quan Nhà nước vừa xử lý hành chính vừa xử lý hình sự với cùng một hành vi vi phạm đối với ông Nguyễn Văn Minh là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Minh; không đúng với quy định của pháp luật. Cùng một hành vi vi phạm nhưng đang có hai nhận định pháp lý khác nhau, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Đồng Nai đã có kết luận ông Minh không có hành vi tham ô nhưng Cơ quan CSĐT – Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại điều tra/truy tố ông Minh về tội “Tham ô tài sản”. Tại Công văn số: 1667-CV/UBKTTU ngày 24/05/2018 của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Đồng Nai gửi Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về kinh tế và tham nhũng, UBKT tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã nêu quan điểm về việc xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Minh như sau: “Quá trình phát sinh vi phạm của đồng chí Minh kéo dài qua nhiều năm, nhiều cơ quan chức năng (kiểm toán, thanh tra) không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không xử lý nghiêm minh. Khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra đã có quyết định xử lý theo đúng quy định đối với những nội dung kết luận.

  • Trách nhiệm của chủ sở hữu (UBND tỉnh Đồng Nai) trong vụ án này

Bản Cáo trạng (trang 15) nêu: “Nguyễn Văn Minh không thực hiện báo cáo để Hội đồng thành viên xem xét và trình chủ sở hữu phê duyệt như quy định.” Tuy nhiên:

Khoản 1, khoản 5 Điều 7 Nghị định 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về “Quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty nhà nước” quy định trách nhiệm của Tổng giám đốc như sau:

1. Quý I hàng năm, xây dựng kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; đơn giá tiền lươngđăng ký với đại diện chủ sở hữu

  1. Quý I hàng năm, báo cáo đại diện chủ sở hữu và Sở lao động – Thương binh và Xã hội địa phương kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty”.

Điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 206/2004/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu như sau:

  1. Các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
  2. a) Tiếp nhận đăng ký kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; đơn giá tiền lương; quy chế trả lương, quy chế thưởng và báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty thuộc quyền quản lý;…”

Điểm b khoản 2 Mục IV Thông tư: 07/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nghị định số: 206/2004/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu (UBND tỉnh) như sau: “Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các công ty thuộc quyền quản lý thực hiện theo đúng các quy định của Thông tư này. Đối với công ty thuộc tỉnhthì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh , thành phố xem xét bản đăng ký đơn giá tiền lương của các công ty, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư này”.

Đặc biệt, bút lục số 03318 thể hiện: Ngày 23/09/2010, UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn số: 7794/UBND-KT về việc “Triển khai thực hiện thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/09/2010 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội” với nội dung như sau:

UBND tỉnh Đồng Nai nhận được Thông tư số: 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/09/2010 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm Chủ sở hữu (bản sao kèm theo); Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến như sau:

Giao Sở Lao động, thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, Tổng Công ty phát triển Khu công nghiệp, Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Thông tư số: 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/09/2010 của Bộ lao động, thương binh và xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý.”

Công văn này được gửi tới Sở Lao động, thương binh và xã hội; Sở Tài chính và Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai dể phối hợp thực hiện.

Căn cứ vào Công văn trên của UBND tỉnh Đồng Nai thì việc Công ty XSKT Đồng Nai thực hiện xây dựng đơn giá tiền lương để trình Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai thẩm định là đúng với sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Việc Sở Lao động tỉnh Đồng Nai có thông báo về việc đăng ký đơn giá tiền lương hàng năm chính là sự phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai đối với đơn giá tiền lương do Công ty xây dựng.

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 28/07/2017, ông Minh đã khai về quy trình thực hiện báo cáo, xét duyệt dự toán và duyệt quyết toán của Công ty Xổ số Đồng Nai như sau: “Theo sự phân công của Công ty thì quý I đầu năm, Phòng Tổ chức hành chính chủ trì, phối hợp với Phòng Tài vụ xây dựng dự toán quỹ tiền lương của năm báo cáo tôi. Sau đó tôi ký giấy mời Sở Lao động chủ trì cùng đại diện Sở Tài Chính (Chi cục tài chính doanh nghiệp) đến Công ty Xổ số Đồng Nai để họp thống nhất các số liệu về dự toán xây dựng quỹ tiền lương của công ty, sau khi họp thống nhất các nội dung, đại diện các bên cũng ký biên bản thẩm định quỹ lương. Trên cơ sở số liệu đã được các bên thống nhất, Sở Lao động ký văn bản thông báo đơn giá tiền lương đăng ký đơn giá tiền lương trong năm để Phòng Tài Vụ thực hiện chi, trong đó chi trả tạm ứng tiền lương, thù lao trong năm với mức tối đa không quá 80%.

Như vậy, từ năm 2008 đến năm 2012, ông Minh đều trình Hội đồng thành viên thông qua theo Điều lệ (Việc trình Hội đồng thành viên được thực hiện chung trong buổi họp hội đồng xét duyệt quỹ lương vì các thành viên Hội đồng thành viên đều tham gia họp hội đồng xét duyệt quỹ lương của công ty). Và trình chủ sở hữu (UBND tỉnh Đồng Nai) thông qua các cấp có thẩm quyền (Sở Lao động – Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền lương và Sở Tài chính – Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính doanh nghiệp) theo đúng quy định của pháp luật. Thông báo về việc đăng ký đơn giá tiền lương hàng năm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai là căn cứ pháp lý để Công ty xổ số Đồng Nai chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết luận: “Nguyễn Văn Minh không thực hiện báo cáo để Hội đồng thành viên xem xét và trình chủ sở hữu phê duyệt như quy định” là không có căn cứ và đi ngược với nguyên tắc suy đoán vô tội.

Từ những căn cứ trên, chúng tôi kính đề nghị Quý Cơ quan xem xét đến:

  1. Trách nhiệm của Hội đồng thành viên và Ban Kiểm soát của công ty:

Khoản 5 và khoản 8 Điều 15 Điều lệ năm 2008 của Công ty Xổ số Đồng Nai quy định về “Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thành viên Công ty” như sau: “5. Kiểm tra, giám sát Giám đốc trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và điều lệ này; 8. Báo cáo Chủ sở hữu Công ty kết quả và tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty.” Điểm b khoản 2 Điều 23 Điều lệ năm 2008 của Công ty Xổ số Đồng Nai quy định về “Nhiệm vụ của Kiểm soát viên” như sau: “b) Thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo đánh giá công tác quản lý và các báo cáo khác trước khi trình Chủ sở hữu Công ty hoặc cơ quan Nhà nước có liên quan; trình Chủ sở hữu Công ty báo cáo thẩm định.” Căn cứ vào quy định trên thì Hội đồng thành viên – Chủ tịch hội đồng thành viên là bà Trần Thị Dung và Kiểm soát viên – Trưởng ban kiểm soát là ông Nguyễn Hùng Sơn có nhiệm vụ báo cáo toàn bộ tình hình kinh doanh của Công ty Xổ số Đồng Nai với Chủ sở hữu chứ không phải Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty. Hơn nữa, theo Điều lệ công ty thì Hội đồng thành viên là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại công ty vì vậy, việc ông Nguyễn Văn Minh báo cáo dự thảo đơn giá tiền lương trước Hội đồng thẩm định (bao gồm cả Hội đồng thành viên) cũng chính là báo cáo Chủ sở hữu (UBND tỉnh Đồng Nai).

Chúng tôi kính đề nghị Quý Cơ quan điều tra, xác minh bổ sung để làm rõ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thành viên và Kiểm soát viên trong việc báo cáo Chủ sở hữu các nội dung liên quan đến: Đăng ký kế hoạch sử dụng lao động; quỹ tiền lương theo đơn giá, quỹ tiền lương của viên chức quản lý trong năm; xác định quỹ tiền lương thực hiện, quỹ tiền lương của năm trước liền kề…

  1. Trách nhiệm của chủ sở hữu công ty – UBND tỉnh Đồng Nai:

Khoản 2 Điều 8 Nghị định 206/2004/NĐ-CP và Điểm b khoản 2 Mục IV Thông tư: 07/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nghị định số: 206/2004/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu (UBND tỉnh) như sau:

“- Tiếp nhận đăng ký kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; đơn giá tiền lương; quy chế trả lương, quy chế thưởng và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước liền kề của các công ty thuộc quyền quản lý.

Trường hợp phát hiện những nội dung không đúng với quy định của Nhà nước thì trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận bản đăng ký phải có văn bản yêu cầu công ty thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Khoản 1,2 Điều 7 Nghị định: 86/2007/NĐ-CP của Chính phủ về “Quản lý lao động và tiền lương trong Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ” quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu (UBND tỉnh Đồng Nai) như sau:

“Điều 7. Trách nhiệm của chủ sở hữu:

1. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách lao động, tiền lương của các công ty thuộc quyền quản lý.

  1. Đầu quý I hằng năm, tiếp nhận, xem xét và có ý kiến về đơn giá tiền lương của công ty; thẩm định quỹ tiền lương kế hoạch, quyết định tạm ứng tiền lương, tiền thưởng và quyết định việc hoàn trả phần tiền lương, tiền thưởng hưởng quá mức quy định của Nhà nước đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc và Kiểm soát viên”.

Từ những quy định trên cho thấy trách nhiệm của Chủ sở hữu (UBND tỉnh Đồng Nai) trong quản lý tiền lương đã được luật hóa – bắt buộc phải thực hiện. Trong vụ án này có hai trường hợp như sau:

*)Trường hợp thứ nhất: UBND tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận, xem xét đơn giá tiền lương của Công ty xổ số Đồng Nai thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Thông tư: 07/2005/TT-BLĐTBXH. Trên thực tế, hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đều có công văn gửi các công ty nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về việc đăng ký đơn giá tiền lương.

Ví dụ: Năm 2008, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã có Công văn số: 303/LĐ-TBXH-CSLĐ ngày 04/03/2008 về việc đăng ký đơn giá tiền lương năm 2008 gửi các công ty nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó nêu: “Để thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại văn bản số 514/LĐTBXH-LĐTL ngày 19/02/2008 về việc triển khai xây dựng đơn giá tiền lương năm 2008 trong các công ty nhà nước. Để thực hiện tốt việc quản lý lao động, tiền lương trong các công ty Nhà nước, Sở Lao động – TBXH đề nghị các công ty nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xây dựng và đăng ký đơn giá tiền lương…Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan sẽ tổ chức họp xét duyệt đơn giá tiền lương cho các công ty trong tháng 4 năm 2008.” Công văn số 514/LĐTBXH-LĐTL ngày 19/02/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu: Căn cứ quy định của Chính phủ tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ; Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 và Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo các công ty 100% vốn nhà nước thuộc quyền quản lý sớm thực hiện việc xây dựng đơn giá tiền lương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

Như vậy, việc tiếp nhận, xem xét và có ý kiến đối với đơn giá tiền lương của Chủ sở hữu (UBND tỉnh Đông Nai) đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai thực hiện theo đúng quy định. Một lần nữa chúng tôi có thể khẳng định rằng: Công ty xổ số Đồng Nai đã báo cáo và đăng ký đơn giá tiền lương với Chủ sở hữu (UBND tỉnh Đồng Nai). Việc thực hiện đơn giá tiền lương của công ty đã được sự cho phép của UBND tỉnh Đồng Nai.

*) Trường hợp thứ hai: Nếu ông Minh (Tổng giám đốc Công ty xổ số Đồng Nai không thực hiện báo cáo đơn giá tiền lương để Hội đồng thành viên xem xét, chủ sở hữu phê duyệt như Bản Kết luận và Cáo trạng đã nêu thì trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai, của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai như thế nào?

Thứ nhất, pháp luật đã quy định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các công ty xây dựng đơn giá tiền lương. Từ năm 2008 đến năm 2012, nếu ông Minh đều không báo cáo, đăng ký đơn giá tiền lương với UBND tỉnh Đồng Nai, vậy tại sao UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai không có bất cứ một văn bản nào nhắc nhở/yêu cầu Công ty xổ số Đồng Nai thực hiện. Phải chăng, Công ty xổ số Đồng Nai đã đăng ký đơn giá tiền lương với UBND tỉnh Đồng Nai thông qua Sở Lao động nên UBND tỉnh không có ý kiến gì.

Thứ hai, Bản Kết luận điều tra nêu: “Để Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thùy Oanh thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước kể trên có phần trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai. UBND tỉnh Đồng Nai đã không thực hiện đúng trách nhiệm của chủ sở hữu như quy định tại Điều 7 Nghị định số: 86/2007/NĐ-CP. Cụ thể: Hàng năm, không thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách lao động tiền lương của công ty; không yêu cầu công ty trình các báo cáo về lao động tiền lương để thẩm định, cho ý kiến về đơn giá tiền lương; quyết định quỹ lương đối với viên chức quản lý. Chậm trễ trong việc ủy quyền, phân công, giao trách nhiệm cho các sở ngành chuyên môn thực hiện thay mặt chủ sở hữu để thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.” Nếu căn cứ vào kết luận trên của Cơ quan CSĐT thì UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu của hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2005. Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, Viện kiểm sát ND tối cao không xem xét đến trách nhiệm hình sự của UBNB tỉnh Đồng Nai, của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong vụ án này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, không công bằng (khi khởi tố bà Trần Thị Dung về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cùng với những hành vi như trên).

Tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 11/10/2019, ông Lâm Duy Tín, Khương Thái Học xác nhận khi luật sư thẩm vấn rằng: từ năm 2008 đến năm 2012, UBND tỉnh chỉ có quyết định 87 giao cho Sở Lao động thương binh xã hội xem xét, thẩm định vấn đề tiền lương đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 2013, mới có văn bản số 2572 QĐ – UBND ngày 16/08/2013 về việc phân cấp, phân quyền.

Như vậy, giai đoạn năm 2008 – 2012, UBND tỉnh Đồng Nai là chủ sở hữu Công ty nhưng không giao trách nhiệm hay ủy quyền cụ thể cho các sở là cơ quan trực thuộc tỉnh, buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm, khiến các bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa như ngày hôm nay thì phải chịu trách nhiệm chính.

Từ những căn cứ nêu trên, chúng tôi kính đề nghị Quý Tòa xem xét, làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong vụ án này.

  1. Đề nghị của luật sư:

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: VKSND  tối cao truy tố Cáo buộc ông Nguyễn Văn Minh phạm tội “Tham ô tài sản” theo điểm a, b khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015 là không đúng người đúng tội, không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Dấu hiệu sai phạm của thân chủ chúng tôi thể hiện ở “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì vậy, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn bộ nội dung vụ án một khách quan, toàn diện cùng những phân tích, đánh giá trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Qua những phần trình bày nêu trên, luật sư đề nghị như sau:

– Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 298 Bộ Luật tố tụng hình sự, xử bị cáo Nguyễn Văn Minh về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015, khác với tội danh “Tham ô tài sản” mà VKSND tối cao đang truy tố.

Tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!

Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp.

Hình ảnh tại phiên tòa

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT THUẬN THIÊN

Giám đốc - Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Trụ sở chính:  Số 3 ngách 168/46/7/2 Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Hà Nội: Tầng 4, toà nhà Hoàng Vương, số 31 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Quảng Nam: Số 174 Văn Tiến Dũng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng luật sư TPHCM: Tòa nhà 68 Lộc Phát, số 68 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh..
Tổng đài : 1900.8686.64
Email: luatthuanthien@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatthuanthien.com
www.thuanthienlawfirm.com
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcLuật sư tranh tụng vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Bài tiếp theoLuật sư tranh tụng vụ án “Cố ý gây thương tích” tại Hà Nội