Luật sư tranh tụng vụ án mua bán hóa đơn

0
143

Tội mua bán hóa đơn, tội mua bán hóa đơn trái phép là những tên thường gọi của tội phạm mua bán về hóa đơn được quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015, là một trong những loại tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính tại Mục 2 của Bộ luật này.

Theo đó, tội mua bán hóa đơn có tên đầy đủ là Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Hành vi mua bán trái phép hóa đơn được hiểu là hành vi mua đi bán lại hóa đơn không được phép mua bán theo quy định pháp luật để thu lợi. Hóa đơn không được phép mua bán có thể là hóa đơn giả, hóa đơn được in ấn đúng quy định nhưng được lập không đúng với hàng hóa, dịch vụ…

Người có hành vi mua bán trái phép hóa đơn nếu không có đủ dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội mua bán trái phép hóa đơn tại Điều 203 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trốn thuế.

Dưới đây là một vụ án về tội “Mua bán trái phép hoá đơn” tại trường tiểu học nậm khắt Mù cang Chải- Yên Bái. Kết quả vụ án: Luật sư Nguyễn Trung Tiệp và luật sư đồng nghiệp đã bằng kiến thức pháp luật và những lập luận chặt chẽ đã bào chữa thành công cho hai bị cáo Lân và An được miễn trách nhiệm hình sự.

BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA

BỊ CÁO PHẠM THỊ LÂN VÀ HÀ MINH AN

(TRONG VỤ ÁN “MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN”

TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC NẬM KHẮT MÙ CANG CHẢI – YÊN BÁI)

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm nay!

Tôi là Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Thuận Thiên – Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời luật sư của bị cáo và được sự chấp thuận của TAND huyện Mù Cang Chải. Tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho bà Phạm Thị Lân và ông Hà Minh An bị truy tố, xét xử về tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn” theo điểm d khoản 2 Điều 203 BLHS 2015.

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay. Tôi trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  1. Về nội dung vụ án

Thứ nhất: việc mua bán giữa trường tiểu học Nậm Khắt với các hộ/cơ sở kinh doanh đều có hợp đồng kinh tế, chứng từ hóa đơn, phiếu xuất nhập kho, biên bản thanh lý hợp đồng đầy đủ chứng minh nguồn gốc nơi mua hàng hóa rõ ràng. Như vậy, việc mua hàng là có thật, về thủ tục pháp lý đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Thời gian bà Phạm Thị Lân làm hiệu trưởng trường tiểu học Nậm Khắt có ban hành quy chế/quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ, giáo viên nhà trường (năm học 2018 – 2019, vào tháng 9/2018). Do đó, bà Lân không có chỉ đạo các cán bộ, giáo viên nhà trường như Hà Minh An, Đoàn Thuận Thiên, Nguyễn Thanh Bình, Thào A Hồng mua bán trái phép hóa đơn, mà việc họ liên hệ mua bán hàng hóa với các cơ sở kinh doanh, sau đó lấy hóa đơn ở chỗ cửa hàng của bà Biết là theo đúng chức năng nhiệm vụ của họ đã được cụ thể hóa trong quy chế phân công nhiệm vụ của nhà trường và đúng thực tế.

Thứ ba: nguyên nhân khách quan

Một là: khi mua một số hàng hóa như văn phòng phẩm, chăn đệm, chậu hoa, cây cảnh, tạp hóa..của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở nhiều địa phương tỉnh Yên Bái như ở TP. Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải..các hộ kinh doanh này có đặc điểm chung là kinh doanh nhỏ lẻ, theo hình thức nộp thuế khoán, không có chức năng xuất hóa đơn). Bởi thế, khi cần có hóa đơn và tìm hiểu rõ thông tin: các cơ sở bán hàng này có mối quan hệ kinh doanh với hộ kinh doanh của bà Long Thị Biết và họ giới thiệu đến đó để lấy hóa đơn.

Tôi đã tiến hành xác minh lấy ý kiến, lời khai của các hộ kinh doanh là những đơn vị đã bán hàng hóa cho trường Nậm Khắt, họ cho biết như sau:

Biên bản xác minh ngày 12/11/2019 ông Đào Minh Thảo là chủ nhà vườn Thảo Bích, có địa chỉ tại tổ11, phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái cho biết:

“Do nhà vườn Thảo Bích và bà Long Thị Biết có hợp tác kinh doanh và có hợp đồng. Hơn nữa, bà Biết có đăng ký việc xuất hóa đơn với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, khi trường Nậm Khắt mua chậu, cây cảnh của nhà vườn Thảo Bích thì tôi giới thiệu họ đến gặp bà Long Thị Biết để lấy hóa đơn”.

Biên bản xác minh ngày 22/11/2019 ông Phạm Văn Khải là chủ nhà hàng ăn uống, có địa chỉ tại bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải trình bày:

“Do cửa hàng của tôi kinh doanh nhỏ lẻ và điều kiện ở Nậm Khắt là vùng xa xôi nên cửa hàng của tôi không đăng ký xuất hóa đơn khi khách yêu cầu. Tôi và bà Long Thị Biết có mối quan hệ hợp tác kinh doanh và quen biết nhau. Khi trường tiểu học Nậm Khắt đặt cơm của cửa hàng tôi thì tôi có giới thiệu họ đến của hàng của bà Biết để lấy hóa đơn”.

Từ những dẫn chứng nêu trên cho thấy, việc mua bán hàng hóa giữa trường tiểu học Nậm Khắt với các hộ kinh doanh là có thật. Tuy nhiên, do đặc thù về kinh doanh của các hộ này đa số nhỏ lẻ, lại không đăng ký chức năng xuất hóa đơn với các cơ quan Nhà nước. Bởi thế, việc phối hợp làm ăn giữa các hộ kinh doanh là sự hỗ trợ cần thiết với nhau đáp ứng thực tế.

Hai là: Do yêu cầu của Phoàng Tài chính – Kế hoạch huyện Mù Cang Chải khi mua hàng hóa, dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên, không phân biệt quyết toán nguồn vốn Ngân sách nhà nước hay nguồn vốn xã hội hóa, phải có hóa đơn bán hàng do ngành thuế phát hành. Vì vậy, khi nhà trường có mua hàng hóa, dịch vụ của một số hộ kinh doanh ở địa phương nhưng không có hóa đơn bán hàng (vì đa số các hộ kinh doanh đều là nhỏ lẻ, kinh doanh theo hình thức nộp thuế khoán, không có chức năng xuất hóa đơn). Bởi thế, khi cần có hóa đơn và tìm hiểu rõ thông tin: các cơ sở bán hàng này có mối quan hệ kinh doanh với hộ kinh doanh của bà Long Thị Biết và họ giới thiệu đến đó để lấy hóa đơn. Cho nên, đến đầu năm 2017, khi kế toán nhà trường đã báo cáo bị cáo Lân là hiệu trưởng nhà trường và ban giám hiệu là các đơn vị cung cấp hàng hóa không xuất được hóa đơn. Do đó, để khắc phục quyết toán các nguồn từ 2014 đến tháng 10/2018, bị cáo Lân mới đồng ý để các bộ phận làm quyết toán nhờ cửa hàng bà Long Thị Biết xuất hóa đơn giúp.

Như vậy, xuất phát từ thực tế trong việc mua bán hàng hóa phục vụ cho nhà trường là nhu cầu rất cần thiết và có thật. Hơn nữa, là do yêu cầu cảu phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Mù Cang Chải để làm quyết toán, báo cáo tài chính..Trong việc mua hàng hóa này, bị cáo Lân với cương vị là hiệu trưởng và bị cáo An là phó hiệu trưởng phụ trách về vật chất của nhà trường, không hề tư lợi cá nhân và không tham ô, tham nhũng. Vì thế, về ý thức chủ quan và hành vi của 02 thân chủ tôi cùng các cá nhân khác trong nhà trường đều không có động cơ, mục đích vụ lợi, chiếm đoạt tài sản hay ngân sách Nhà nước làm lợi cho bản thân. Tất cả đều vì việc chung là đảm bảo duy trì các hoạt động của nhà trường. Đặc biệt trường tiểu học Nậm Khắt cũng không có dấu hiệu mua hóa đơn vì mục đích trốn thuế. Đơn vị này luôn hoàn thành báo cáo tài chính, ngân sách với cơ quan nhà nước hàng năm, không bị thanh tra sai phạm gì.

Thứ tư: Thực tiễn cho thấy, hộ kinh doanh của bà Long Thị Biết được thành lập và hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 16E8000340, do phòng Tài chính – kế hoạch huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cấp ngày 24/03/2001; Ngày 24/07/2008, Hộ kinh doanh cá thể Long Thị Biết được Chi cục thuế huyện Mù Cang Chải cấp sổ mua hóa đơn và cấp mã số thuế: 5200102248, đã đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2001; đăng ký lần 2 vào năm 2010 và đăng ký lần thứ 3 vào năm 2017. Ngành nghề kinh doanh chính là: bánh kẹo, nước giải khát; nghỉ trọ bình dân; văn phòng phẩm, đồ dân dụng, hoa tươi, thực phẩm…

Trong biên bản xác minh của luật sư ngày 13/11/2019, bà Biết trình bày:

“Cửa hàng của tôi có chức năng xuất hóa đơn đỏ do chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải chứng nhận và cho phép từ khoảng năm 2007 đến nay. Cửa hàng của tôi có bán tất cả loại tạp hóa và bán cơm cho trường Nậm Khắt, giữa tôi và các cửa hàng đã bán hàng cho trường tiểu học Nậm Khắt trong những năm qua là tôi đã có sự hợp tác giữa các cửa hàng và xuất hóa đơn cho trường Nậm Khắt”.

Tại phiên tòa ngày hôm nay, bị cáo Long Thị Biết xuất trình thêm chứng cứ Tài liệu là các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các cửa hàng như: Nguyễn Thị Tâm ở số nhà 26, phường Trung Tâm thị xã Nghĩa Lộ; nhà vườn Thảo Bích ở tổ 45, phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái vv..Điều này khẳng định vững chắc việc hợp tác giữa các hộ kinh doanh là có thật.

Như vậy, việc mua bán các loại hàng hóa của nhà trường với cửa hàng bà Long Thị Biết đã diễn ra là phù hợp trên các hóa đơn, chứng từ. Đối với việc cửa hàng của bà Biết do đã đăng ký với Chi cục thuế và có chức năng xuất hóa đơn. Bên cạnh đó, cửa hàng bà Long Thị Biết lại có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các hộ kinh doanh khác, nên khi trường tiểu học Nậm Khắt mua hàng của họ và được giới thiệu đến lấy hóa đơn của bà Biết thì điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Nghị định số 51/2010/NĐ – CP ngày 14/05/2010 của Chính Phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:

“Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ

  1. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ có quyền:
  2. a) Tạo hóa đơn để sử dụng nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định này;
  3. b) Được mua hóa đơn do Cục Thuế phát hành;
  4. c) Sử dụng hóa đơn hợp pháp để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh”.

Thứ năm: về nguồn vốn xã hội hóa trong các hóa đơn

Trong số 46 hóa đơn kèm chứng từ kế toán ghi đơn vị bán hàng Long Thị Biết và đơn vị mua hàng là trường tiểu học Nậm Khắt với tổng số tiền là: 443.773.000 đồng thì có: 13 hóa đơn để quyết toán nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp và rút tiền mặt từ kho bạc Nhà nước huyện Mù Cang Chải giá trị là: 135. 980.000 đồng; 19 hóa đơn trường sử dụng quyết toán nguồn kinh phí xã hội hóa do cha mẹ học sinh đóng góp trị giá: 142.997.000 đồng; 14 hóa đơn dùng quyết toán nguồn kinh phí xã hội hóa do cán bộ giáo viên của trường đóng góp trị giá: 164.796.000 đồng.

Biên bản ghi lời khai ngày 06/11/2018 – Bl 219, bị cáo Lân trình bày:

– “Nguồn vốn xã hội hóa do giáo viên đóng góp được hình thành từ việc làm thêm giờ vào ngày nghỉ của giáo viên. Theo quy định của Nhà nước được hỗ trợ tiền hỗ trợ thêm giờ ngoài lương tùy theo từng hệ số.  nhà trường họp cùng tất cả giáo viên thống nhất là: các giáo viên tự nguyện không nhận tiền làm thêm giờ, mà đóng góp cho nhà trường làm quỹ sử dụng chi tiêu phục vụ hoạt động chung của nhà trường và hỗ trợ các giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng, hỗ trợ cho tết nguyên đán, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ..

– Nguồn vốn xã hội hóa do phụ huynh đóng góp được hình thành từ việc do phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp, nhưng do các phụ huynh khọc sinh không có tiền để đóng góp nên đã thống nhất với nhà trường sử dụng gạo thừa bán quy đổi thành tiền để đóng góp. Nguồn vốn này được nhà trường mua đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như chăn, đệm, khăn mặt, thuốc đánh răng, chổi, giấy vệ sinh… nguồn vốn này chỉ sử dụng cho học sinh bán trú”.

Như vậy, Trong tổng số 61 hóa đơn mà CQĐT, VKSND tỉnh Yên Bái quy kết thì có 46 hóa đơn trường tiểu học Nậm Khắt có liên hệ lấy từ cửa hàng kinh doanh của  hộ bà Long Thị Biết. Trong đó có 33 hóa đơn là nguồn xã hội hóa. Điều này cho thấy việc trường tiểu học Nậm Khắt sử dụng kinh phí từ nguồn vốn xã hội hóa là để duy trì các hoạt động thường xuyền của nhà trường vì đây là trường có đặc thù thuộc vùng cao và vùng kinh tế khó khăn

2- về tố tụng

Thứ nhất: tại trang 6 – 7 của bản cáo trạng có nêu: “…Trong số 61 hóa đơn khống này, có 28 số hóa đơn được sử dụng để làm chứng từ thanh quyết toán kinh phí từ ngân sách Nhà nước, 33 số hóa đơn khống còn lại được sử dụng để làm chứng từ thanh quyết toán nguồn kinh phí xã hội hóa do cha mẹ học sinh và giáo viên nhà trường đóng góp”.

Tuy nhiên, việc VKSND tỉnh Yên Bái vẫn truy tố tôi về tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ Luật hình sự năm 2015 là không đúng. Bởi lẽ:

Một là: điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định:

“Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên”.

Như vậy, căn cứ vào điều văn điều luật quy định cũng như con số 28 hóa đơn là chứng từ thanh quyết toán kinh phí từ ngân sách Nhà nước mà cáo trạng viện dẫn thì việc truy tố tôi theo khoản 2 là không đúng, mang tính cố tình áp đặt trách nhiệm hình sự của VKSND tỉnh Yên Bái đối với 02 thân chủ tôi. (Trong trường hợp này, giả thiết tôi có tội, thì chỉ truy tố tôi theo khoản 1 Điều 203 mới đúng).

Hai là: trong số 46 hóa đơn kèm chứng từ kế toán ghi đơn vị bán hàng Long Thị Biết và đơn vị mua hàng là trường tiểu học Nậm Khắt thì có 13 hóa đơn để quyết toán nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp và rút tiền mặt từ kho bạc Nhà nước huyện Mù Cang Chải, 19 hóa đơn trường sử dụng quyết toán nguồn kinh phí xã hội hóa do cha mẹ học sinh đóng góp, 14 hóa đơn dùng quyết toán nguồn kinh phí xã hội hóa do cán bộ giáo viên của trường đóng góp.

Như vậy, với tổng số 33 hóa đơn là nguồn kinh phí xã hội hóa, tức không phải  tiền của ngân sách Nhà nước, việc cáo trạng của VKSND tỉnh Yên Bái buộc tội bắt 02 thân chủ tôi phải chịu trách nhiệm là rất vô lý, không có căn cứ.

Thứ hai: về đồng phạm trong vụ án

Bản kết luận điều tra và Cáo trạng đều quy kết trong vụ án này, bị cáo Phạm Thị Lân giữ vai trò chính, Hà Minh An với vai trò giúp sức, Long Thị Biết là người thực hành tích cực. Song, như trên đã nhận định, phân tích, luật sư cho rằng hành vi của bị cáo Lân,  bị cáo An không đủ yếu cấu thành tội phạm. Do đó, không phải là đồng phạm với bị cáo Long Thị Biết trong vụ án này. Bởi vậy, kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Yên Bái là không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp, danh dự, uy tín của 02 thân chủ tôi.

Thứ ba: ngay sau khi nhận được quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bản kết luận điều tra, bị cáo Phạm Thị Lân đã không đồng tình với những quyết định trên của CQCSĐT Công an tỉnh Yên Bái và có ý kiến. Song, không được xem xét, giải quyết. Thực tế trong một số lần lời khai, các Điều tra viên không đồng ý với lời khai của bị cáo, luôn bắt bị cáo phải khai báo, trình bày theo ý chủ quan và ghi chép của họ. Dẫn đến việc khai báo trong các bản cung của thân chủ tôi luôn bị bẻ cong, bóp méo không đúng sự thật.

Thứ tư: việc VKSND tỉnh Yên Bái gửi bà Phạm Thị Lân “Phiếu chuyển đơn” ngày 17/10/2019 mà không giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 là không đúng về trình tự, có tính đùn đẩy trách nhiệm, né tránh. Vì những kết luận, quyết định truy tố trong bản cáo trạng số 40/CT-VKS-P2 ngày 07/10/2019 do phó Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái ký, đóng dấu ban hành không đúng người, đúng tội làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của thân chủ tôi tôi. Như vậy, việc bà Lân có khiếu nại lần đầu chỉ sau 02 ngày nhận được bản cáo trạng là đúng thời hạn và thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái.

 

  1. ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ:

Từ những nhận định phân tích trên kết luận: trong vụ án này thân chủ của tôi là Phạm Thị Lân, Hà Minh An đều không có động cơ, mục đích vụ lợi chiếm đoạt hay xâm hại ngân sách Nhà nước trong việc mua bán hóa đơn với bà Long Thị Biết. Các cơ quan tố tụng của tỉnh Yên bái chưa làm rõ được mối quan hệ kinh doanh hợp tác giữa đơn vị bán hàng hóa với hộ kinh doanh của bà Biết trong việc xuất hóa đơn. Do đó, hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn”. Bởi thế, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của tôi để ra những phán quyết công tâm. Yêu cầu của tôi cụ thể như sau:

1- Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 29 BLHS năm 2015 miễn TNHS cho bị cáo Phạm Thị Lân và Hà Minh An vì hành vi của họ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm;

2- Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47 BLHS 2015, Điều 106 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 trả lại chiếc máy tính xách tay là tài sản cho Hà Minh An  vì không liên quan đến hành vi phạm tội.

Tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe !

Luật sư bào chữa: Nguyễn Trung Tiệp

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT THUẬN THIÊN

Giám đốc - Luật sư:  Nguyễn Trung Tiệp Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Trụ sở chính:  Số 3 ngách 168/46/7/2 Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Hà Nội: Tầng 4, toà nhà Hoàng Vương, số 31 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Văn phòng luật sư Quảng Nam: Số 174 Văn Tiến Dũng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng luật sư TPHCM: Tòa nhà 68 Lộc Phát, số 68 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh..
Tổng đài : 1900.8686.64
Email: luatthuanthien@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatthuanthien.com
www.thuanthienlawfirm.com
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcLuật sư tranh tụng vụ án Hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại QUẢNG NAM
Bài tiếp theoLuật sư tranh tụng vụ án “Giết người” ở Hà Nội