Home Bản án & Án lệ Luật sư tranh tụng vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”

Luật sư tranh tụng vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”

Luật sư tranh tụng vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”

(Lời dẫn) Bản luận cứ bào chữa bị cáo Thào Pà Hờ trong vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

“Ma tuý” hay thời nay rất nhiều người gọi với cái tên khác là “Mai Thuý”, “Mua bán và sử dụng Mai Thuý”. Thực chất là một loại chất cấm gây tác động mạnh đến thần kinh, sức khoẻ của con người. Sức tàn phá khủng khiếp như có thể gây ra ảo giác, hoang tưởng vì hiện nay theo danh mục các chất ma tuý do Chính Phủ ban hành có rất nhiều loại. Chỉ một lượng nhỏ đưa vào sử dụng trong cơ thể con người gây ra ảnh hưởng rất lớn.

Giáo dục pháp luật về ma tuý không chỉ có ở nhà trường, các buổi tuyên truyền ở xã phường, các địa phương. Tuy nhiên ở đâu đó những nơi xa xôi của đất nước ta vẫn có những địa bàn có người dân sinh sống thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí không biết chữ, bị dụ dỗ mua bán, sử dụng chất cấm này (điển hình như: Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang). Hà Giang là một tỉnh miền núi phía bắc, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, có các dân tộc như H’Mông; Dân tộc Thai; Tày; Nùng.. có các vùng đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy đã có nhiều người dân do thiếu hiểu biết, không biết chữ vi phạm pháp luật. Một vụ án về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý xảy ra tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”, bị cáo Thào Pà Hờ bị truy tố, xét xử về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 3 Điều 96a BLHS 1985 sửa đổi bổ sung năm 1989. Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, thẩm phán, HĐXX đã căn cứ vào hồ sơ nhưng không có sự nghiên cứu kỹ, có rất nhiều mâu thuẫn giữa lời khai của các bị cáo nhưng không được làm rõ. Có sự vi phạm của cơ quan điều tra do các buổi hỏi cung và làm việc với bị can không có sự tham gia của luật sư. Hiện nay việc xét xử dựa trên hồ sơ hay còn gọi “án tại hồ sơ” vẫn phổ biến. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xét xử khách quan, thậm chí còn gây oan sai người vô tội. Bị cáo Thào Pà Hờ bị đã bị TAND Tỉnh Tuyên Quang đưa ra xét xử. Dưới sự bào chữa của Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật TNHH Thuận Thiên, bằng những phân tích và lập luận sắc bén đã giúp cho thân chủ của mình là bị cáo Thào Pà Hờ được trả tự do tại Toà.

Có thể thấy, nếu như chỉ dựa vào các chứng cứ từ phía cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm Sát mà Toà án không xem xét, nghiên cứu kỹ, phân tích tính khách quan thì rất dễ gặp phải việc xét xử cảm tính dựa trên hồ sơ. Từ đó viện dẫn căn cứ pháp luật áp dụng để xét xử và đưa ra bản án không khách quan dễ dẫn tới oan sai, vô tội.

BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA

BỊ CÁO THÀO PÀ HỜ

(TRONG VỤ ÁN “MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY”

 Tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử !

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm nay!

Tôi là Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Thuận Thiên – Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời luật sư của bị cáo và được sự chấp thuận của TAND tỉnh Tuyên Quang. Tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho ông Thào Pà Hờ bị truy tố, xét xử về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 3 Điều 96a BLHS 1985 sửa đổi bổ sung năm 1989.

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay. Tôi trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  • Vi phạm về việc không có luật sư tham gia lấy cung.

Một là: theo thông báo về việc đăng ký bào chữa của CQCSĐT Bộ Công an cấp cho Luật sư Nguyễn Trung Tiệp 108 và 109/C04-P8 ngày 15/01/2019 và Thông báo cho người bào chữa về việc tiến hành hoạt động điều tra số 109/C04 – P8 ngày 15/01/2019 cũng như thực tiễn các bản lấy cung của Điều tra viên đối với bị can Thào Pà Hờ, tôi đã làm văn bản gửi tới CQCSĐT Bộ Công an để yêu cầu được tham gia tất cả các buổi làm việc, hỏi cung đối với bị can Thào Pà Hờ. Tuy  nhiên trong suốt quá trình điều tra vụ án, chỉ có duy nhất 01 lần vào ngày 21/01/2019, tôi được vào làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Thào Pà Hờ tại trại giam T16 Bộ Công an. Mặc dù, tôi đã rất nhiều lần liên hệ với điều tra viên Nguyễn Bảy (là điều tra viên của vụ án) để yêu cầu thông báo cho tôi kế hoạch làm việc với bị can Thào Pà Hờ nhưng ĐTV Nguyễn Bảy đều nói rằng chưa thu xếp được công việc hỏi cung, khi nào tiến hành hỏi cung sẽ thông báo cho luật sư được biết.

Sau khi có Kết luận điều tra vào ngày 3/6/2019, tôi vào trại giam T16 bộ Công an để gặp bị can Hờ thì được bị can cho biết, sau buổi gặp với luật sư, bị can còn làm việc với CQĐT 04 lần mà không có sự tham gia của luật sư bào chữa. Bị can có hỏi điều tra viên Nguyễn Bảy thì được ĐTV thông báo luật sư bận không vào được và vụ việc của bị can là nhỏ không cần thiết phải có luật sư tham gia. Do tin tưởng ĐTV Nguyễn Bảy nên bị can Hờ đã đồng ý làm việc với CQĐT mà không có luật sư bảo vệ.

Sau khi sao chụp hồ sơ tài liệu vụ án, tôi nhận thấy những điều bị can Thào Pà Hờ trình bày hoàn toàn là sự thật, rất nhiều bản hỏi cung sau ngày 21/1/2019 đều không có sự tham gia của luật sư. Tôi khẳng định không nhận được bất kỳ giấy mời hay thông báo nào của CQĐT Bộ Công an về kế hoạch làm việc với bị can Thào Pà Hờ. Do vậy, việc luật sư không thể tham gia hỏi cung là do ĐTV không thông báo, không phải ý chí luật sư. Trong khi đó những lời khai là rất quan trọng và là căn cứ buộc tội, gỡ tội cho bị can. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khách quan và chính xác trong lời khai của bị can Thào Pà Hờ tại CQĐT, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can được quy định tại Điều 60 BLTTHS năm 2015. Vi phạm nghiêm trọng tố tụng quy định tại Điều 73 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa; Điều 79 quy định về trách nhiệm thông báo cho người bào chữa.

Hai là: Tôi đã có Công văn số 59 ngày 20/06/2019 gửi Thủ trưởng CQCSĐT Bộ Công an và Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị về việc này. Song, không nhận được phản hồi lại từ hai cơ quan này trước những vi phạm nghiêm trọng tố tụng về việc trên.

2- Thời hạn truy cứu TNHS không còn.

Căn cứ vào Cáo trạng số 84/CT-VKSTC – V4 ngày 9/10/2019 của VKSND tối cao kết luận:

“Trong năm 1990 đến tháng 01 năm 1991, bị can Thào Pà Hờ cùng Mua Dủng Mỷ đã bốn lần thực hiện hành vi mua bán trái phép 7,5 kg thuốc phiện với Nguyễn Văn Hướng. Hành vi của bị can Thào Pà Hờ phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 96a BLHS năm 1975 sửa đổi bổ sung năm 1989”.

Như vậy, căn cứ vào kết luận nêu trên, luật sư nhận thấy: Về mặt thời gian nêu rất chung chung, không cụ thể rõ ràng về ngày tháng năm xảy ra hành vi phạm tội. Hơn nữa, nếu căn cứ vào lời khai của Nguyễn Văn Hướng và thời gian mà Cáo trạng nêu trên nếu lấy mốc thời gian lần thứ tư là thời điểm cuối thực hiện hành vi tội phạm mà Hướng mua bán trái phép chất ma túy với Thào Pà Hờ, Mua Dũng Mỷ 02 lần đầu vào khoảng tháng giữa tháng sáu âm lịch năm 1990. Đối chiếu với quyết định khởi tố bị can số 124/C17(P6) ngày 24/11/2005 của CQCSĐT Bộ Công An đối với Thào Pà Hờ, rõ ràng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS vì quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 về thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội nghiêm trọng chỉ là 15 năm. Vì theo hướng có lợi cho bị can phải tính thời gian vào năm 1990. Tôi đã tiến hành xác minh làm rõ đối với ông Nguyễn Văn Hướng là người liên quan và ông Hướng khẳng định: 02 lần đầu vào khoảng tháng giữa tháng sáu âm lịch năm 1990, hai lần cuối bán ma túy cho Mỷ, Hờ vào khoảng giữa tháng 12 âm lịch năm 1990.

3- Không có chứng cứ để buộc tội.

Tại trang 5 của Cáo trạng chỉ nêu: Vật chứng của vụ án đã được giải quyết tại Bản án số 113/2006/HSST ngày 25/12/2006 của TAND tỉnh Tuyên Quang.

Trong khi đó, đây là một vụ án về ma túy, CQĐT không thu giữ được thuốc phiện, không có kết luận giám định hàm lượng, trọng lượng chỉ dựa duy nhất vào lời khai của hai người là Mua Dũng Mỷ đã chết năm 2013 khi đang thi hành án phạt tù và Nguyễn Văn Hướng đã thực hiện xong bản án có hiệu lực trong một vụ án khác. Các đối tượng Tiềm là người bán thuốc phiện cho Hướng cũng đã chết, đối tượng Đức là người bán thuốc phiện cho Hướng, do không có họ tên, địa chỉ nên không xác minh làm rõ được.

Tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 10/03/2020, người liên quan vụ án là Nguyễn Văn Hướng cũng thừa nhận khai: Đây là một vụ án truy xét nên các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ dựa vào lời khai, không thu giữ được tang chứng vật chứng cũng như không giám định về hàm lượng, trọng lượng số thuốc phiện và ma túy mà Cơ quan điều tra đã thu giữ được.

Như vậy, là không đủ tang chứng, vật chứng, cơ sở chứng minh tội phạm. Việc CQCSĐT Bộ Công an và VKSNDTC chỉ dựa vào lời khai của Hướng nhưng lại mâu thuẫn với lời khai của bị can Thào Pà Hờ để kết tội thân chủ Tôi là vi phạm Điều 86 về chứng cứ và Điều 108 về kiểm tra, đánh giá chứng cứ

4- Lời khai còn mâu thuẫn nhau.

Trong vụ án lời khai của các đương sự còn nhiều mâu thuẫn nhau. Đó là lời khai của Nguyễn Văn Hướng với Thào Pà Hờ và những ngưới khác. Đây chính là lý do mà TAND tỉnh Tuyên Quang đã trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu đối chất.

Một là: Lời khai của ông Nguyễn Văn Hướng trong vụ án này tại các cơ quan tiến hành tố tụng từ năm 2006 – 2007 và tại phiên tòa sơ thẩm ngày hôm nay 10/3/2020 còn rất nhiều sự mâu thuẫn. Cụ thể, lời khai tại phiên Tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Tuyên Quang ngày 27/10/2006 – Bl 00275 khi chủ tọa là thẩm phán Nông Văn Hạnh hỏi: “Bị cáo có biết nguồn gốc số thuốc phiện của Đức không; Hướng đáp: Đức mua thuốc phiện ở Hà Nội; chủ tọa hỏi: theo bị cáo thì Mỷ bán thuốc phiện ở đâu? Hướng đáp: Mỷ bán thuốc phiện ở nhà Mỷ, người Trung Quốc sang mua; chủ tọa hỏi: còn một người tên là Thào Pà Hờ, bị cáo có biết không? Hướng đáp: tôi có biết nhưng không mua bán thuốc phiện với Hờ”.

Khi Luật sư xét hỏi tại phiên Tòa 10/3/2020  thì ông Hướng trả lời: “quá trình thẩm vấn phải khai báo như biên bản phiên Tòa mà luật sư nêu là đúng sự thật và để phù hợp với tình hình”.

Hai là: Lời khai của ông Hướng không những mâu thuẫn với lời khai của mình mà còn mâu thuẫn với chính lời khai của ông Mỷ. Điều đó được thể hiện như sau:

– Về khối lượng: ông Mỷ cho rằng mua bán đến 20 kg, ông Hướng cho rằng có 7,5 kg. Địa điểm mua bán: ông Hướng nói rằng có lần giao ở nhà mình, lần giao ở nhà ông Hướng, còn Mỷ khai: khi lấy hàng chỉ có lấy ở nhà Hướng.

– Về thời gian giao dịch: có những lời khai nói mua bán năm 1988, có lời khai mua bán từ 1987 đến năm 1990, có lời khai lại thể hiện vào cuối năm 1990.

Như vậy, qua những lời khai trên có thể khẳng định mối quan hệ giữa ông Hướng với Thào Pà Hờ là có quen biết nhau, nhưng giữa họ không có việc mua bán thuốc phiện. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xét xử vụ án Thào Pà Hờ thì ông Hướng lại khẳng định là có mua bán bốn lần thuốc phiện với bị cáo Hờ. Điều này cho thấy lời khai của ông Hướng là rất mâu thuẫn, đối lập nhau về mặt thời gian thể hiện sự không chính xác, không trung thực.

Ba là: Mâu thuẫn còn thể hiện rõ trong lời khai của Mua Dũng Mỷ bởi theo phần xác minh của luật sư Công ty Luật Thuận Thiên đối với các con ông Mỷ thể hiện ông Mỷ là người không biết chữ và có mâu thuẫn với ông Hờ. Vì khi còn sống ông Mỷ hay uống rượu và đánh đập vợ là em gái ông Hờ nên khi ông Hờ góp ý, can ngay thì giữa 02 người nảy sinh bất đồng quan điểm. Tại phiên Tòa hôm nay 10/3/2020, qua phần xét hỏi của HĐXX và luật sư, bị cáo Hờ cũng khai, thừa nhận có mâu thuẫn với ông Mỷ.

Lời khai của Mua Dũng Mỷ tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/10/2006 – Bl 00275 như sau: “chủ tọa hỏi: bị cáo Mua Dũng Mỷ cáo trạng truy tố bị cáo có đúng không? Mỷ đáp: Tôi không được mua thuốc phiện của Hướng vào những năm 1990, vì khi đó tôi còn chưa về ở đó. Lúc đó chỉ có Thào Pà Hờ ở đó thì Hờ biết, còn 5kg này tôi không biết”.

Qua lời khai trên của Mỷ tại TAND tỉnh Tuyên Quang có thể khẳng định rằng: không có việc Mỷ mua thuốc phiện của Hướng vào năm 1990. Hơn nữa, theo trình bày của bác sĩ và luật sư bào chữa cho bị cáo Mỷ thì: “Trong thời gian bị giam tại trại tạm giam, Mỷ còn có dấu hiệu bị tâm thần phải đưa đi giám định, trí nhớ suy giảm, hai chi dưới bị teo, sức khỏe rất yếu..” (trích Bl 000276).

Như vậy, lời khai của Mua Dũng Mỷ và Nguyễn Văn Hướng còn mâu thuẫn với nhau, thể hiện sự đối lập với chính lời khai của bản thận họ và Thào Pà Hờ. cho nên, không đủ cơ sở và dùng những lời khai này bất nhất này làm căn cứ quy kết bị cáo Thào Pà Hờ mua bán thuốc phiện với họ vào thời điểm những năm 1990 được.

5- Về quyết định truy nã.

Một là: Sự mâu thuẫn còn thể hiện ở quyết định truy nã, lời khai của các đương sự cho thấy trong quá trình bị cáo Thào Pà Hờ thôi làm việc ở xã từ năm 2004 thì ông Hờ vẫn làm việc, sinh sống tại địa phương và làm công việc khai thác đá ở đường biên giới Việt – Trung chứ không phải trốn tránh tại địa phương. Thực tế rằng, không có việc tống đạt văn bản cụ thể nào đến UBND và Công an xã Phố Là chỗ ông Hờ sinh sống. Tôi đã tiến hành xác minh với ông Giàng Mí Lô – Trưởng Công an xã Phố Là vào ngày 4/3/2020, ông Nô khẳng định:

“Không nhận được quyết định hay thông báo nào về việc truy tố nào đối với Thào Pà Hờ bằng văn bản hay miệng”.

– Trong biên bản xác minh của luật sư ngày 11/11/2019 và tại phiên Tòa sơ thẩm hôm nay ngày 10/3/2020, ông Thào Mí Súng nguyên là Phó trưởng Công an xã Phố Là cũng nêu:“Tôi làm việc tại UBND xã Phố Là từ năm 2004 đến tháng 10/2019, tôi không nhận được quyết định truy nã ông Thào Pà Hờ. Từ năm 2013, tôi chỉ được thông báo là ông Hờ bị truy nã chứ không nhận được trực tiếp quyết định nào (thông báo bằng miệng)”.

Ông Thào Mí Kỉa trưởng thôn Phố Là B có mặt tại Tòa khi trả lời câu hỏi của luật sư cho biết: “Thực tế tại thôn Phố là B và xã Phố Là, chính quyền địa phương không nhận được thông báo hay quyết định bằng văn bản nào của các cơ quan điều tra bộ Công an, tỉnh Hà Giang, huyện Đồng Văn. Cũng không có việc niêm yết công khai hay thông báo trên các phương tiện truyền thanh, truyền thông tại địa phương về việc ông Hờ bị truy nã. Trong khi đó, các quyền công dân như bầu cử, vay vốn ngân hàng làm ăn của ông Hờ vẫn được đảm bảo. Gia đình ông Hờ còn được Chủ tịch UBND xã Phố Là công nhận danh hiệu: Gia đình văn hóa 03 năm liên tục từ 2015 – 2017”.Thời gian sau nghỉ việc tại xã Phố Là, ông Hờ cùng nhiều người dân địa phương đi làm khai thác đá ở đường biên giới Việt -Trung thuộc xã Phú Lủng, huyện MaLiPho Trung Quốc và sáng đi tối về, chứ không phải bỏ trốn khỏi địa phương”.

Ngày 4/3/2020, luật sư cũng tiến hành xác minh với một số nhân chứng khác như anh Thào Mí Sính, sinh năm 1989; anh Thào Vả Lúa, sinh năm 1975 cùng ĐKHKTT tại thôn Phố Là B, xã Phố Là. Cả hai đều cho biết như sau: “Từ năm 2006 đến năm 2013, tôi với ông Thào Pà Hờ cùng một số người khác đi làm khai thác đá cho chủ người Trung Quốc. Đến năm 2013, tôi và ông Hờ không làm khai thác đá nữa vì chính quyền hai bên Việt Nam, Trung Quốc cấm không cho nổ mìn khai thác đá”.

Hai là: Trong bản cáo trạng của VKSND Tối cáo truy tố với Thào Pà Hờ có viện dẫn Bl số 500 tức là biên bản lấy lời khai vào ngày 27/8/2019 giữa Điều tra viên Nguyễn Bảy và ông Giàng Mí Nô – Trưởng Công an xã Phố Là. Căn cứ vào Bl số 500 này, thì vào năm 2005, Công an xã Phố Là đã nhận được bản photo quyết định truy nã ông Hờ và chính quyền địa phương đã biết ông Hờ là đối tượng truy nã, vận động ông ra đầu thú nhưng ông Hờ không hợp tác.

Biên bản này hoàn toàn mâu thuẫn với tất cả tài liệu, chưng cứ có trong hồ sơ vụ án. Đó là mâu thuẫn với văn bản trả lời ủy thác điều tra của Công an tỉnh Hà Giang ngày 3/5/2009. Nó còn mâu thuẫn với báo cáo quá trình vận động đối tượng ra đầu thú của Công an xã phố Là ngày 26/4/209. Trong hai văn bản này nội dung chính đều thể hiện rằng Công an xã Phố Là và Công an tỉnh Hà Giang đều không nhận được quyết định truy nã Thào Pà Hờ cho đến năm 2013.

Ngoài ra, sau khi luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án, đã tiến hành xác minh với ông Giàng Mí Nô và Thào Mí Súng của Ban Công an xã Phố Là kết quả như đã viện dẫn phân tích ở trên. Do vậy, biên bản ghi lời khai giữa ĐTV Nguyễn Bảy với ông Giàng Mí Nô đã không có sự chính xác về mặt ý trí của ông Nô cũng như không đúng với cả quá trình thu thập, điều tra vụ án.

Qua những dẫn chứng, phân tích nêu trên cho thấy: ông Thào Pà Hờ vẫn sinh sống, làm ăn tại địa phương, không biết bản thân mình bị truy nã và phải bỏ trốn đi nơi khác. Hơn nữa, không có việc các CQĐT gửi thông báo, quyết định truy nã đến thôn Phố Là B và UBND xã Phố Là. Đồng thời việc niêm yết, thông báo trên các phương tiện truyền thanh cũng không được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật. Đây là điều mà Kiểm sát viên tối cao khi tranh luận tại phiên tòa đã thừa nhận việc làm này của CQĐT là có sai sót, khuất tất.

6- ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ:

Từ những nhận định phân tích trên kết luận: trong vụ án này thân chủ của tôi là Thào Pà Hờ không tham gia vào việc mua bán trái phép chất ma túy với Nguyễn Văn Hướng như Cáo trạng của VKSND tối cao kết luận, truy tố. Bởi thế, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét những nhận định, phân tích trên của Tôi để ra những phán quyết công tâm. Yêu cầu của tôi cụ thể như sau:

1- Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 157, điểm a khoản 1 Điều 282 BLTTHS 2015 đình chỉ vụ án;

2- Trong trường hợp khác nếu xét thấy cần phải thu thập thêm chứng cứ tài liệu, làm rõ các tình tiết vụ án, căn cứ chứng minh tội phạm. Đề nghị HĐXX áp dụng điểm a khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015; điểm a khoản 2 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT – VKSNDTC – TANDTC – BCA-BQP ngày 22/12/2017 trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe !

Luật sư bào chữa Nguyễn Trung Tiệp.

Ma tuý” hay thời nay rất nhiều người gọi với cái tên khác là “Mai Thuý”, “Mua bán và sử dụng Mai Thuý”. Thực chất là một loại chất cấm gây tác động mạnh đến thần kinh, sức khoẻ của con người. Sức tàn phá khủng khiếp như có thể gây ra ảo giác, hoang tưởng vì hiện nay theo danh mục các chất ma tuý do Chính Phủ ban hành có rất nhiều loại. Chỉ một lượng nhỏ đưa vào sử dụng trong cơ thể con người gây ra ảnh hưởng rất lớn.

Giáo dục pháp luật về ma tuý không chỉ có ở nhà trường, các buổi tuyên truyền ở xã phường, các địa phương. Tuy nhiên ở đâu đó những nơi xa xôi của đất nước ta vẫn có những địa bàn có người dân sinh sống thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí không biết chữ, bị dụ dỗ mua bán, sử dụng chất cấm này (điển hình như: Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang). Hà Giang là một tỉnh miền núi phía bắc, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, có các dân tộc như H’Mông; Dân tộc Thai; Tày; Nùng.. có các vùng đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy đã có nhiều người dân do thiếu hiểu biết, không biết chữ vi phạm pháp luật. Một vụ án về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý xảy ra tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”, bị cáo Thào Pà Hờ bị truy tố, xét xử về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 3 Điều 96a BLHS 1985 sửa đổi bổ sung năm 1989. Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, thẩm phán, HĐXX đã căn cứ vào hồ sơ nhưng không có sự nghiên cứu kỹ, có rất nhiều mâu thuẫn giữa lời khai của các bị cáo nhưng không được làm rõ. Có sự vi phạm của cơ quan điều tra do các buổi hỏi cung và làm việc với bị can không có sự tham gia của luật sư. Hiện nay việc xét xử dựa trên hồ sơ hay còn gọi “án tại hồ sơ” vẫn phổ biến. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xét xử khách quan, thậm chí còn gây oan sai người vô tội. Bị cáo Thào Pà Hờ bị đã bị TAND Tỉnh Tuyên Quang đưa ra xét xử. Dưới sự bào chữa của Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật TNHH Thuận Thiên, bằng những phân tích và lập luận sắc bén đã giúp cho thân chủ của mình là bị cáo Thào Pà Hờ được trả tự do tại Toà.

Có thể thấy, nếu như chỉ dựa vào các chứng cứ từ phía cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm Sát mà Toà án không xem xét, nghiên cứu kỹ, phân tích tính khách quan thì rất dễ gặp phải việc xét xử cảm tính dựa trên hồ sơ. Từ đó viện dẫn căn cứ pháp luật áp dụng để xét xử và đưa ra bản án không khách quan dễ dẫn tới oan sai, vô tội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Chia sẻ