Home Bản án & Án lệ Luật sư tranh tụng vụ án “Hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ”

Luật sư tranh tụng vụ án “Hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ”

Luật sư tranh tụng vụ án “Hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ”

(LỜI DẪN) Bản luận cứ bào chữa bị cáo Vàng Seo Pao,Vàng Seo Phù, Vàng Seo Tráng, Vàng Văn Bình trong vụ án “Hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ” tại Hoàng Su Phì, Hà Giang

Nạn chặt phá rừng ở Việt Nam hiện nay đang trở thành vấn đề hàng đầu cần được giải quyết triệt để. Hiện diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về quy hoạch đất rừng hợp lý; bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, nhà cửa để phục vụ cho việc di canh di cư.

Điển hình cho một vụ án về “ Hủy hoại rừng và Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang với bốn bị cáo Vàng Seo Phù, Vàng Văn Bình, Vàng Seo Pao, Vàng Seo Tráng. Cả 04 bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp. Với mong muốn trồng cây chè và thảo quả để phát triển kinh tế thoát khỏi khăn, nghèo nàn, lạc hậu. Đồng thời, do ảnh hưởng của tập quán địa phương đã tồn tại từ lâu đời và điều kiện thông tin tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng còn hạn chế nên đã dẫn đến hành vi hủy hoại rừng.

Tại bản Cáo trạng của Viện kiểm sát Truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Hoàng Su Phì để xét xử các bị can Vàng Seo Phù, Vàng Văn Bình về tội Hủy hoại rừng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 và tội Chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS 2015; Truy tố các bị can Vàng Seo Pao, Vàng Seo Tráng về Tội chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS 2015.

Tuy nhiên sau khi được Luật sư Nguyễn Trung Tiệp bào chữa dựa trên các căn cứ quy định của pháp luật, kết quả đã bảo vệ thành công cho các bị cáo: Theo đó bị cáo Tráng được hưởng án treo; Bị cáo Phù, Bình được giảm 1 năm; Bị cáo Pao được giảm 4 tháng.

BẢN LUẬN CỨ  BÀO CHỮA

VỤ VÀNG SEO PHÙ

(Trong vụ án “Hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ” tại

huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang)

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự phúc thẩm hôm nay!

Tôi là Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Thuận Thiên – Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời luật sư của bị cáo và được sự chấp thuận của TAND tỉnh Hà Giang. Tôi tham gia phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho các anh: Vàng Seo Phù, Vàng Văn Bình, Vàng Seo Pao, Vàng Seo Tráng bị truy tố, xét xử về tội “Hủy hoại rừng và chống người thi hành công vụ” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 và khoản 1 Điều 330 BLHS 2015.

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay. Tôi xin trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  • Về tội danh

Thứ nhất: về tội hủy hoại rừng

Một là: về hành vi khách quan:

Biên bản hỏi cung bị can ngày 16/11/2021 – Bl 537-538 Vàng Seo Phù khai:

“Tôi và Bình con trai tôi cùng chặt phá rừng phòng hộ thôn Nậm Piên thuộc lô 28 khoảnh 17, lô 172 khoảng 28 tiểu khu 204B với tổng diện tích là 3.623m2. Còn lô 36a, khoảnh 8 tiểu khu 204B thuộc rừng phòng hộ thôn Tân Minh với tổng diện tích là 624 m2 là một mình tôi thực hiện”.

Biên bản ghi lời khai ngày 26/10/2021 – Bl 329-330 của Bình như sau:

“Vào năm 2018 và năm 2019 tôi cùng bố tôi là Vàng Seo Phù và vợ tôi là Sùng Thị Xóa đi trồng thảo quả ở khu vực ao tiên thuộc rừng phòng hộ thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty. Đến tháng 02/2021, bố tôi là ông Phù gọi tôi cùng đi chặt cây cối để cây thảo quả phát triển. Tôi cùng bố tôi đi chặt cây cối ở khu vực đã trồng thảo quả trước đó”

Lời khai của Phù, Bình phù hợp với lời khai của người làm chứng là Sùng Khai Hùng tại các Bl 350-351 như sau:

“Việc tố giác ông Vàng Seo Phù chặt phá rừng là đúng sự thật, vì ông Phù phát rừng trồng thảo quả gần khu vực nhà tôi, nhà tôi đã trồng thảo quả từ trước. Tôi gặp ông Phù nhiều lần, tôi không nhớ ngày, vào hồi tháng 6-7 /2020 ông Phù cùng con trai đi chặt phá tôi gặp được 01 lần”.

Như vậy, Vàng Seo Phù và Vàng Văn Bình đã nhiều lần thực hiện hành vi dùng dao phát cỏ, chặt hạ cây cối và hủy hoại toàn bộ thảm thực vật tự nhiên để trồng cây thảo quả tại Lô 28, khoảnh 17 và Lô 1, 2 khoảnh 28 tiêu khu 204B thuộc rừng phòng hộ thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì. Với tổng diện tích rừng bị hủy hoại là 3.623m2, số lượng cây chặt phá là 10.869 cây, có giá trị là 75.135.000 đồng (theo KLĐGTS số 428/KL – HĐĐGTS ngày 05/10/2021 của HĐĐGTS trong tố tụng hình sự huyện Hoàng Su Phì). Hành vi của các bị cáo không những xâm phạm đến tài nguyên quốc gia, chế độ quản lý rừng của Nhà nước mà  còn trực tiếp hủy hoại môi trường sinh thái, dẫn đến biến đổi khí hậu.

Hai là: về ý thức chủ quan

Việc các bị cáo chặt cây cối và thực vật trên diện tích đất rừng đối tượng là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để trồng cây thảo quả, thu lợi cá nhân. Nhưng do nhận thức, hiểu biết hạn chế về ý nghĩa, công dụng của rừng là tài nguyên quý của đất nước, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế của đất nước và đời sống của nhân dân nên đã vi phạm pháp luật.

Ba là: về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội.

Các bị cáo đều là người dân tộc Mông, sống ở vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp. Với mong muốn trồng cây chè và thảo quả để phát triển kinh tế thoát khỏi khăn, nghèo nàn, lạc hậu.Đồng thời, do ảnh hưởng của tập quán địa phương đã tồn tại từ lâu đời và điều kiện thông tin tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng còn hạn chế nên mới dẫn đến hành vi hủy hoại rừng. Vì vậy, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.

Thứ hai: về tội chống người thi hành công vụ    

Do có nghi ngờ lực lượng hạt kiểm lâm Hoàng Su Phì nhổ cây thảo quả của gia đình trồng ở khu vực rừng phòng hộ Nậm Tiên, sáng ngày 13/9/2021, biết tổ công tác của lực lượng hạt kiểm lâm lên rừng để xác định thiệt hại rừng bị chặt phá. Vàng Seo Phù là người khởi xướng rủ dê Vàng Văn Bình, Vàng Seo Pao và Vàng Seo Tráng cùng thực hiện hành vi đe dọa dao, dùng cây vầu chắn ngang đường, sử dụng ván có đóng đinh đặt ra giữa đường lên khu vực rừng phòng hộ thuộc thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty nhằm ngăn cản không cho tổ công tác của Hạt kiểm Lâm huyện Hoàng Su Phì và UBND xã Nậm Ty lên khu vực rừng phòng hộ để thi hành công vụ. Khi Phù, Pao, Bình, Tráng đang có hành vi cản trở thi hành công vụ thì bị Công an xã Nậm Ty bắt quả tang, thu giữ tang vật của vụ án.

 Như vậy, VKSND huyện Hoàng Su Phì truy tố đối với 04 bị cáo về tội chống người thi hành công vụ, phù hợp với lời khai của những người liên quan, các nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường (Bl 153-155), bản ảnh hiện trường (Bl 156-162), biên bản thực nghiệm điều tra (Bl 184-204), biên bản kiểm tra điện thoại (210-213), là đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

2- Về đồng phạm

Thứ nhất: về tội Hủy hoại rừng:

Căn cứ theo Điều 17 BLHS năm 2015, tính chất đồng phạm của các bị cáo là rõ ràng, các bị cáo đều thống nhất thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này có 02 bị cáo, cần phải cá thể hóa, phân hóa TNHS để làm rõ vai trò của từng người. Vàng Seo Phù là người khởi xướng, thực hành tích cực, còn Vàng Văn Bình với vai trò là người giúp sức nhưng với vai trò không đáng kể.

Thứ hai: về tội Chống người thi hành công vụ:

Trong vụ án này có sự tham gia của 04 bị cáo, tuy nhiên các bị cáo không có sự tổ chức bàn bạc, phân công nhiệm vụ từ trước, không cấu kết chặt chẽ. Do đó, tính chất đồng phạm của các bị cáo được xét là đồng phạm giản đơn. Song, cần phải cá thể hóa, phân hóa TNHS để làm rõ vai trò của từng người. TAND huyện Hoàng Su Phì nhận định: Vàng Seo Phù là người khởi xướng, rủ rê cản trở người thi hành công vụ, còn các bị cáo còn lại với vai trò là người thực hành. Đối với các bị cáo Vàng Văn Bình, Vàng Seo Pao, Vàng Seo Tráng căn cứ vào khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015 và mục 4 công văn số 01/2017/GĐ – TANDTC ngày 07/04/2017 của TANDTC hướng dẫn thì các bị cáo trên chỉ là người giúp sức tích cực, giữ vai trò thứ yếu trong vụ án.

  • về tình tiết giảm nhẹ

Một là: trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm hôm nay các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s, khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.

Hai là: cả bốn bị cáo đều bị truy tố, xét xử đối với tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ cho bị cáo Pao và Tráng được hưởng tình tiết giảm nhẹ này, đối với Phù và Bình không được hưởng. Đây là thiếu xót trong việc nhận định và áp dụng pháp luật của Tòa sơ thẩm. Chúng tôi đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm cho bốn bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ như nêu trên.

Ba là: đối với bị cáo Vàng Seo Phù và Vàng Văn Bình đã nộp tiền bồi thường thiệt hại số tiền là 4.200.000 đồng theo Biên lai thu tiền ngày 01/4/2022, hai bị cáo đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.

Bốn là: về gia đình

Các bị cáo đều là lao động chính trong gia đình và làm công việc tự do, thu nhập không ổn định. Vợ đều không có nghề nghiệp, chỉ làm ruộng.

Bên cạnh đó, bố đẻ/ ông nội của các bị cáo là ông Vàng Seo Sự từng tham gia dân công hỏa tuyến tại quân khu 2 được hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn nữa, Vàng Seo Pao và Vàng Seo Tráng có bố vợ của Pao (tức ông ngoại của Tráng) là ông Cù Seo Thống được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến Hạng Nhì vì có công lao, thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh trai vợ của Pao (bác của Tráng) là Cù Mìn Tráng được Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng tặng Huy chương kháng chiến Hạng Nhì vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1986.

Gia đình các bị cáo đã có đơn xin xác nhận hoàn cảnh gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương là UBND xã Nậm Ty.

Năm là: về nhân thân:

Các bị cáo đều chưa có tiền án tiền sự, thuộc trường hợp phạm tội lần đầu. Là người dân tộc Mông, sinh sống ở vùng sâu vùng xa, kinh tế đặc biệt khó khăn. Trình độ văn hóa thấp nên phạm tội do thiếu hiểu biết về pháp luật.

– Đối với Vàng Seo Phù: là chủ hộ gia đình được UBND xã Nậm Ty tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ mọi chi tiêu kế hoạch làm ăn phát triển kinh tế năm 2006 – 2008.

– Đối với Vàng Seo Pao: Vàng Seo Pao từng tham gia Dân công hỏa tuyến có chứng nhận của Bộ Tư Lệnh quân khu 2 được hưởng chế độ theo quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Pao cũng được Chính Ủy quân khu 2 có quyết định số 522/QĐ-BTL ngày 02/07/2015 cho được hưởng trợ cấp vì trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ.

Vàng Seo Pao là Đảng viên với 29 năm tuổi Đảng. Từng là cán bộ, bí thư Đoàn Thanh niên xã từ năm 1996 – 1998. Làm trưởng thôn Nậm Piên từ 1999 – 2000. Làm cán bộ chuyên trách xã Nậm Ty từ tháng 8/1994 – 2000.

Quá trình công tác Vàng Seo Pao được tặng nhiều giấy khen, bằng khen như: Quyết định số 06 ngày 12/01/1996; Quyết định số 01 ngày 27/01/1997 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì; Quyết định số 72 ngày 30/12/1998 của Bí thư ban chấp hành Đoàn TNCS huyện Hoàng Su Phì; Quyết định số 41/QĐ-ĐTN ngày 15/03/1999 của Chi cục Kiểm lâm Hà Giang; Quyết định số 613 ngày 25/12/2000 của Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Hoàng Su Phì..vv… Đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v, khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.

Vì vậy, đề nghị HĐXX cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo xuất trình các tài liệu, chứng cứ mới. Đây là những tình tiết mới để HĐXX xem xét sửa bản án sơ thẩm.

4- Đề nghị của Luật sư:

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: các bị cáo đều là người dân thiểu số, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo và sự thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã chặt phá rừng để trồng cây thảo quả và cây chè dẫn đến hành vi phạm tội. Do đó, xét thấy không cần phải cách ly đối với các bị cáo Vàng Văn Bình, Vàng Seo Pao và Vàng Seo Tráng ra khỏi đời sống xã hội. Điều này sẽ giúp các bị cáo được lao động, làm việc giúp đỡ gia đình, cải tạo sửa chữa sai lầm thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước và pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị như sau:

1- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 sửa bản án sơ thẩm;

2- Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 17; Điều 38; điểm i, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 58 BLHS 2015 đối với 04 bị cáo; điểm b khoản 1 Điều 51 đối với bị cáo Phù và Bình. Riêng đối với bị cáo Pao do có nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình công tác nên đề nghị HĐXX cho hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS.

3- Đối với các bị cáo Vàng Văn Bình, Vàng Seo Pao, Vàng Seo Tráng chỉ là người giúp sức cho bị cáo Vàng Seo Phù trong vụ án, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng Điều 65 BLHS; Nghị quyết số 02/2018 ngày 15/5/2018 của HĐTP TANDTC; Nghị quyết 01/2022 ngày 15/4/2022 của HĐTP TANDTC giảm nhẹ thấp nhất khung hình phạt và cho 03 bị cáo này được hưởng án treo.

Tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!

Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Chia sẻ